|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS Võ Trí Thành nói về hai 'điểm tựa' tăng trưởng kinh tế năm 2017

12:41 | 01/01/2017
Chia sẻ
Năm 2016 đã đi qua với không ít khó khăn và thách thức. Nhìn về năm mới 2017, TS Võ Trí Thành đưa ra hai khả năng tìm động lực tăng trưởng Việt Nam. Chúng tôi ghi lại nhìn nhận kinh tế năm qua và triển vọng năm tới của vị chuyên gia kinh tế.
ts vo tri thanh va hai diem tua tang truong kinh te nam 2017
TS Võ Trí Thành. Ảnh: VTCnews

4 điểm sáng của kinh tế Việt Nam

Năm 2016 là một năm nhiều biến động, theo tôi vẫn có 4 điểm sáng:

Một là, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế, đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu và quyết tâm cải cách thể chế, tận dụng tốt quá trình hội nhập sâu rộng và cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ hai, trong một chừng mực nhất định Việt Nam giữ được kinh tế vĩ mô ổn định khá tốt, kiểm soát được lạm phát, không để thị trường tài chính bị xáo trộn quá lớn trong bối cảnh cả trong và ngoài nước hết sức khó khăn.

Thứ ba, tăng trưởng kinh tế trong năm qua vẫn có những lĩnh vực dẫn dắt các hoạt động kinh tế, sự sôi động của quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy mục tiêu như đề ra là 6,7% có thể không đạt được, nhưng đây cũng là kết quả chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay.

Thứ tư, môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm qua tăng được 9 bậc. Kết quả này cũng phản ảnh những nỗ lực hoàn thiện thiện khung khổ pháp lý cũng như việc thục hiện trên thực tế, dù khoảng cách giữa thực thi trên thực tế và các văn bản, nghị quyết còn không nhỏ.

Không ít thách thức

Như tôi đã nói, nhìn về năm 2016, nếu so với mặt bằng chung của thế giới, theo tôi tốc độ tăng trưởng khoảng trên 6% của Việt Nam cũng là kết quả chấp nhận được. Kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu cải thiện cả ở góc độ sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, vẫn đặt ra những khó thách thức ổn định kinh tế chưa bền vững, phục hồi không đều, tăng trưởng dựa nhiều vào khu vực FDI. Các khu vực như nông nghiệp, khai khoáng và rất nhiều lĩch vực dịch vụ khác có dấu hiệu đi xuống. Đặc biệt, công cuộc cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế vẫn còn dang dở.

Mặt khác, đúng lúc Việt Nam đang đẩy tiến trình hội nhập đến mức sâu sắc thì cục diện kinh tế chính trị thế giới diễn ra nhiều cái ngoài ý muốn. Điều này trước mắt làm tăng tính bất định, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, chưa nói đến có thể gây ra những gây xáo trộn về tài chính.

Bài học tăng trưởng

Phân tích về chất lượng tăng trưởng, tôi có thể nói một bài học rất quan trọng, với cùng một dòng tiền chỉ cần có chính sách hợp lý, một sự giám sát tốt hơn với đầu tư tư công, vận hành của thị trường bớt méo mó hơn, môi trường kinh doanh được cải thiện thì vẫn có thể cải thiện được tăng trưởng kinh tế.

Thật vậy, xét trong năm 2016, tỷ lệ đầu tư của Việt Nam xét theo GDP giảm rất mạnh so với trước đây. Hiện nay tổng đầu tư toàn xã hội cho phát triển kinh tế chỉ khoảng 30 - 31% GDP trong khi đó, khoảng nửa thập kỷ trước, con số này ở mức trên 40% GDP. Rõ ràng, tỷ lệ đầu tư giảm nhưng tăng trưởng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi là điều có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay.

Chưa kể, tăng trưởng kinh tế trước đây đạt được tốt trong điều kiện tiền được "ném" ra nhiều, tín dụng tăng trưởng trên 30%, nhưng hiện nay mức tăng trưởng rín dụng chỉ 15 - 16%. Có thể nói hiệu quả của dòng tiền tốt lên, kể cả chưa tốt lên thì dòng tiền đầu cơ cũng đã giảm.

Thứ 2, đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là phải nâng cao kỷ luật ngân sách, giảm bội chi ngân sách. Nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu giảm bội chi xuống mức 3,5% GDP từ mức thâm hụt hiện nay là 6% GDP là rất khó.

Không muốn nói về con số, tôi chỉ nhấn mạnh nếu chúng ta làm được điều như vừa nói ở trên thì cùng với tăng cường kỷ luật ngân sách, chúng ta hoàn toàn có thể giảm được bội chi ngân sách, góp phần rất quan trọng vào hạn chế, giảm thiểu nợ công.

