|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tỷ giá USD tăng mạnh: Niềm vui hay nỗi buồn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu?

11:19 | 07/03/2024
Chia sẻ
Tỷ giá USD tăng cao trong thời gian vừa qua có những tác động trái chiều tới hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt nhóm xuất nhập khẩu.

Những tác động trái chiều

Tỷ giá biến động mạnh và tạo lập kỷ lục mới trong những tháng đầu năm 2024 khiến thị trường xuất hiện lo ngại về ảnh hưởng tới hoạt động của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Về nguyên tắc, khi tỷ giá USD/VND tăng, doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang đồng Việt Nam sẽ tăng, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi. Tuy nhiên, ở vấn đề đầu vào sản xuất, một số doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu từ nước ngoài, giá USD tăng khiến doanh thu bị bội chi về chi phí nguyên liệu và phí vận tải (logistics).

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đồng USD tăng sẽ mang lại niềm vui - nỗi buồn cho nhiều đối tượng doanh nghiệp khác nhau. Thậm chí, trên cùng một doanh nghiệp, khi trao đổi bằng tiền USD thì áp lực tài chính tăng cao, nhưng khi xuất sang nước nào tỷ giá thấp hơn thì lại là niềm vui.

Tuy nhiên, tỷ giá tăng giảm phần lớn do yếu tố khách quan và nằm bên ngoài sự điều kiểm soát của Việt Nam. Điều này khiến doanh nghiệp bị động trong việc hoạch định những kế hoạch về mặt tài chính để nhập khẩu nguyên liệu hay xuất hàng hóa đi ra nước ngoài.

Chia sẻ với chúng tôi,ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn May Hồ Gươm, doanh nghiệp dệt may chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài, cho haynhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong những tháng đầu năm 2024. Đến nay doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II/2024.

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn May Hồ Gươm. (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh niềm vui về đơn hàng, ông Trịnh cũng cho biết, hầu hết hợp đồng xuất khẩu sang các nước như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nga đều dựa trên giá USD. Do đó, việc giá USD tăng mạnh trong thời gian gần đây cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp được hưởng lợi vì doanh thu đổi ra VND được tăng lên.

“Khi giá USD tăng lên từ 24.000 đồng lên hơn 25.000 đồng, dù đã phải trừ đi mức tăng nguyên phụ liệu khi phải nhập khẩu song doanh nghiệp vẫn thu được một khoản chêch lệch. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đẩy mạnh tìm kiếm nhiều đơn hàng hơn”, ông Trịnh chia sẻ.

Ở chiều ngược loại, tỷ giá tăng mạnh cũng khiến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc sử dụng đồng USD để thanh toán sẽ chịu tác động tiêu cực.

Đại diện Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết đối với ngành thép,nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chủ yếu là nhập khẩu, đặc biệt là quặng sắt, thép vụn phải nhập khẩu phần lớn.

“Biến động tỷ giá có ảnh hưởng rất lớn, bởi nguyên liệu về đến nơi thì giá tăng, làm cho giá thành sản xuất của doanh nghiệp tăng. Trong năm 2023, ngành thép khó khăn do nhu cầu trong nước thấp, xuất khẩu suy giảm, chi phí đầu vào tăng, nay tỷ giá tăng dẫn đến hiệu quả kinh doanh giảm xuống”, đại diện VSA lo ngại.

Không chỉ chi phí nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng, ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng, việc USD tăng giá cũng khiến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng.

Đặc biệt, do căng thẳng ở Biển Đỏ, giá cước vận tải biển từ Việt Nam sang châu Âu và bờ Đông nước Mỹ đã có sự gia tăng đặc biệt, trước đây một container từ Việt Nam sang châu Âu vào khoảng từ 1.800 - 2.200 USD thì hiện nay đã tăng lên đến hơn 4.000 USD. 

“Dù chi phí vận chuyển tăng nhưng doanh nghiệp vẫn phải bán đúng giá đã cam kết đối với cả khách hàng theo hợp đồng. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phải giảm lợi nhuận trong trường hợp hợp đồng vận chuyển ký bằng USD mà doanh nghiệp phải thanh toán bằng VND”, ông Trung tính toán.

Làm sao để ứng phó?

Chia sẻ về những giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó với biến động tỷ giá, bàPhạm Thị Ngọc Thủy (Ban IV) cho rằng trong bối cảnh tỷ giá biến động, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái để kịp thời điều chính kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.

Về lâu dài, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như: mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.

“Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo sự khác biệt cho sản phẩm luôn là điều cần hướng tới. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế, đặc biệt từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí.”, bà Thủy nêu rõ.

Đồng tình với quan điểm này, đại điện Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cũng cho biết, hiện các doanh nghiệp đang tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu khác trong nước thay thế các nguồn nhập khẩu; tăng cường thu mua thép vụn trong nước, tìm kiếm các nguồn hàng gần thay vì các nguồn hàng xa.

Cùng với đó, ngành thép sẽ phải điều tiết bớt sản xuất lại, tìm mọi cách hạ giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

“Đặc biệt, một trong những công cụ mà các doanh nghiệp đang nghiên cứu là bảo hiểm tỷ giá, bởi nếu bỏ ra một khoản chi phí để đảm bảo được tỷ giá trong bối cảnh tỷ giá tăng như hiện nay thì đó cũng là một giải pháp hiệu quả.”, đại diện VSA thông tin.  

Nguyễn Ngọc

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.