Trung Quốc xuất khẩu nợ, Việt Nam có ảnh hưởng?
Theo một báo cáo của J.P. Morgan tháng 9-2017, tổng nợ của Trung Quốc tương đương 289% GDP, tức là khoảng 30.000 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 30 điểm phần trăm so với năm 2015 (260% GDP). Điều đáng nói là sau các chính sách kích thích kinh tế để chống chọi với khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng chín năm (năm 2008 là 141,3% GDP), bằng với mức tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs cho rằng sẽ mất khoảng nửa thập kỷ để ổn định tỷ lệ này. Hãng S&P Global Ratings hôm 29-9-2017 cảnh báo tổng nợ Trung Quốc có thể tăng đến 46.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021.
Để giải quyết gánh nặng dư thừa sản lượng và tỷ lệ nợ gia tăng của các doanh nghiệp trong nước, Trung Quốc đã đẩy mạnh các sáng kiến kinh tế đối ngoại, thúc giục các nước phối hợp với Trung Quốc để xây dựng các mô hình hợp tác kinh tế chưa từng có tiền lệ. Ảnh: Internet
Nợ của Trung Quốc: phần chìm của núi băng ở đâu?
Số liệu tính đến hết quí 2-2017 cho thấy khuynh hướng mở rộng tỷ lệ nợ của cả khu vực doanh nghiệp (phi tài chính) và hộ gia đình Trung Quốc, trong đó tỷ lệ đòn bẩy của doanh nghiệp Trung Quốc cao hơn nhiều tỷ lệ đòn bẩy của doanh nghiệp Mỹ (67% GDP), Đức (54%) và Hàn Quốc (105%).
Những lo ngại lớn nhất của Trung Quốc trong vấn đề nợ là (i) nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), (ii) nợ của chính quyền địa phương và (iii) hệ thống ngân hàng mờ (shadow banking).
Cuối năm 2015, 42% số DNNN thua lỗ, 1,8 triệu lao động đã mất việc do hoạt động tái cơ cấu trong ngành than và thép. Khảo sát đối với 6.800 công ty phát hành trái phiếu cho thấy đầu năm 2016 tỷ lệ vay nợ cũ để trả nợ lên tới 42%, trong khi con số này của năm 2014 chỉ có 8%. DNNN hiện chiếm khoảng 40% quy mô tín dụng của hệ thống ngân hàng, nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chỉ bằng một nửa so với các doanh nghiệp tư nhân. Điều này khiến chỉ số ICOR của Trung Quốc đã tăng vọt từ mức 1,3 (cách đây 10 năm) lên 4 (năm 2016). Tại Hội nghị công tác tài chính được tổ chức vào tháng 7-2017, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh “phải coi việc giảm nợ của các DNNN là trọng tâm hàng đầu”.
Khi Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vốn, điều này có ý nghĩa trong việc bổ sung nguồn vay để đầu tư phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, các tác động khác cũng cần được cân nhắc.
Về nợ của chính quyền địa phương, hiện Trung Quốc đã cho khoảng 50% số tỉnh được thí điểm phát hành trái phiếu, nhưng việc bán ra thị trường không dễ do thông tin thiếu minh bạch và các tiêu chuẩn kiểm toán. Tuy nhiên, việc phát hành 1.000-2.000 tỉ nhân dân tệ trái phiếu là quá nhỏ so với quy mô nợ địa phương của Trung Quốc. Theo số liệu đến hết tháng 9-2017, các tỉnh Trung Quốc đã vay thêm 160 tỉ đô la Mỹ thông qua các sàn huy động vốn, nhiều hơn 20% so với cả năm 2015.
Những báo cáo về hệ thống tài chính tiền tệ của Trung Quốc đều chưa đề cập đến điều mà Chính phủ Trung Quốc quan ngại nhất - các khoản tín dụng của hệ thống ngân hàng mờ. Theo số liệu của MERICS, quy mô tín dụng của hệ thống này đã tăng từ 202.000 tỉ nhân dân tệ (295% GDP, năm 2015) lên 255.000 tỉ nhân dân tệ (329% GDP, tính đến tháng 5-2017), tăng 33,8%.
