Từ cú điện thoại lừa 7 tỉ, Công an TP HCM phát cảnh báo
Thời gian gần đây, nhiều người tại TP.HCM bị lừa với số tiền lên tới 10 tỉ đồng. Công an TP.HCM phải cảnh báo tới các cơ quan chức năng liên quan, hệ thống ngân hàng và cả tổng đài 1080 nhằm giúp người dân cảnh giác trước các chiêu lừa ngày càng tinh vi.
"Chuyên án" của "cục phó"
Khoảng 11h ngày 29-1, ông H.C.C. (49 tuổi, ngụ đường Nguyễn Biểu, Q.5) nhận được điện thoại thông báo: "Quý khách đang có một bưu phẩm không thực hiện được, muốn biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng bấm số 016".
Bất ngờ với thông báo này, ông C. bấm số 016 thì gặp một người tự xưng là nhân viên bưu điện nói chuyện với ông.
Ông C. hỏi về bưu kiện thì "nhân viên bưu điện" hỏi xin tên, địa chỉ để tìm bưu kiện liên quan. Ông C. tin nên cung cấp đầy đủ. Sau đó "nhân viên" này thông báo ông C. có một bưu kiện gửi đi Hà Nội, trong đó có 1 quyển sách và 23 thẻ ATM, bưu kiện này đang bị công an tạm giữ để điều tra.
Ông C. quá bất ngờ, khẳng định không gửi bưu kiện gì đi Hà Nội. "Nhân viên bưu điện" bắt đầu nghiêm giọng, nhấn mạnh: "Đây là vấn đề không nhỏ, bưu kiện do ông đứng tên đang bị tạm giữ để điều tra, ông cần liên hệ gấp với cơ quan điều tra Bộ Công an để trình báo".
Ông C. hoang mang, lo sợ mình có liên quan gì đến pháp luật nên xin số điện thoại của Bộ Công an để liên lạc, trình báo. Người ở đầu dây bên kia nhanh nhẹn thuyết phục: "Em sẽ kết nối cho anh tới Bộ Công an để anh trình bày". Ông C. được nối máy với một ông "cục phó cục điều tra của Bộ Công an", người này thông báo cho ông C. về "chuyên án 318, mã số 927885" đang được đơn vị này điều tra.
Vị "cục phó" này thông báo ông C. có mở thêm một tài khoản ở ngân hàng tại Hà Nội, trong tài khoản có 2 tỉ đồng là tiền bất hợp pháp. "Bộ Công an đã gửi hai văn bản tới các ngân hàng để đóng băng các tài khoản của ông và ra lệnh bắt khẩn cấp ông trong thời gian ba tháng để điều tra", vị "cục phó" thông báo. Nghe xong, ông C. quá choáng váng, liền năn nỉ có cách nào giúp đỡ.
"Nghe ông nói thì tôi cũng có cảm nhận ông là người vô tội, nhưng pháp luật thì cần phải có chứng cứ, không thể dùng tình cảm được. Bây giờ nếu ông muốn, tôi sẽ giúp ông minh oan nha. Trước hết, tôi xin tạm dừng hai văn bản đóng băng tài khoản của ông và lệnh bắt nếu ông hợp tác tích cực", vị "cục phó" nói với ông C..
Ông C. bị "cục phó" nêu trên dọa phải tuyệt đối nghe lời. "Cục phó" buộc ông C. cung cấp số điện thoại di động, khai thác hết thông tin cá nhân của ông C., từ tên tuổi, ngày sinh, số CMND, các thành viên trong gia đình, đặc biệt là thông tin giao dịch ở các ngân hàng nào, có bao nhiêu tiền... Nắm rõ ông C. có rất nhiều tiền, ông ta liên tục gây áp lực tinh thần, hết hù dọa bắt bỏ tù, lại dụ dỗ sẽ giúp giải oan nếu nghe lời hướng dẫn.
Ông C. làm theo chỉ dẫn, mở tài khoản ở ba ngân hàng thương mại khác nhau, sử dụng dịch vụ Internet banking nhưng lại đăng ký số điện thoại liên lạc do nhóm lừa đảo cung cấp, báo cả tên và mã số bí mật đăng nhập tài khoản nhằm "giúp cơ quan điều tra làm rõ". Rồi ông C. chuyển tiền của mình từ tài khoản cũ, rút từ các sổ tiết kiệm sang ba tài khoản mới để "cơ quan điều tra kiểm tra, xác thực giao dịch". Từ đó, nhóm lừa đảo sử dụng Internet banking chiếm đoạt 7 tỉ đồng.
