|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Trở ngại lớn nhất của năng lượng tái tạo là giá điện, từ khi kết thúc giá FIT không còn có dự án nào đáng kể'

17:06 | 14/12/2023
Chia sẻ
Theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, Điện mặt trời tỉnh Bình Thuận, hiện không có dự án điện gió, điện mặt trời mới nào đáng kể. Nguyên nhân chính là do giá điện và môi trường đầu tư khiến doanh nghiệp dè dặt.

Bàn về thực trạng ngành năng lượng tái tạo tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 diễn ra chiều 14/12, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, Điện mặt trời tỉnh Bình Thuận thẳng thắn chỉ ra rằng mặc dù Việt Nam luôn coi phát triển xanh là một ưu tiên hàng đầu tuy nhiên sau khi hết thời hạn giá FIT, thị trường năng lượng tái tạo trong đó có điện gió, điện mặt trời rất ảm đạm.

Hiện Bộ Công Thương đã có chính sách với các dự án chuyển tiếp, nhưng cũng rất gay gắt. Các dự án mới gần như không có nhà đầu tư mới kém hiệu quả và cũng khó tiếp cận vốn ngân hàng, ông Thịnh cho hay.

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023. (Ảnh: Hạ An).

Lấy ví dụ về tỉnh Bình Thuận, sau một thời gian bùng nổ, điện gió, điện mặt trời sụt giảm rất mạnh. Hiện rất nhiều nhà đầu tư đã đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực nhưng không có thị trường. “Những dự án điện gió mặt trời hàng chục hecta hiện dừng hoạt động, cần cẩu nằm la liệt, nhân công mất việc trong khi tiềm năng thiên nhiên rất nhiều nhưng không khai thác được”, ông Thịnh nói.

Theo ông, hiện không có dự án điện gió, điện mặt trời mới nào đáng kể trong năm nay và thậm chí còn có nhà đầu tư lớn sau khi thăm dò đã rút khỏi Việt Nam. Nguyên nhân theo ông Thịnh chính là giá điện. 

Trở ngại lớn nhất của ngành điện gió, điện mặt trời Việt Nam. Ở một số quốc gia khác, giá điện 30 - 40 cent thì đầu tư điện gió, điện mặt trời 10 – 15 cent rất dễ dàng nhưng ở Việt Nam thì rất khó, Chủ tịch Hiệp hội điện gió, điện mặt trời cho biết.

Để cùng lúc đạt được hai mục tiêu: Không tăng giá điện để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô và phát triển, thu hút đầu tư ngành năng lượng tái tạo là điều rất khó, ông đánh giá.

Mục tiêu của Việt Nam là có 22.000 MW điện gió trên bờ vào năm 2030 nhưng đến nay mới có khoảng 5.900 MW. Như vậy, dư địa còn rất lớn nhưng nếu không có chính sách phù hợp thì các nhà đầu tư không dám tham gia. Các nhà đầu tư tư nhân đang rất e dè bởi chính sách còn các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất đắn đo”, ông Thịnh chia sẻ.

Ông cho rằng nếu không có những chính sách đúng hướng thì việc huy động nguồn lực tài chính, con người là rất khó khăn. Khi ấy, mục tiêu của Quy hoạch điện VIII sẽ rất xa vời.

Còn tiềm năng trong một số lĩnh vực

Đồng quan điểm, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Enegy Group cũng đồng quan điểm rằng sau khi kết thúc giá FIT gần như không có dự án mới quy mô lớn. Song ông cho rằng nhu cầu với các dự án điện mặt trời mái nhà tự tiêu thụ để xanh hoá sản xuất vẫn còn rất lớn.

Theo ông, tiềm năng của điện mặt trời vẫn còn rất lớn bởi xu thế chung của thế giới là chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện đang gặp áp lực cạnh tranh xanh rất lớn từ các đối thủ như Bangladesh. Tuy nhiên, để khơi thông dòng vốn thì cần sự hợp tác của tất cả các bên.

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 tổng công suất điện đạt 150.000 MW, gần gấp đôi so với công suất 80 MW đạt được trong năm 2022.

Trong đó, năng lượng tái tạo điện gió trên bờ 22.000 MW, điện gió ngoài khơi 6.000 MW, điện mặt trời hiện đã có khoảng gần 9.000 MW cộng điện mặt trời mái nhà khoảng 2.600 MW mục tiêu đến 2030 đạt khoảng 12.800 MW, điện khí hoá lỏng 22.400 MW, điện than, thuỷ điện nhỏ 29.000 MW.

Nhìn vào mục tiêu dư địa vẫn còn rất lớn ở một số ngành như điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi còn với điện mặt trời gần như đã sắp đạt được công suất. Mục tiêu đã được xác định, các nhà đầu tư có thể dựa vào đó để xem có thể tham gia được hay không.

Tuy nhiên, cơ chế gió, giá điện FIT đã kết thúc vào năm 2020 với điện mặt trời và 31/10/2021 với điện gió, chuyển sang cơ chế cạnh tranh. Hiện, cơ chế giá điện hiện chưa quy định bắt buộc phải với các chủ đầu tư ngành điện nhưng trong thời gian tới các dự án điện sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh.

Việc hoàn thiện các hành lang pháp lý quan của ngành năng lượng tái tạo sẽ giúp thúc đẩy đầu tư vào thị trường này.

 

Hạ An