|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc, Hồng Kông tổn thương nhiều nhất nếu khủng hoảng tài chính bùng nổ

16:54 | 16/07/2017
Chia sẻ
Theo South China Morning Post, các báo cáo toàn cầu đang gửi đi tín hiệu về một cuộc khủng hoảng kinh tế mới, trong đó Đại lục và Hồng Kông sẽ là những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhiều nhất.
trung quoc hong kong ton thuong nhieu nhat neu khung hoang tai chinh bung no
Người dân Hồng Kông đổ xô đi mua bất động sản.

“Hai mươi năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khu vực này lại một lần nữa cho thấy dấu hiệu dễ bị tổn thương khi những căng thẳng về tài chính ngày càng gia tăng”, theo báo cáo từ hai nhà phân tích Rob Subbaraman và Michael Loo.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu bùng nổ ở Thái Lan vào tháng 7.1997 do sự sụp đổ về giá trị của đồng baht, sau đó lan rộng khắp châu Á. Có hai phần ba trong số các báo cáo dựa theo những chỉ số đáng tin cậy khác nhau bao gồm: tỷ lệ tín dụng cá nhân so với tổng GDP, tỷ lệ nợ cá nhân, hiệu quả của dịch vụ, tỷ giá hối đoái và giá bất động sản trong mẫu thống kê 30 quốc gia, với số liệu được thu thập từ đầu những năm 1990 đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính mới có thể xảy đến trong vòng ba năm tới.

“Cả Hồng Kông và Trung Quốc đều có những khoảng trống lớn về tín dụng cũng như bất động sản. Trong đó, lãi suất ở Hồng Kông có nguy cơ tăng mạnh nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh chu kỳ tăng lãi suất vì đồng đô la Hồng Kông có mối liên hệ chặt chẽ với đồng USD”, báo cáo cho hay.

Thâm hụt tài chính châu Á vào năm 1997 đã khiến thị trường bất động sản Hồng Kông sa sút trong suốt sáu năm. Không những thế, cả thành phố thời điểm đó đã phải sững sờ trước một nền kinh tế trì trệ và giảm phát. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Hồng Kông đang một lần nữa tăng nhiệt ở mức kỷ lục. Người người, nhà nhà xếp hàng, sẵn sàng vay thế chấp để mua được những căn hộ mới. Song, đây không phải là tín hiệu đáng mừng vì “các nghiên cứu trong quá khứ cho thấy rằng, khủng hoảng tài chính thường xảy đến ngay khi thị trường bất động sản và tín dụng bùng nổ”, theo phân tích của Nomura.

Năm 2016, tín dụng tư nhân ở Trung Quốc chiếm 211% tổng GDP, cao hơn rất nhiều so với mức 90% trong năm 1996. Giá bất động sản khiến người dân phải vay thêm. Tỷ lệ nợ gia đình của Đại lục so với GDP đã tăng hơn gấp đôi lên 40,7% trong vòng chưa đầy 10 năm. Tổng nợ của quốc gia này cũng đã tăng từ 157% GDP trong năm 2008 lên 260% trong năm ngoái và vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trước tình hình này, vào tháng 5.2017 cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc gia Moody’s đã quyết định hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc lần đầu tiên trong gần 30 năm qua.

Mặc dù quốc gia Đông Á đóng vai trò như “chất ổn định” kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, nhưng giờ đây Trung Quốc có thể trở thành nguồn cơn bất ổn khi châu Á ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Nếu Trung Quốc càng chậm trễ trong việc sẵn sàng chấp nhận tổn thương ngắn hạn để đạt được lợi ích lâu dài bằng cách giảm nợ, đóng cửa các công ty ma và để thị trường đóng một vai trò quyết định hơn, thì rủi ro khủng hoảng càng cao, và nó có thể lây lan đáng kể sang các nước châu Á khác”, các nhà phân tích của Nomura nhận định.

Song vẫn có những ý kiến lạc quan hơn trước những nguy cơ có thể xảy đến với khu vực. “So với cách đây 20 năm, châu Á giờ đây đã mạnh dạn hơn đối với những cú sốc tài chính”, hai nhà phân tích Stephen Schwartz và Dan Martin của Fitch Ratings, viết trong một báo cáo vừa được công bố vào đầu tháng này.

Yuan Gangming, Giáo sư kinh tế tại Đại học Tsinghua, cho biết cuộc khủng hoảng sẽ không xảy ra vì người dân ở Đại lục và Hồng Kông sẽ cố gắng hoàn trả các khoản vay ngân hàng, cho dù có thể phải mất nhiều thế hệ mới trả hết được nợ. “Mức nợ tư nhân có thể không thể chấp nhận được ở các nước phương Tây, nhưng tình hình châu Á lại khác biệt. Bong bóng bất động sản sẽ không bùng nổ, ít nhất là trong ba năm tới ở Hồng Kông và Trung Quốc, vì các chính phủ sẽ không ngồi đó để nhìn nó sụp đổ”, ông Yuan nói.

Phương Anh