|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ cái tên 'Bà Nga Ngan', CEO chuỗi pizza nói về cách đặt tên để thu hút khách hàng trên ứng dụng gọi món

14:56 | 06/10/2020
Chia sẻ
Giám đốc của một chuỗi quán pizza ở Hà Nội đúc kết rằng tên quán và tên món chính của quán nên là thành phần chính của tên gian hàng trên các ứng dụng gọi món ăn.

Hoàng Tùng, giám đốc chuỗi quán Pizza Home, nói rằng rất nhiều chuỗi ẩm thực đã thành công nhờ mang đến trải nghiệm độc lạ như lẩu Haidilao, Pizza 4Ps, Noir (nhà hàng ăn trong bóng đêm). 

Dù vậy, rất nhiều mô hình ẩm thực cũng đã biến mất khỏi thị trường như Ice Coffee (khách uống cà phê trong môi trường băng giá) hay các chuỗi cà phê thú cưng, cà phê giả lập bãi biển, cà phê đánh cờ tướng.

Tạo trải nghiệm với mô hình kinh doanh ẩm thực truyền thống đã khó, đưa trải nghiệm lên các ứng dụng giao món còn khó hơn nhiều. Theo Tùng, khi dịch chuyển kinh doanh ẩm thực lên app, doanh nhân phải chuyển đổi tối đa trải nghiệm từ môi trường thực sang môi trường ảo.

"Người kinh doanh phải đóng gói mọi điểm chạm cảm xúc như không gian quán, sự niềm nở, nụ cười của nhân viên lên app. Đó là việc khó, nhưng cần thiết để bảo đảm tính ổn định của trải nghiệm mà chúng ta đóng gói", Tùng lập luận.

Giám đốc Pizza Home nhắc lại rằng trải nghiệm bắt nguồn từ nhân sự. Tuy nhiên, tính ổn định của nhân sự trong ngành ẩm thực, đồ uống (F&B) không cao, thành ra duy trì ổn định về trải nghiệm trở nên khó.

Cách đặt tên để thu hút khách hàng trên ứng dụng gọi món - Ảnh 1.

Chủ quán ăn sẽ rất khó bán hàng trực tuyến qua app với một cái tên tệ hại. Ảnh: Grab Việt Nam

Điểm chạm đầu tiên, theo Tùng, là tên. Chủ quán ăn sẽ rất khó bán hàng với một cái tên tệ hại. Trào lưu đặt tên gây sốc từng bùng lên trong ngành F&B trong thời gian dài. Hồi đó các quán đua nhau đặt những cái tên như "Ối giời ơi", "Xấu quắc", kèm theo các chương trình truyền thông rầm rộ để thu hút khách hàng. Một trong những chương trình như thế là thuê các thanh niên "sáu múi" cởi trần nướng đồ ăn cho khách.

Nhưng rồi thời gian đã chứng minh đó chỉ là xu hướng nhất thời, không bền vững.

"Tôi rất thích làm viral marketing và từng triển khai rất nhiều chiến dịch viral thành công. Những chiến dịch như Thách thức Pizza Khổng Lồ hay Pizza Thanh Long hay Burger Corona đều tạo ra hiệu ứng truyền thông lan truyền. Song tôi nghĩ người kinh doanh không nên chọn tên tệ hại cho quán", Tùng phát biểu.

Ngoài tên xấu, Tùng cho rằng chủ quán không nên chọn những tên khó nhớ và dễ gây nhầm lẫn. Ví dụ, trên một ứng dụng giao món, người dùng có thể thấy một gian hàng có tên Yi He Kao Nai. Khi thấy nó, người xem sẽ không thể biết quán bán mặt hàng nào.

Cái tên Max Drink có thể khiến mọi người đoán rằng gian hàng đó bán đồ uống (vì có chữ "drink" trong tên). Nhưng thực ra, đó là quán bán món ăn vặt. Trong khi đó, Bếp Dì Ghẻ là cái tên cũng khiến người ta không thể đoán đây là gian hàng bán đồ nấu nướng hay món ăn. Ngoài ra, "dì ghẻ" là cụm từ có thể gây phản cảm.

Quan điểm của Tùng là chủ quán chọn tên đơn giản theo công thức "tên quán + tên món ăn chính". Quán bán pizza nên có chữ "pizza" trong tên, còn quán bán trà sữa nên có chữ "Trà sữa". Đó là công thức đơn giản mà dễ gây thiện cảm với khách hàng.

"Bà Nga Ngan" là một cái tên theo công thức của Tùng. Anh cho rằng nhiều người có thể nghĩ rằng đó là cái tên chẳng hay, không sang. Nhưng anh khẳng định nó có hiệu quả lớn. Thứ nhất, nó giúp khách hàng định vị quán ngay lập tức. Đó là quán của bà Nga, bán thịt ngan.

"Không hào nhoáng hay sang chảnh, nhưng cái tên Bà Nga Ngan giúp khách hàng định vị rất nhanh sản phẩm mà cơ sở kinh doanh đang bán", Tùng nhấn mạnh.

Nhạc Phong