Trùng Khánh khai thông tuyến vận tải nối Việt Nam, cơ hội đẩy mạnh ngành logistics
M&A logistics hấp dẫn nhà đầu tư ngoại | |
Kinh nghiệm hậu cần logistics TP. Hồ Chí Minh qua góc nhìn nhà quản lý |
Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 58 tỷ USD từ Trung Quốc và xuất khẩu 35 tỷ USD sang thị trường này. |
Ngày 8/5, tọa đàm Hợp tác Kinh tế Thương mại và Logistics Việt Nam - Trùng Khánh đã được tổ chức tại Thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan của Việt Nam, hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam, và lãnh đạo Thành phố Trùng Khánh cùng các doanh nghiệp Trung Quốc.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong 10 năm qua, thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 23%/năm. Trung Quốc nhiều năm liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc, và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
"Trong tổng thể mối quan hệ kinh tế thương mại đó, Thành phố Trùng Khánh có vai trò cầu nối quan trọng giữa khu vực Tây Nam đầy tiềm năng của Trung Quốc với các địa phương Việt Nam. Hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, Trùng Khánh nói riêng rất đa dạng, phong phú và có tính bổ sung lớn.
Nhiều doanh nghiệp Trùng Khánh đang đầu tư, hợp tác kinh doanh tốt với doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng quan tâm và mong muốn hợp tác đầu tư, kinh doanh với các doanh nghiệp Trùng Khánh.
Đề cập đến thị trường dịch vụ logistics, lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam biết, thị trường logistics Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình từ 20 - 25%/năm.
Theo chỉ số Năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới, năm 2016 Việt nam xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Nhu cầu phục vụ quy mô xuất nhập khẩu và bán lẻ hàng hóa ngày càng lớn, với khối lượng hàng hóa qua cảng biển dự kiến tăng lên 900 triệu đến 1 tỷ tấn vào năm 2030.
Đặc biệt, tháng 4/2016, Trùng Khánh đã khai thông tuyến vận tải container đường sắt hướng Đông nối với Việt Nam, từ Trùng Khánh qua Bằng Tường (Quảng Tây) đến Hà Nội. Nhờ con đường này mà thời gian vận chuyển giảm xuống còn 45 giờ trên toàn tuyến, hàng hóa đến và đi từ Hà Nội hoặc Trùng Khánh sẽ được vận chuyển nhanh chóng đến Tp. HCM rồi tỏa ra các nước ASEAN hoặc các tỉnh, thành phố của Trung Quốc.
Từ đó, cả hai bên đánh giá, nếu hợp tác, quản lý và khai thác tốt, tuyến đường này sẽ mở ra cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực logistics giữa doanh nghiệp hai bên, cung cấp thêm sự lựa chọn hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng hoa quả nhiệt đới, nông - thủy hải sản xuất khẩu giữa Việt Nam với các tỉnh, thành phố sâu trong nội địa Trung Quốc cũng như các nước châu Âu, Tây Á và ngược lại.
Ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc cũng đánh giá buổi tọa đàm là dịp tốt để lãnh đạo các bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, giới thiệu cơ hội, dự án đầu tư, kết nối hợp tác kinh doanh, đặc biệt là đề xuất các biện pháp hợp tác về kết nối, logistics, thủ tục thông quan, quá cảnh… nhằm khai thác tiềm năng của hình thức vận tải đường sắt giữa hai nước.
Đại sứ Việt Nam cũng tin tưởng, quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trùng Khánh sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, không chỉ dừng ở con số 2 tỷ USD kim ngạch thương mại và 50 triệu USD vốn FDI hiện nay.
"Chúng tôi cũng mong muốn chính quyền Trùng Khánh tiếp tục mở cửa thị trường cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh mà Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như: hàng nông sản, thịt lợn, sữa…, đồng thời tạo thuận lợi thông quan và quá cảnh cho hàng hóa Việt Nam, góp phần đưa quan hệ thương mại Việt - Trung phát triển theo hướng lành mạnh, cân bằng hơn", ông Đặng Minh Khôi nhấn mạnh.
Được biết, hiện Việt Nam có khoảng 1.300 công ty cung cấp dịch vụ logistics và có khoảng 30 công ty logistics quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, chiếm 80% thị phần.
Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 58 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu 35 tỷ USD hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.
Phần lớn hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, sắt thép, máy móc, phân bón, hàng tiêu dùng. Còn Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là thủy sản, gạo và hoa quả.