|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Trò chơi vương quyền' bằng tiền của người giàu nhất thế giới (Kỳ 1)

18:21 | 16/02/2018
Chia sẻ
Nhu cầu bán mọi thứ của Amazon khiến số lượng vấn đề mà tập đoàn cần xử lý cứ tăng dần, buộc người giàu nhất thế giới phải đẩy mạnh "trò chơi vương quyền" với giới hoạch định chính sách Mỹ.

Vào những ngày cuối cùng của năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump phê phán tập đoàn Amazon bằng một dòng trạng thái trên Twitter. Ông nói rằng dịch vụ bưu chính Mỹ nên tính phí giao hàng cao hơn nhiều lần đối với tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới.

Dòng trạng thái khép lại một năm Trump liên tục chỉ trích quyền lực thị trường, tác động đối với việc làm của Amazon, cũng như mối quan hệ của Amazon đối với báo Washington Post. Trên thực tế, tờ báo thuộc quyền sở hữu của Jeff Bezos, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Amazon.

tro choi vuong quyen bang tien cua nguoi giau nhat the gioi
Tỷ phú Jeff Bezos tham gia hội nghị giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ hàng đầu nước Mỹ hồi cuối năm 2016. Ảnh: Fortune

5 năm qua, Amazon tăng chi phí vận động hành lang ở mức hơn 400% - một tỷ lệ vượt xa các đối thủ. So với công ty công nghệ khác, họ vận động nhiều cơ quan chính phủ nhất. Dữ liệu cho thấy số lượng vấn đề mà Amazon tác động lớn ngang số lượng vấn đề mà tập đoàn Google quan tâm, đồng thời chi nhiều tiền hơn mọi doanh nghiệp công nghệ, trừ Google.

Amazon có nhiều lý do phù hợp để tăng sự hiện diện của họ ở Washington. Tập đoàn của Bezos đang cảm nhận sự chuyển đổi đau đớn giống các đối thủ như Alphabet (công ty mẹ của Google) và tập đoàn Facebook. Amazon đang nỗ lực để công chúng coi họ là doanh nghiệp tạo việc làm, chứ không tước đoạt việc làm, và người ta cũng hay đổ lỗi cho Amazon mỗi khi các cửa hàng bán lẻ truyền thống ngừng hoạt động.

“Họ liên tục đối mặt với những câu hỏi như kiểu “Phải chăng gây tổn thất cho các ngành, nghề, cướp cơ hội kinh doanh của dân Mỹ, triệt tiêu sự đổi mới, làm giảm cơ hội việc làm và phá hoại nền dân chủ?”, Gene Kimmelman, Chủ tịch của tổ chức nghiên cứu chính sách Public Knowledge, bình luận.

Để lật ngược ấn tượng ấy của công chúng lẫn chính phủ, Amazon đang thực hiện nhiều giải pháp công khai lẫn riêng tư. Về giải pháp công khai, tỷ phú Jeff Bezos đã gặp các nhà lập pháp và tham dự hội nghị kỳ quặc giữa Tổng thống Donald Trump với các nhà lãnh đạo hàng đầu trong giới công nghệ Mỹ hồi cuối năm 2016. Trước khi Trump nhậm chức, người sáng lập Amazon cam kết tuyển 100.000 người lao động trong 18 tháng tiếp theo để hưởng ứng nỗ của Trump trong việc thúc các doanh nghiệp thuê thêm công dân Mỹ. Người giàu nhất thế giới cũng ngừng thể hiện thái độ bài xích Trum trong suốt quãng thời gian ông vận động tranh cử tổng thống, khi ông viết trên Twitter rằng ông sẵn sàng mời Trump bay miễn phí vòng quanh thế giới bằng phi thuyền của Amazon.

Trong hậu trường, Amazon tăng cường hoạt động vận động các nhà lập pháp và cơ quan chính phủ nhằm ngăn chặn từ xa mọi hành động trấn áp của Washington. Chẳng hạn, năm ngoái, lần đầu tiên trong hai thập kỷ, Amazon vận động hành lang Bộ Tư pháp – cơ quan có quyền hạn pháp lý dân sự và hình sự khá rộng – trải dài từ chống độc quyền, an ninh quốc gia tới gian lận doanh nghiệp.

tro choi vuong quyen bang tien cua nguoi giau nhat the gioi
Tham vọng bán mọi thứ của Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới hiện nay, khiến Amazon phải xử lý rất nhiều vấn đề. Ảnh: CBS

Điểm khác biệt giữa các doanh nghiệp công nghệ khác là nhu cầu vô tận của họ đối với việc bán mọi thứ - từ quảng cáo, giải trí, tạp hóa, máy tính và thậm chí y tế trong thời gian tới. Nhu cầu ấy buộc Amazon phải xử lý một danh sách vấn đề ngày càng tăng về số lượng – bao gồm giao thông, vận chuyển hàng, thuế, hàng không, nhập cư và độc quyền. Năm ngoái, tập đoàn vận động hành lang 24 vấn đề chung (mỗi vấn đề trong số đó có thể liên quan tới hàng chục luật hoặc quy định), tăng từ 8 vấn đề trong năm 2012. Những cơ quan mà Amazon hướng tới, như Thượng viện và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng tăng từ 8 trong năm 2012 lên 39 trong năm 2017. Tập đoàn Microsoft, doanh nghiệp từng đứng vững sau một vụ kiện độc quyền dai dẳng trong thập niên 90, chỉ vận động hành lang đối với 18 vấn đề và tác động tới 29 cơ quan chính phủ trong năm ngoái.

Từ năm 2000 tới nay, Amazon luôn nỗ lực để các nhà lập pháp ban hành các luật có lợi cho thuế bán hàng trực tuyến. Nhưng sự trỗi dậy của tập đoàn với vai trò là “doanh nghiệp gây ảnh hưởng lớn tới Washington” chỉ thực sự bắt đầu với hàng loạt hoạt động hồi năm 2013. Mùa thu năm ấy, Bezos mua báo Washington Post với giá 250 triệu USD từ gia tộc Graham, những người sở hữu nó trong nhiều thập kỷ. Hai tháng sau, Amazon công bố Prime Air, dự án sử dụng thiết bị bay tự động để giao hàng siêu nhanh. Hồi đó, Cục Hàng không Liên bang Mỹ quy định các thiết bị bay tự động phải di chuyển trong tầm quan sát của người điều khiển. Amazon khẳng định những quy định như thế chỉ phù hợp với người chơi thiết bị bay để tiêu khiển, chứ không phù hợp với hoạt động thương mại.

3 năm sau, chính phủ Mỹ mới cho phép thiết bị bay tự động thực hiện các chuyến bay thương mại, song chỉ cho phép chúng bay quãng ngắn và phải tránh xa con người (không phù hợp với hoạt động giao hàng tại nhà”. Không chịu từ bỏ nỗ lực, Amazon tăng gấp đôi nỗ lực để tác động tới quá trình ban hành luật và các nhà hoạch định chính sách.

Nhạc Dương