|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tư duy lại để bịt lỗ hổng cổ phần hóa DNNN

17:40 | 05/03/2017
Chia sẻ
Chúng ta đã nhồi quá nhiều ý đồ và mục tiêu vào chính sách cổ phần hóa và trong đó có những phạm trù chồng chéo và mâu thuẫn nhau. 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật có liên quan để bổ sung, sửa đổi hoặc kiến nghị bổ sung, sửa đổi nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). TBKTSG trao đổi với ông Nguyễn Tiến Lập(*) về chủ đề này.

TBKTSG: Thưa ông, pháp luật hiện nay có cấm người giữ các chức danh lãnh đạo DNNN mua cổ phần của chính doanh nghiệp này khi nó được cổ phần hóa? Việc cấm hay không cấm nhằm mục đích gì và trên thực tế điều đó có ý nghĩa thực sự không?

- Ông Nguyễn Tiến Lập: Về vấn đề này, việc áp dụng pháp luật đang có những sự phức tạp nhất định. Từ góc độ hành vi góp vốn, mua cổ phần hay quản lý doanh nghiệp, đang có nhiều khung pháp luật đan xen, thậm chí có phần chồng chéo nhau như Luật Doanh nghiệp, các quy định dưới luật về cổ phần hóa DNNN, Luật Cán bộ, công chức và Luật Phòng chống tham nhũng.

Vấn đề ở chỗ, trong khi tại các văn bản luật đều có những quy định cấm hoặc hạn chế nhất định đối với cán bộ, công chức trong việc thành lập, góp vốn vào doanh nghiệp hoặc trong quản lý, điều hành trực tiếp doanh nghiệp thì các nghị định có liên quan đến cổ phần hóa như Nghị định 109/2007 trước kia và Nghị định 59/2011 hiện hành lại không có quy định nào hạn chế cán bộ lãnh đạo DNNN mua cổ phần của chính doanh nghiệp do mình phụ trách khi cổ phần hóa.

tu duy lai de bit lo hong co phan hoa dnnn

Ông Nguyễn Tiến Lập.

Tôi hiểu rằng đã có hai động thái hoàn toàn khác nhau khi xây dựng các văn bản pháp luật này. Đối với các luật do Quốc hội ban hành, chắc hẳn đã có sự nghiên cứu cẩn trọng và toàn diện hơn, do đó, để lường trước các tác động và hệ quả tiêu cực, người ta đã đưa vào các chế định có tính nguyên tắc chung, đó là “bất khả kiêm nhiệm” hay “tránh xung đột lợi ích” để bảo vệ sự liêm chính và minh bạch của hệ thống chính quyền và các thành viên của nó. Tuy nhiên, khi thiết kế các chính sách và chương trình cổ phần hóa DNNN, có lẽ người ta chỉ nghĩ nhiều đến việc làm sao bán được và bán nhanh các cổ phần. Và đó, như thực tế đã chứng minh, là một cách nhìn phiến diện.

TBKTSG: Mặc dù pháp luật không cấm người giữ các chức danh lãnh đạo DNNN mua cổ phần của chính doanh nghiệp này khi nó được cổ phần hóa và quá trình cổ phần hóa muốn thành công cần phải có rất nhiều nguồn lực một cách không phân biệt đối xử, vì sao dư luận vẫn đặt câu hỏi về nhiều trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp trở thành cổ đông lớn? Ở đây xin bỏ qua khía cạnh nguồn gốc tiền đầu tư vì thuộc phạm trù khác...

- Trước hết, nếu quan niệm cổ phần hóa một DNNN thành công là bán được hết số cổ phần dự tính để chuyển đổi nó sang công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì đó là quan điểm của người thừa hành nhiệm vụ, tức có hơi hướng của chủ nghĩa thành tích. Đặt địa vị vào chủ sở hữu DNNN thì cần xác định vấn đề theo cách khác, đó là coi DNNN là tài sản cho nên phải bán làm sao được giá cao nhất thay vì bán nhanh nhất. Còn với tư cách là người chủ quốc gia như Quốc hội thì còn phải coi các DNNN là chủ thể của nền kinh tế, cho nên phải làm sao duy trì doanh nghiệp hoạt động tốt sau khi bán cổ phần và chuyển đổi.

Vậy, lãnh đạo DNNN trở thành cổ đông lớn và tiếp tục quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa thì có tốt không? Về lý thuyết thì không, bởi như thế doanh nghiệp đã không được “thay máu quản trị”, mặc dù về hình thức sở hữu có thay đổi. Ngoài ra, khi xây dựng phương án cổ phần hóa cũng như khi triển khai nó, ai là người có lợi thế nhất trong việc ra quyết định bán và mua các cổ phần? Chắc chắn đó là các lãnh đạo DNNN, là người hiểu biết rõ nhất về thực trạng tài sản và kinh doanh của doanh nghiệp, lại có điều kiện về tài chính và các mối quan hệ với cơ quan cấp trên, ngân hàng, đối tác kinh doanh. Cho nên, khó có thể nói có sự bình đẳng thật sự ở đây nếu so sánh đối tượng này với những người mua khác là người lao động của doanh nghiệp hay bên thứ ba nào đó. Và xin thưa, đó chính là lý do mà dư luận đã quan ngại.

