|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc tung gói hỗ trợ lớn gấp đôi Mỹ, quyết tự chủ ngành bán dẫn

21:32 | 13/12/2022
Chia sẻ
Trung Quốc dự kiến tung ra gói kích thích lớn nhất trong vòng 5 năm qua nhằm đạt tham vọng tự chủ và chống lại những lệnh cấm vận gần đây của Mỹ.

Theo nguồn tin của Reuters, Trung Quốc đang chuẩn bị gói hỗ trợ trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (143 tỷ USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn, nhằm tăng cường tự chủ về chip và chống lại những động thái gần đây của Mỹ.

Bắc Kinh dự định triển khai gói kích thích lớn nhất trong vòng 5 năm, chủ yếu ở dạng trợ cấp và tín dụng thuế, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất và nghiên cứu bán dẫn trong nước.

Theo các nhà phân tích, động thái này báo hiệu rằng Trung Quốc đã chuyển sang cách tiếp cận trực tiếp hơn trong việc định hình tương lai ngành công nghiệp bán dẫn, vốn đã trở thành điểm nóng tranh chấp địa chính trị.

Nguồn tin của Reuters cho biết, kế hoạch trên có thể được triển khai ngay trong quý I/2023. Phần lớn khoản hỗ trợ tài chính sẽ được sử dụng để trợ cấp cho hoạt động mua sắm thiết bị bán dẫn trong nước của các doanh nghiệp Trung Quốc, chủ yếu là các nhà máy chế tạo bán dẫn (fab).

Nguồn tin cũng cho biết các công ty này sẽ được hưởng trợ cấp 20% chi phí mua hàng. 

Kế hoạch hỗ trợ tài chính được đề xuất sau khi Bộ Thương mại Mỹ thông qua một bộ quy định sâu rộng nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu thiết bị sản xuất chip bán dẫn tiên tiến đến Trung Quốc hồi tháng 10 vừa qua.

Mỹ cũng đang vận động các đồng minh, bao gồm Nhật Bản và Hà Lan, thắt chặt xuất khẩu sang Trung Quốc. Vào tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thông qua đạo luật CHIPS, dự kiến sẽ tài trợ 52,7 tỷ USD cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu bán dẫn tại Mỹ, cũng như khoản tín dụng thuế cho các nhà máy bán dẫn trị giá 24 tỷ USD.

Với gói ưu đãi, Bắc Kinh muốn hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xây dựng, mở rộng hoặc hiện đại hóa nhà máy nhằm chế tạo, lắp ráp, đóng gói cũng như nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn.

Nguồn tin của Reuters cho biết thêm, kế hoạch của Bắc Kinh cũng bao gồm chính sách ưu đãi thuế cho ngành công nghiệp này.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển bán dẫn tại trung tâm nghiên cứu của Tsinghua Unigroup ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Những người hưởng lợi

Doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong ngành bán dẫn của Trung Quốc sẽ được hưởng lợi, bao gồm NAURA Technology Group, Advanced Micro-Fabrication Equipment, Kingsemi.

Một số cổ phiếu của các công ty trong ngành bán dẫn Trung Quốc, được niêm yết tại Hong Kong, đã tăng mạnh sau tin tức về gói hỗ trợ. SMIC đã lên 8%, trong khi Hua Hong Semiconductor Group tăng 17%. 

 

Đạt tự chủ công nghệ là điểm nhấn trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cụm từ  “công nghệ” được nhắc đến 40 lần, so với chỉ 17 lần vào năm 2017.

Trung Quốc hiện vẫn tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn. Lĩnh vực này hiện đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã nổi lên trong 2 thập kỷ qua, nhưng hầu hết vẫn đứng sau các đối thủ nước ngoài về khả năng sản xuất chip tiên tiến. Chẳng hạn, công nghệ xử lý nhiệt và khắc của NAURA chỉ có thể sản xuất chip ở tiến trình 28 nm trở lên. 

Shanghai Micro Electronics Equipment Group (SMEE), là doanh nghiệp chế tạo máy quang khắc duy nhất tại Trung Quốc. Công ty này có thể chế tạo được những loại máy cho tiến trình 90 nanomet (nm). Để so sánh, ASML của Hà Lan đang sản xuất những máy quang khắc cho tiến trình 3 nm.  

Minh Quang