Mặc dù Trung Quốc đã xác định trọng tâm cải cách kinh tế suốt năm năm qua tập trung vào năm nhiệm vụ là (i) giảm dư thừa sản lượng, (ii) giảm tồn kho, (iii) giảm tỷ lệ đòn bẩy nợ, (iv) bù đắp cho các khu vực khó khăn, (v) giảm chi phí vốn, nhưng việc giảm tỷ lệ nợ chưa có những tiến triển mạnh. Năm 2017 là năm mà Chính phủ Trung Quốc họp số hội nghị công tác tài chính tiền tệ nhiều nhất trong vòng năm năm qua. Vào tháng 4-2017, trong một buổi học tập của 25 ủy viên Bộ Chính trị, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu “không được coi thường bất kỳ rủi ro nào, không để lọt sàng bất kỳ ẩn họa nào”.
Cách xử lý núi nợ: xuất khẩu “giải pháp”, xuất khẩu nợ
Có thể Trung Quốc sẽ không phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề trong giai đoạn tới do đã hạn chế được tính dễ bị tổn thương bên ngoài và khu vực ngân hàng khá lành mạnh. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá rằng Chính phủ Trung Quốc vẫn có đủ những công cụ chính sách nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ. Những công cụ này bao gồm dự trữ ngoại tệ lớn (3.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017), tỷ lệ nợ nước ngoài thấp (chỉ khoảng 10% tổng nợ), tài sản đáng kể của khu vực công... Hơn thế, các chuyên gia tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã liên tục có các biện pháp nhằm tái cơ cấu các khoản nợ trong suốt mấy năm qua, bao gồm cả các quy định ngặt nghèo đối với hệ thống ngân hàng trong việc cho vay mới.
Để giải quyết gánh nặng dư thừa sản lượng và tỷ lệ nợ gia tăng của các doanh nghiệp trong nước, Trung Quốc đã đẩy mạnh các sáng kiến kinh tế đối ngoại, thúc giục các nước phối hợp với Trung Quốc để xây dựng các mô hình hợp tác kinh tế chưa từng có tiền lệ. Về thương mại và sản xuất, Trung Quốc hiện đẩy mạnh hợp tác với nhiều nước với nhiều mô hình khác nhau. Tại Pakistan, Trung Quốc xây dựng khu kinh tế đặc biệt tại cảng Gwadar. Tại Myanmar, Trung Quốc đã giành được quyền xây dựng đặc khu kinh tế Kyaukpyu. Tại Campuchia, Trung Quốc cũng thuê đất và xây dựng đặc khu kinh tế Sihanoukville. Những mô hình hợp tác mới mà Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ tại nhiều quốc gia thuộc phạm vi sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI), trong đó có cả Việt Nam, là mô hình “hợp tác năng lực sản xuất” và “khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới”.
Song song với các hoạt động hợp tác thương mại và sản xuất, Trung Quốc cũng tăng cường thuyết phục các quốc gia vay vốn đầu tư của nước này để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tính đến cuối năm 2016, các định chế tài chính chủ chốt của Trung Quốc đã cho vay tổng cộng 292 tỉ đô la Mỹ - theo ước tính của Đại học Oxford (Anh). Trong đó, vai trò lớn nhất là của Ngân hàng Đầu tư phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CHEXIM), bốn ngân hàng thương mại nhà nước lớn (Big4).
Theo ước tính, việc thực hiện sáng kiến BRI có thể giúp Trung Quốc giảm 16% sản lượng thép dư thừa mỗi năm. Ngoài các ngành xây dựng, những ngành năng lượng khác cũng được hưởng lợi, đặc biệt là nhiệt điện. Bên cạnh đó, việc sử dụng lao động Trung Quốc tại các công trình ở nước ngoài cũng là một lợi ích kinh tế được chú trọng.
Tác động đối với Việt Nam
Rõ ràng, là một trong những cửa ngõ quan trọng của Đông Nam Á, có nhiều dự án EPC của Trung Quốc, việc Trung Quốc đẩy mạnh “xuất khẩu sáng kiến” đi kèm với đó là các khoản chào mời vay vốn và sử dụng công nghệ Trung Quốc là điều có thể nhìn thấy trước. Chủ tịch AIIB khi sang thăm Việt Nam từng tuyên bố có thể cho khu vực tư nhân của Việt Nam vay không cần bảo lãnh chính phủ để tránh làm tăng trần nợ công. Trong chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam vào tháng 11-2017, hai nước đã đạt được ba thỏa thuận liên quan đến các sáng kiến kinh tế quan trọng, bao gồm: (i) Bản ghi nhớ thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai, Con đường”; (ii) Bản ghi nhớ về việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán thỏa thuận khung về xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới: (iii) Bản ghi nhớ về danh mục dự án hợp tác năng lực sản xuất năm 2017. Những điều này để mở ra cơ hội hợp tác nhiều hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc.