Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu gạo nếp
1/8/2017, khi Trung Quốc thay đổi chính sách thuế nhập khẩu lương thực. |
Tuy nhiên, từ ngày 1/8/2017, khi Trung Quốc thay đổi chính sách thuế nhập khẩu lương thực, giá nếp xuất khẩu đổ dốc chỉ còn 420 - 425 USD/tấn, sụt 50 - 60 USD/tấn.
Theo các số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng gạo xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2017 ước khoảng 3,3 triệu tấn và đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,7% về khối lượng và 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
“Nóng lạnh” thị trường Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, trước đây, các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng quota gạo hạt ngắn 20 USD/tấn, cộng với 1% thuế lương thực để mua gạo nếp của Việt Nam. Nhưng từ ngày 1/8, Chính phủ Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu và bây giờ họ có 2 cách tính, hoặc mua quota nhập khẩu gạo hạt dài 110 USD/tấn, cộng 1% thuế, hoặc đóng 65% thuế nhập khẩu. Như vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng quota hạt dài vì đóng 65% thuế nhập khẩu là quá cao.
Sau 1/8, Việt Hưng vẫn bán gạo nếp vào Trung Quốc nhưng chỉ còn 425 – 435 USD/tấn. Do phải đóng thuế cao nên doanh nghiệp Trung Quốc “đạp” giá mua xuống khấu trừ vào thuế. Đây là quy định chung của Trung Quốc, công văn này được gửi cho các doanh nghiệp Trung Quốc và các bộ, ngành liên quan của Việt Nam, bản thân doanh nghiệp Việt Nam không được nhận.
“Lúc giá mới sụt tôi vẫn mua được lúa nếp nhưng mấy ngày nay, nước lũ dâng cao nông dân ngâm hàng chờ giá, nếu giữ lại càng lâu càng khó bán vì gạo nếp chỉ có 2 thị trường là Trung Quốc và Indonesia, nhưng Indonesia mua rất ít. Vậy nên Trung Quốc có mua thấp cũng phải bán, nếu không chẳng biết bán đi đâu!”, ông Đôn chia sẻ.
Theo các chuyên gia, 7 tháng đầu năm ước khoảng 2 triệu tấn gạo nếp được bán vào Trung Quốc, trong khi nhu cầu của họ khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Rất có thể Chính phủ Trung Quốc sử dụng chính sách thuế để khống chế lượng gạo nếp bán vào thị trường.
Gạo nếp nếu không bán vào Trung Quốc được thì chẳng biết bán đi đâu. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần phải tính toán bài toán sản xuất sao cho phù hợp không thể để nông dân chạy theo thị trường tăng diện tích nóng đến khi ế ẩm kêu gọi giải cứu. Giải cứu chỉ là giải pháp tình thế, nếu mãi như vậy thật sự là không ổn!
Không mở rộng diện tích, trồng lúa nếp
Cuối tuần qua, Intimex Group đã hoàn thành hợp đồng bán khối lượng lớn gạo nếp, gạo thơm và gạo trắng hạt dài vào thị trường Trung Quốc. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group, có 2 nguyên nhân khiến giá xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc sụt giảm.
Một là do nhu cầu gạo nếp của Trung Quốc khoảng 1,5 triệu tấn/năm, nhưng mới 7 tháng Việt Nam xuất sang đây gần 2 triệu tấn, thị trường dư thừa giá bị rớt. Phần khác là do Chính phủ Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu gạo nếp.
Vấn đề hiện nay là diện tích trồng lúa nếp của Việt Nam tăng quá nhanh vượt nhu cầu thị trường. Năm 2016, sản lượng nếp xuất khẩu của Việt Nam khoảng 1,1 - 1,2 triệu tấn gạo, trong khi nhu cầu Trung Quốc khoảng 1,5 triệu tấn/năm nên suốt năm qua giá nếp tăng cao và ổn định người nông dân lời nhiều.
Năm nay diện tích nếp ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng vọt, nguồn cung dư thừa khiến giá nếp xuất khẩu giảm. Qua đó cho thấy, khi thị trường có nhu cầu giá cao vẫn chấp nhận, khi thị trường không có nhu cầu giá sẽ rớt ngay.
Theo ông Nam, Trung Quốc là thị trường có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp nhưng Campuchia và Thái Lan không có lợi thế sản xuất như Việt Nam, trong khi Đồng bằng sông Cửu Long có thể sản xuất ổn định khoảng 1,5 triệu gạo nếp/năm.
Gạo thơm Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh so với gạo thơm của Thái Lan và Campuchia. Nhất là các loại gạo thơm, như ST 21, OM 5451... là những loại gạo Trung Quốc có nhu cầu và Việt Nam có lợi thế nên xu hướng là không có sự cạnh tranh.
Do vậy, Trung Quốc chính là thị trường tốt đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo cao cấp này nhưng cần lưu ý, thị trường nào cũng có giới hạn nhất định. Để giữ thị trường và vẫn bán được giá tốt, ngành nông nghiệp cần ưu tiên tập trung chỉ đạo không được mở rộng diện tích lúa nếp, lúa thơm và phải giữ vững chất lượng.
“Xuất khẩu vào Trung Quốc cần lưu ý về mặt chính sách, bao giờ họ cũng sử dụng công cụ thuế và hạn ngạch để điều tiết thị trường, còn về mặt nhu cầu thì phải nhìn nhận Trung Quốc có nhu cầu rất lớn đối với nông sản của Việt Nam. Do vậy, nếu doanh nghiệp nắm đúng thị trường thì rủi ro về giá cả sẽ giảm đi rất nhiều”, ông Nam lưu ý.