Tin "đầu số công an"
Một cán bộ điều tra của Công an TP.HCM cho biết trong vài năm qua, tại TP.HCM có một số vụ việc bị gọi điện tới số máy bàn thông báo nợ cước, rồi lần lượt dẫn dụ, đe dọa tới mức người dân thiếu tỉnh táo, tự chuyển tiền vào tài khoản của người khác. Tình trạng căng thẳng tới mức Công an TP.HCM yêu cầu cảnh sát khu vực phải họp từng tổ dân phố, cảnh báo tới từng gia đình. Nhờ những nỗ lực đó, chiêu lừa này lắng xuống một thời gian.
Tuy nhiên, chỉ từ đầu năm 2018 tới nay đã ghi nhận gần 10 vụ lừa đảo qua điện thoại. Hầu hết các trường hợp bị lừa không phải người già, mà là trung niên hoặc thanh niên.
Trường hợp của ông C. và một số nạn nhân khác trình bày, sau khi nhận thông báo có bưu kiện bị tạm giữ, các đối tượng lừa đảo nói chuyện, gây áp lực và dụ dỗ khiến nạn nhân như bị "thôi miên" qua giọng nói. Các tay lừa đảo gọi tới số điện thoại di động của người dân đều thể hiện số điện thoại có đầu 069 (đầu số của lực lượng quân đội, công an) hoặc số điện thoại của một cơ quan điều tra nào đó.
Khi nạn nhân tỉnh táo hơn, kiểm tra qua công cụ tìm kiếm trên mạng Internet, thậm chí gọi tới tổng đài 1080 kiểm tra số điện thoại hiển thị trên điện thoại là của ai, ở đâu thì tổng đài trả lời số đó của cơ quan công an, nạn nhân càng tin tưởng, làm theo lời nhóm lừa đảo.
Không chỉ gọi tới số điện thoại bàn để lừa đảo, các đối tượng còn gọi tới cả số điện thoại di động của người dân. Điều khiến hầu hết nạn nhân bị lừa đều bị các đối tượng lừa đảo thuyết phục nạn nhân mở tài khoản mới, mang tên mình, tiền vẫn là của mình chứ không chuyển cho người khác nên không thể mất. Người bị lừa đa số là người ít hiểu biết về công nghệ, không biết nhiều về các thao tác trên Internet banking nên rất yên tâm. Nhưng khi đã giao mật mã đăng nhập và các thông tin khác thì kẻ lừa đảo có đủ dữ liệu chuyển tiền qua tài khoản khác mà nạn nhân không hề hay biết.
Cảnh báo cũng khó khăn
"Đau xót lắm mà không biết cách nào giúp người dân tốt nhất" - thượng tá Vũ Như Hà, trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng (PC46) Công an TP.HCM, phải thốt lên như vậy khi đề cập các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Theo ông Hà, sau hàng loạt vụ bắt giữ, xử lý các đường dây lừa đảo qua điện thoại, Công an TP.HCM gửi thông báo tới từng tổ dân phố, gửi văn bản tới tất cả các phòng giao dịch ngân hàng để lưu ý, cảnh báo người dân.
Vậy nhưng với chiêu lừa mới, cách làm mới, hầu như không ai nhận biết được những bất thường. Bởi người dân tự nguyện mở tài khoản mang tên mình, chuyển từ tài khoản của mình ở ngân hàng này qua ngân hàng khác thì làm sao nhân viên giao dịch của ngân hàng có thể nghi ngờ mà cảnh báo.
Sau khi ghi nhận chiêu thức của bọn lừa đảo và cảnh báo người dân khi có cuộc gọi tới hỏi về số điện thoại của cơ quan chức năng, tổng đài viên sẽ nhắc nhở, cảnh báo và hướng dẫn người dân nếu có biểu hiện bất thường.
Công an không làm việc qua điện thoại Thượng tá Vũ Như Hà nói cơ quan điều tra khi cần làm việc với người dân về vụ việc gì, sẽ có giấy mời, thông qua cảnh sát khu vực, chứ không tự ý gọi điện làm việc. Đặc biệt, ông Hà cảnh báo người dân cần hết sức lưu ý việc thu giữ vật chứng của vụ án, thu tiền hay vật khác đều phải có văn bản, quyết định của cơ quan chức năng theo quy định, không thể có chuyện công an gọi điện thông báo nộp tiền, chuyển tiền qua tài khoản. "Các hình thức lừa đảo sẽ còn diễn biến phức tạp, đa dạng và nhiều chiêu thức khác nhau, do đó người dân cần tỉnh táo, ứng xử bình tĩnh và cần trao đổi với người thân, quen, có hiểu biết pháp luật chứ không nên giấu kín khi bị người khác gọi điện đe dọa, dụ dỗ, lừa đảo" - ông Hà nhấn mạnh. |