'Trùm đất vàng' Vigecam nợ hơn 61 tỷ đồng không có khả năng thu hồi
Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) khi tiến hành cổ phần hóa có khoản công nợ không có khả năng thu hồi là hơn 61 tỷ đồng. |
Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 19.5 tới đây, Sở này sẽ tổ chức bán đấu giá hơn 6,35 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng cho Vigecam.
Vigecam có địa chỉ giao dịch tại 164 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngành nghề, hoạt động chính của doanh nghiệp này là: Xuất nhập khẩu, kinh doanh vật tư nông nghiệp; kinh doanh cho thuê văn phòng, nhà xưởng, kho bãi...
Tuy nhiên, lý do mà phiên IPO của Vigecam lần đầu nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư chính là đơn vị này được ví von “ông trùm đất vàng” với 6 lô “đất vàng” tại Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, các tài sản của Vigecam sở hữu phải kể tới mảnh đất số 120 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội với diện tích 276 m2, đây cũng là mạnh đất có nhiều “lùm xùm” trong suốt thời gian qua; mảnh đất tại số 164 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội (có diện tích 536 m2); mảnh đất tại số 16 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội (diện tích đất 1.585,4 m2). Ngoài ra, Vigecam còn một khu đất cực kỳ nổi tiếng với diện tích 23.042 m2 tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội để thực hiện khu vui chơi giải trí.
“Ông trùm đất vàng” này còn có quyền sử dụng mảnh đất tại số 166 – 168 - 170 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. HCM (diện tích 554,94 m2) và thửa đất tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng (diện tích 88.880 m2).
Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của Bộ NNPTNT gửi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vigecam khi tiến hành cổ phần hóa tại thời điểm 31.12.2015 vẫn còn một khoản công nợ phải thu khó đòi và không có khả năng thu hồi là 61.728.191.403 đồng. Sau khi phối hợp với Bộ Tài chính xác định khoản công nợ khó đòi, Bộ NNPTNT đã loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp theo quy định và bàn giao khoản công nợ này cho Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vào ngày 29.12.2015.
Cũng theo phương án Cổ phần hóa đã được phê duyệt, Vigecam sẽ cổ phần hóa thông qua việc chào bán 258 ngàn cp cho cán bộ công nhân viên; 660 ngàn cp cho tổ chức công đoàn; và 21 triệu cp cho công chúng. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ dự kiến là 220 tỷ đồng, Nhà nước không còn là cổ đông của Tổng công ty.
Trong phương án chào bán ra công chúng, Vigecam sẽ chỉ dành 5.68 triệu cổ phần để bán đấu giá công khai và phần còn lại - đến 70% vốn là chào bán cho cổ đông chiến lược.
Trước đó, có thông tin cho rằng, một trong số nhà đầu tư chiến lược sẽ “thâu tóm” tới 70% cổ phần của Vigecam là Tổng công ty Rau Quả, Nông sản – Công ty cổ phần (Vegetexco) khoảng 45%, một phần lớn còn lại là Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không. Trong khi đó, Tổng công ty Rau Quả Nông sản - Công ty cổ phần (Vegetexco) cũng chính là đơn vị đã được “bầu Hiển” (ông Đỗ Quang Hiển) “thâu tóm” trước đó. Như vậy, với hàng loạt các thương vụ thâu tóm của “bầu Hiển” như Vegetexco, Cảng Quảng Ninh, Tổng công Ty Lâm Nghiệp Việt Nam và chuẩn bị là Vigecam đều nhắc người ta nghĩ tới mục đích là thâu tóm các khu “đất vàng” của các đơn vị này bởi thực chất nhìn vào các đơn vị này khi tiến hành cổ phần hóa đều là các đơn vị làm ăn “bết bát”.
Bộ NNPTNT cũng cho biết, trước đó trong quá trình triển khai cổ phần hóa lần đầu, Cơ quan điều tra đã nhận được Đơn tố cáo về những sai phạm trong quá trị cổ phần hóa tại Vigecam nên tới ngày 14.7.2016 cơ quan điều tra đã có văn bản gửi Bộ NNPTNT đề nghị tạm dừng cổ phần hóa Vigecam. Sau đó, Bộ NNPTNT đã họp với các bên có liên quan và phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tạm dừng việc bán cổ phần lần đầu. Ngày 8.3.2017, Bộ NNPTNT đã có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chấp thuận cho ra hạn bán cổ phần Vigecam tối đa 3 tháng kể từ khi Phó Thủ tướng chấp thuận phương án bán cổ phần Vigecam và sử dụng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp được Bộ NNPTNT phê duyệt ngày 5.10.2015.
Như vậy, sau một lần IPO hụt, ngày 19.5 tới đây Vigecam sẽ chính thức IPO với sự chờ đợi của nhiều nhà đầu tư.