Lựa chọn trọng tâm

Điều quan trọng hiện nay là những vấn đề mới cho năm 2017 và cả những năm sau cần phải làm tiếp. Vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, chính sách tiền tệ, tính kỷ luật ngân sách...

Tôi cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục lựa chọn những vấn đề trọng tâm gắn với đầu tư công, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, xử lý ngân hàng yếu kém và nợ xấu... Đồng thời, Việt Nam cần tính tới những thay đổi đáng kể trong tiến trình hội nhập, những xu hướng mới đang xuất hiện trên thế giới, như công nghệ, tài chính, đảm bảo tính phát triển bền vững, tính bao trùm trong tăng trưởng…

Như vậy, có 3 vấn đề cần chú ý đó là những cam kết, nhìn theo hướng mới và vấn đề thực thi.

Hướng tăng trưởng năm 2017

Có hai cách để nhìn vào để xem xét khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Thứ nhất, đi theo lĩnh vức đang dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2016 để tìm hướng cho năm 2017. Theo tôi đó là các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, du lịch...

Năm vừa qua, công nghiệp chế biến chế tạo, găn với xuất khẩu từ khu vực FDI đang dẫn dắt tăng trưởng. Tuy nhiên, xuất khẩu phụ thuộc khá nhiều vào cầu thế giới. Theo dự báo năm 2017 cầu thế giới phục hồi khó khăn, chưa kể những bất định do địa chính trị, tài chính tiền tệ, giá cả hàng hóa... và cả chủ nghĩa bảo hộ.

Có thể nhắc đến xây dựng - một lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng năm qua. Ngành xây dựng là ngành có hệ số kéo đối với các ngành kinh tế khác là khá cao, nó liên quan đến 2 lĩnh vực rất quan trọng là kết cấu hạ tầng và bất động sản.

Tuy nhiên, đằng sau hạ tầng là đầu tư công. Trong khi đó, ngân sách hiện nay cho đầu tư công đang rất hạn chế. Việt Nam cần phải lựa chọn những nội dung ưu tiên. Trước mắt nguồn vốn ODA năm 2017 vẫn còn, hoặc có thể phát hành trái phiếu, nhưng những khả năng này đều có giới hạn nhất định. Do đó sẽ còn nhiều khó khăn để phát triển.

Riêng với bất động sản, hiện còn nhiều tranh cãi nhưng nhiều đánh giá cho rằng thị trường đang phục hồi tuy rằng năm nay tốc độ có phần giảm.

Lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng tiếp theo có thể kể tới là du lịch. Năm 2016, Việt Nam thu hút được trên 10 triệu lượt khách, con số được coi là lớn nhất trừ trước đến nay.

Tuy vậy, vẫn còn vấn đề đặt ra là Việt Nam liệu có có khả năng hấp thụ lượng khách như vậy? Trước hết, đối với hạ tầng, nếu có thêm một lượng khách thì trong ngắn hạn khả năng hấp thụ cũng không phải dễ dàng. Do đó, lượng khách có thể tăng nhưng không thể tăng mạnh. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới khó khăn nên việc chi tiêu du lịch có thể chịu tác động, đặc biệt đồng USD tăng giá ảnh hưởng đến khả năng chi trả của khách du lịch.

Như vậy, những lĩnh vực dẫn dắt nền kinh tế cũng đang gặp vấn đề khó khăn, nhưng chúng ta vẫn có thể hi vọng được bù đắp tốt hơn ở một số lĩnh vực khác.

Có thể kể tới nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng khoảng 22,5%, ngành này sẽ đóng góp vào 16% GDP, với mức tăng này ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 0,4% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, theo tôi, nên hi vọng điều kiện thuận lợi để nông nghiệp về quỹ đạo bình thường, không còn tăng trưởng âm như đầu năm 2016.

Cách thứ hai để tăng trưởng kinh tế có thể nhìn theo tổng cầu về tiêu dùng. Các chỉ số điều tra về cầu tiêu dùng của Việt Nam hiện nay vẫn hết sức lạc quan. Nhân tố tích cực thể hiện qua chỉ số bán lẻ hiện đang tăng khá mạnh.

Dù vậy, theo tôi cần lưu ý (đặc biệt trong bối cảnh bất định rủi gia tăng hiện nay), vì tăng tiêu dùng khi trừ đi yếu tố giá cả vẫn tính cực nhưng tốc độ tăng đang bắt đầu thấp hơn năm ngoái.

Thái Hoàng (ghi)