|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trung Quốc đua làm xe hybrid

14:53 | 05/04/2024
Chia sẻ
Phân khúc xe hybrid sạc điện (plug-in hybrid - PHEV) đang nhận được rất nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây tại Trung Quốc - thị trường xe năng lượng mới lớn nhất thế giới.

Theo Carcoops, những chiếc xe sở hữu hai hệ truyền động này đang được các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tập trung đầu tư phát triển. Hai hãng xe BYD và Geely đang chạy đua để giới thiệu mẫu xe hybrid mới, có thể đi được 2.000 km khi được đổ đầy xăng hoặc sạc điện.

Cả hai nhà sản xuất ô tô đều hứa hẹn phạm vi hoạt động ấn tượng, mặc dù cả hai đều đo trên chu trình thử nghiệm CLTC, vốn thường "hào phóng" hơn tiêu chuẩn EPA của Mỹ.

Tuy nhiên, con số này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý, nhất là những khách hàng quan tâm tới phạm vi lái, cho dù đó là trạm xăng hay sạc điện.

 Mẫu xe hybrid Qin L của BYD. (Ảnh: Car News China).

Chủ tịch BYD Wang Chuanfu cho biết công nghệ DM-i thế hệ thứ 5 của BYD sẽ ra mắt vào tháng 5 tới và sẽ chứng kiến ​​mức tiêu thụ nhiên liệu giảm xuống 2,9 lít/100 km và phạm vi hoạt động sẽ là 2.000 km khi sạc hoặc đổ đầy xăng. DM là viết tắt của chế độ kép và được BYD gọi là công nghệ PHEV, xuất hiện lần đầu trên F3-DM vào năm 2008.

Mẫu hybrid Qin L mới sẽ là chiếc xe BYD đầu tiên được trang bị hệ thống thế hệ tiếp theo này. Tuy nhiên cần lưu ý rằng con số tiêu hao nhiên liệu tốt nhất cho chiếc xe đó là 3,8 lít/100km. Có vẻ như mức dưới 3 lít sẽ phụ thuộc vào một chiếc xe nhỏ hơn so với mẫu Qin L có kích thước tương đối lớn trước đó.

Trong khi đó, Geely tuyên bố rằng mẫu xe plug-in hybrid 2.000 km của họ sẽ dựa trên công nghệ hiện có, theo Wards Auto.

Công nghệ này dựa trên hệ truyền động đang được sử dụng trong Galaxy L6. Mẫu sedan này kết hợp động cơ 1.5L 4 xi-lanh kết hợp với hộp số tự động ly hợp kép 3 cấp, cùng với động cơ điện và bộ pin lithium-ion 19,1 kWh.

Hệ truyền động hiện tại cung cấp công suất 358 mã lực, có thể đi được 124 km chỉ bằng năng lượng điện và kết hợp với bình xăng 192 lít, tổng phạm vi theo chuẩn CLTC có thể đạt 1.370 km.

Geely hiện chưa tiết lộ cách họ sẽ gia tăng phạm vi hoạt động, nhưng cho biết mẫu xe sắp ra mắt sẽ đạt mức tiêu thụ nhiên liệu 2 lít/100km. Điều đó cho thấy rằng nó sẽ sử dụng pin điện nhiều hơn vì Galaxy L6 chỉ đạt được 4,5 lít/100km.

 Mẫu Galaxy L7 của Geely. (Ảnh: Car News China).

BYD cũng cho biết mẫu xe PHEV tầm xa của họ sẽ dựa trên công nghệ hiện có và hệ thống mới sẽ ra mắt vào năm 2025. Mẫu plug-in hybrid của BYD có phạm vi hoạt động xa nhất là Song Plus DM-i, kết hợp động cơ 1,5 lít 4 xi-lanh với động cơ điện và hộp số CVT. Mẫu xe này có pin LFP cung cấp dung lượng lên đến 18,32 kWh và bình xăng 60 lít.

Song Plus DM-i hiện chỉ có phạm vi theo chuẩn CLTC là 1.151 km, nhưng BYD cho biết hệ thống plug-in hybrid thế hệ tiếp theo của họ sẽ có động cơ và mô-tơ hiệu quả hơn, cũng như pin lưu trữ được nhiều năng lượng hơn.

Nhà sản xuất ô tô này kỳ vọng công nghệ này sẽ giúp họ củng cố vị trí là nhà bán xe điện hàng đầu thế giới.

Theo Car News China, 2000 km là một phạm vi hoạt động rất tốt, thu hút sự chú ý nhưng cho đến nay có vẻ như BYD hay Geely vẫn chưa tung ra một chiếc xe có thể đạt được điều này theo tiêu chuẩn CLTC. Ngay cả khi họ làm vậy, phạm vi thực tế sẽ thấp hơn đáng kể do hệ thống thử nghiệm CLTC tập trung vào việc lái xe trong đô thị.

"Có lẽ để đạt được con số này cần có sự cân bằng cẩn thận giữa pin mật độ năng lượng cao, tính khí động học thấp và một chiếc sedan cỡ nhỏ", bình luận của Mark Andrew - biên tập viên Car News China.

CLTC là viết tắt của "China Light-duty Vehicle Test Cycle" (Chu trình thử nghiệm xe hạng nhẹ Trung Quốc). Đây là một tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải của xe ô tô tại Trung Quốc.

CLTC được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu và Thử nghiệm Ô tô Trung Quốc (CATARC) và được áp dụng cho tất cả các loại xe ô tô hạng nhẹ được bán tại Trung Quốc từ năm 2016.

Chu trình thử nghiệm CLTC bao gồm các điều kiện lái xe khác nhau, bao gồm lái xe trong thành phố, lái xe trên đường cao tốc và lái xe trên đường hỗn hợp. Chu trình này được thiết kế để mô phỏng điều kiện lái xe thực tế tại Trung Quốc.

CLTC thường cho kết quả mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải thấp hơn so với các tiêu chuẩn thử nghiệm khác, chẳng hạn như EPA của Mỹ. Nguyên nhân là chu trình CLTC thiên về thời gian lái xe trong thành phố hơn, nơi xe thường đi chậm hơn và có nhiều điểm dừng và đi hơn. Trong khi, EPA tính nhiều hơn ở thời gian lái xe trên cao tốc với tốc độ cao (trung bình 30 km/h).

Thuỳ Trang