Trở thành số 1 Việt Nam: Giấc mơ có thật hay chiêu trò của Xiaomi?
Xiaomi muốn huy động ít nhất 50 tỷ USD trong thương vụ IPO | |
Xiaomi bắt tay Google mở rộng thị trường tại các nước đang phát triển, gồm cả Việt Nam |
Giá rẻ chưa chắc đã đắt khách
Thị trường Smartphone Việt Nam đầy tiềm năng nhưng vô cùng khốc liệt. Nơi đây đã chứng kiến sự “giao tranh” quyết liệt giữa các thương hiệu smartphone nổi tiếng nhất thế giới và cũng đã chứng kiến sự “sa chân” của không ít ông lớn như Asus, LG, HTC, Huawei… Vậy nên, phát ngôn của ông Lei Jun, CEO Xiaomi rằng, Xiaomi sẽ trở thành số 1 tại Việt Nam khiến không ít người nghi ngờ.
Trước tiên, hãy nói về thị phần. Thị trường smartphone đã bão hoà và “mâm cỗ” đã được định hình tương đối. Vài năm nay, Samsung, Apple, Oppo vẫn là các “ông lớn” ngồi “chiếu trên” chiếm gần 80% doanh số và gần 90% doanh thu của thị trường smartphone Việt Nam. “Chiếu dưới”, kể cả nằm trong top 10, dành cho Mobiitstar, Huawei, Vivo, Asus…
Việc nuôi tham vọng trở thành số 1 trên thị trường smartphone Việt Nam có thể chỉ là chiêu trò "đánh bóng tên tuổi" của Xiaomi |
Trong khi đó, có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2014, Xiaomi còn không được xếp vào Top 10, mới chỉ chiếm 0,78% doanh số và 0,54% doanh thu của thị trường. “Chiến lược của chúng tôi là lấy giá bán để áp đảo đối thủ”, ông Lei Jun khẳng định và cho rằng, dòng sản phẩm của Xiaomi sẽ “khuynh đảo thị trường”.
Khoan nói đến việc “tam đại gia” Samsung, Apple, Oppo mạnh như thế nào và phân khúc cao cấp vẫn đang chiếm chủ đạo, chỉ nói đến phân khúc smartphone trung bình và giá rẻ, phân khúc mà Xiaomi sẽ “đánh mạnh, thọc sâu” trong thời gian tới. Có lẽ Xiaomi quên mất rằng, dòng sản phẩm smartphone tầm trung và giá rẻ đang có rất nhiều đối thủ mạnh như Oppo, Asus, Lenovo, HTC… Ngoại trừ Oppo, tất cả, kể cả những “cựu binh”, đều đang rất chật vật trong thị trường có quá nhiều sản phẩm smartphone giá rẻ.
Mặt khác, Xiaomi là thương hiệu khá mới. Họ còn phải giải quyết bài toán tâm lý “hàng nhái”, “của rẻ không tốt” đã hằn sâu trong xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam. Nhiều thương hiệu đã ngậm đắng nuốt cay rời thị trường, các thương hiệu còn lại thì chật vật chia nhau miếng bánh nhỏ xíu.
Không dễ có 1.000 cửa hàng
Đối thủ trực tiếp đối với dòng smartphone giá rẻ của Xiaomi có lẽ là Oppo. Oppo vào thị trường Việt Nam từ năm 2012. Để lọt được và duy trì top 3, bên cạnh việc đánh mạnh vào thị hiếu lớp trẻ, Oppo chi rất nhiều để xây dựng mạng lưới phân phối. Trong 3 năm, Oppo hiện diện ở hầu hết các điểm bán lẻ di động, siêu thị, thậm chí cửa hàng bán lẻ ở cấp huyện, xã đều có Oppo. Đó chính là điểm mấu chốt khiến Oppo đứng vững trên thị trường.
Trong khi đó, các đối thủ khác cùng phân khúc như LG phải tháo lui khỏi thị trường; Microsoft, Nokia “chết yểu”; còn Sony, HTC, Asus… vẫn “sống mòn”. Hệ thống phân phối bán lẻ sẽ quyết định sự sinh tồn của nhà sản xuất.
Trên thực tế, kế hoạch Mi Store sẽ phủ sóng tại 15 thành phố đến hết năm 2018 và đến năm 2020 sẽ mở hơn 1.000 cửa hàng như ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc Digiworld, nhà phân phối sản phẩm của Xiaomi tại Việt Nam, từng cho biết, cũng rất khó khả thi. Nếu làm được thì Sony, HTC, Asus, LG… đã làm rồi và ngay như Huawei, dù rất muốn chiếm thị phần, xây dựng hệ thống bán lẻ rộng khắp tại Việt Nam, cũng chưa làm được.
Câu hỏi đặt ra là, Xiaomi căn cứ vào đâu để xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ khổng lồ như vậy khi điều này đòi hỏi vốn đầu tư và cả thời gian, công sức rất lớn. Do vậy, mục tiêu 1.000 cửa hàng Mi Store sẽ là một bài toán rất khó cho Xiaomi.
Chính vì vậy, việc Xiaomi nuôi tham vọng trở thành “số 1 Việt Nam” được giới phân tích đánh giá là “trên trời”, “ngoài tầm với” và có thể chỉ là chiêu trò “đánh bóng tên tuổi” của Xiaomi.
Tân binh Xiaomi có làm nên chuyện hay sa vào “vết xe đổ” của hàng loạt ông lớn khác vẫn là một ẩn số.