TBKTSG: Không phải đến bây giờ chuyện phải ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa DNNN mới được đặt ra. Vấn đề quan trọng là các quy định về cổ phần hóa cần phải như thế nào để hạn chế những điều này chứ không phải là chạy theo kiểm tra, xử lý từng sự việc cụ thể, từng con người cụ thể khi “sự đã rồi”? Mà trong điều kiện hiện nay, để kết luận được những điều này cũng không phải dễ? Theo ông, lỗ hổng lớn nhất khiến tiêu cực, tham nhũng... trong quá trình này có thể xảy ra là gì?

- Theo tôi, lỗ hổng lớn nhất cho tiêu cực và tham nhũng đã nằm ngay trong chính trong cách thức thực hiện cổ phần hóa DNNN. Chúng ta đã giao cho từng ngành, từng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, bao gồm từ việc xây dựng phương án, phê duyệt và triển khai thực hiện. Có nghĩa là giao cho chính những người trong cuộc hay “đối tượng liên quan” bán tài sản do chính họ quản lý, đồng thời cũng cho họ có luôn cả tư cách người mua. Sự lạm dụng có thể phát sinh ngay từ trước khi lên phương án cổ phần hóa, chẳng hạn nếu ai đó có ý đồ dìm giá trị doanh nghiệp thì họ có thể để doanh nghiệp thua lỗ rồi sau đó mua được rẻ, hay cố tình che giấu thông tin liên quan để hạn chế, ngăn cản người mua khác... Trong các nghị định về cổ phần hóa có quy định không cho các thành viên ban chỉ đạo cổ phần hóa, bao gồm cả cấp trên của doanh nghiệp, mua cổ phần lần đầu. Tuy nhiên, ai có thể ngăn chặn được sự thông đồng cá nhân giữa thành viên ban chỉ đạo và lãnh đạo doanh nghiệp, hoặc mượn danh người khác để trục lợi?

Ngoài ra, vấn đề khá lớn khác là định giá doanh nghiệp cổ phần hóa, đặc biệt là giá đất. Không chỉ là việc định giá đất trên thực tế khá tùy tiện và thiếu công khai, minh bạch do phải áp dụng quá nhiều thủ tục phức tạp, mà còn có cả các quy định không tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp nếu là đất thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm. Trong điều kiện quỹ đất luôn luôn có hạn, sẽ không quan trọng là hình thức sử dụng thế nào, giao hay thuê, mà quan trọng là doanh nghiệp nắm quyền sử dụng đất, đặc biệt nếu đó là diện tích lớn và ở vị trí đắc địa. Trong vấn đề định giá cũng như chuyển đổi quyền và mục đích sử dụng đất, sự móc ngoặc giữa doanh nghiệp với các cơ quan hữu quan như tài chính, đất đai có thể xảy ra khá dễ dàng.

TBKTSG: Có vẻ như chúng ta cần tư duy lại về vấn đề cổ phần hóa DNNN, bắt đầu từ việc xem xét cổ phần hóa về bản chất là gì? Chúng ta có thể tham khảo được gì từ kinh nghiệm của các nước trong việc này, thưa ông?

- Thực sự mà nói, rất nhiều người và chính bản thân tôi cũng không rõ mục đích cổ phần hóa cuối cùng là gì? Nói một cách khác, chúng ta đã nhồi quá nhiều ý đồ và mục tiêu vào chính sách cổ phần hóa và trong đó có những phạm trù chồng chéo và mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn như vừa sắp xếp, vừa đổi mới lại vừa cổ phần hóa (tức bán sở hữu doanh nghiệp). Hay vừa muốn bán nhanh doanh nghiệp để đạt hiệu quả tài chính lại vừa muốn bảo đảm quyền được mua của người lao động như một chính sách xã hội...

Ở tất cả các nền kinh tế chuyển đổi thành công, người ta đều thực hiện tư nhân hóa nền kinh tế với mục tiêu rõ ràng là nhà nước từ bỏ chức năng kinh doanh để giao việc đó cho người dân. Tuy nhiên, thay vì giao cho từng ngành và từng doanh nghiệp tự thực hiện thì có một cơ quan tập trung được thành lập để thực hiện chức năng bán các DNNN. Điều này ít nhất làm giảm thiểu các sự phức tạp và các lỗ hổng tiêu cực. Bên cạnh đó, với việc coi DNNN là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, việc bán hay tư nhân hóa đối tượng này bắt buộc phải được điều chỉnh bởi một đạo luật do Quốc hội ban hành. Tôi cảm nhận rằng cho đến hôm nay chúng ta đã thức tỉnh điều này, và Chính phủ, Quốc hội đang nỗ lực điều chỉnh để quá trình cổ phần hóa đi đúng hướng hơn.

(*) Luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên VIAC.

Mỹ Lệ