|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá khó có thể giảm mạnh như năm ngoái

07:11 | 08/11/2023
Chia sẻ
Theo BIDV Treasury, tỷ giá khó có đợt giảm mạnh lên tới gần 1.000 điểm như giai đoạn cuối năm trước và có thể sẽ tăng trở lại trong phần còn lại của tháng 11, với vùng dao động chủ đạo của tỷ giá USD/VND có thể quanh khoảng 24.250 đồng đến 24.450 đồng.

Theo báo cáo từ Nhóm Nghiên cứu & Phân tích của BIDV Treasury, trong phiên giao dịch ngày 6/11, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh khoảng 175 điểm xuống mức 24.340 đồng và tiếp tục giảm thêm khoảng 60 - 70 điểm trong phiên sáng nay xuống quanh mức 24.270 đồng.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ môi trường quốc tế khi báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ công bố vào tối thứ 6 tuần trước chỉ đạt mức 150.000 việc làm, thấp hơn 30.000 so với kỳ vọng, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng tăng lên 3,9% - mức cao nhất trong hai năm.

Theo đó, thị trường đã phản ứng mạnh mẽ với các dữ liệu trên khi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất ngay từ tháng 5/2024 chứ không phải từ tháng 7/2024 như trước, chỉ số Dollar Index (DXY) cũng đã ngay lập tức giảm khoảng 1% xuống mức 105 điểm.

Diễn biến của đồng tiền Việt Nam cũng song song với một số đồng tiền trong khu vực như THB, IDR, MYR... với mức tăng khoảng 1 - 2% so với USD trong hai phiên gần đây.

(Nguồn: Refinitiv).

Diễn biến tỷ giá có điểm tương đồng với năm 2022

Nhóm Nghiên cứu & Phân tích BIDV Treasury đánh giá các diễn biến gần đây có phần tương đồng với giai đoạn cuối năm trước khi tỷ giá trong nước đã giảm mạnh trở lại sau những nhịp tăng trong nhiều tháng trước đó, với khởi phát đến từ môi trường quốc tế giúp hạ nhiệt tâm lý trên thị trường.

Mặc dù vậy, nếu so với điều kiện của năm trước, bối cảnh trong năm nay có nhiều điểm khác nhau khá cơ bản cả từ trên thị trường quốc tế và trong nước.

Ở giai đoạn này năm trước, tỷ giá USD/VND đã giảm rất mạnh khoảng gần 1.000 điểm do cộng hưởng từ nhiều yếu tố tới từ kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất sớm khiến chỉ số DXY đã giảm rất mạnh gần 10% chỉ trong hai tháng và NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt rõ nét khiến mặt bằng chênh lệch lãi suất VND - USD các kỳ hạn ngắn tăng lên mức dương 2% để giảm áp lực cho tỷ giá.

So với điều kiện năm nay, bối cảnh có điểm tương đồng nhưng chưa hẳn tích cực như năm ngoái. Thứ nhất, điều kiện quốc tế trong năm nay ẩn chứa nhiều yếu tố bất định lớn hơn. Số liệu việc làm vừa qua của Mỹ bị ảnh hưởng khá lớn bởi cuộc đình công trong lĩnh vực ô tô khiến số việc làm giảm khoảng 30.000 so với mức bình thường.

Ngoài ra, một số các dữ liệu việc làm khác như số đơn trợ cấp thất nghiệp, tỷ lệ việc làm full time/part-time hay số đơn xin việc (theo Challenger report) vẫn đang ủng hộ cho trạng thái thắt chặt của thị trường lao động Mỹ.

Báo cáo từ BIDV Treasury cho rằng, các phản ứng của thị trường xoay quanh dữ liệu việc làm có thể chỉ xảy ra trong ngắn hạn và diễn biến lạm phát trong tuần sau có thể là nhân tố quyết định cho sự đảo chiều của chỉ số DXY.

Nếu lạm phát của Mỹ vẫn dai dẳng, chỉ số DXY có thể bật tăng trở lại quanh vùng 106, đặt trong bối cảnh triển vọng một số nền kinh tế khác như EU hay Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, bối cảnh trong nước cũng hiện cũng chưa thật sự thuận lợi. Chênh lệch lãi suất VND - USD dự kiến vẫn ở mức âm sâu, kỳ hạn 1tuần hiện dao động quanh khoảng -3,5%/năm do sự phân kỳ chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam, qua đó củng cố cho việc nắm giữ đồng USD so với VND với mức lãi suất hấp dẫn hơn. Ngoài ra, cung cầu ngoại tệ trong nước trong tháng 11 cũng được dự báo không quá dồi dào khi chỉ ở mức cân bằng.

Tỷ giá có thể tăng nhẹ trở lại

Các chuyên gia từ BIDB Treasury dự báo tỷ giá khó có đợt giảm mạnh lên tới gần 1.000 điểm như giai đoạn cuối năm trước mà có thể sẽ tăng trở lại trong phần còn lại của tháng 11, với vùng dao động chủ đạo của tỷ giá USD/VND có thể quanh khoảng 24.250 đồng đến 24.450 đồng.

Ngoài ra, diễn biến gần đây của tỷ giá có biến động mạnh với cả hai chiều tăng/giảm tương quan chặt chẽ đối với thị trường quốc tế, do đó xu hướng trong thời gian tới rất khó lường.

Trong trường hợp chỉ số CPI của Mỹ sắp tới giảm mạnh hơn kỳ vọng, kéo theo đà giảm của DXY xuống dưới vùng 104 hay cung cầu ngoại tệ trong nước dồi dào hơn do tâm lý thị trường trở nên tích cực hơn, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng có thể giảm về quanh vùng 24.000 đồng.

Ở chiều ngược lại, tỷ giá có thể tăng trở lại nếu số liệu lạm phát tăng mạnh hơn kỳ vọng kéo theo xu hướng tăng trở lại của đồng USD. Trong kịch bản này, tỷ giá có thể tăng trở lại lên quanh vùng 24.500 đồng - 24.600 đồng.

Hạ An