|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Triển khai các nhiệm vụ sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

21:05 | 19/07/2017
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai các công việc sau Kỳ họp thứ 3...
trien khai cac nhiem vu sau ky hop thu 3 quoc hoi khoa xiv
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát danh mục các dự án sử dụng vốn ODA đang triển khai. (Ảnh minh họa)

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan rà soát danh mục các dự án sử dụng vốn ODA đang triển khai, kiến nghị tái cơ cấu, điều chuyển vốn, hoãn, giãn những dự án, đề án chưa thật cần thiết hoặc không hiệu quả để điều chuyển vốn cho các dự án khác và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá khả năng giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi thực tế năm 2017, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội và đề xuất biện pháp xử lý trường hợp giải ngân vốn xây dựng cơ bản cấp phát từ ngân sách nhà nước vượt dự toán được Quốc hội phê duyệt theo Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2017.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, đổi mới định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã được phê duyệt tại Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 17/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016 - 2020 để phù hợp trong bối cảnh mới.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chuẩn bị và phục vụ tốt hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016; đề xuất các giải pháp cụ thể, khắc phục những hạn chế, thực hiện nghiêm chế độ, kỷ luật tài chính trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, giảm bội chi, bảo đảm an toàn nợ công.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn cụ thể việc phân loại các hạng mục dự án thuộc chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, có tính đến đặc thù của nguồn ODA và vốn vay ưu đãi để áp dụng phương thức quản lý và phân bổ vốn phù hợp, thống nhất; xây dựng chương trình quản lý nợ trung hạn 2018 - 2020 và tầm nhìn 2020 - 2025 làm cơ sở huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi giai đoạn 2018 - 2020 và giai đoạn tiếp theo.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan quyết liệt triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các ngành hàng chủ lực trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương, gắn chặt với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu tăng trưởng toàn ngành năm 2017 đạt 3,05%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 33 tỷ USD.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất; xây dựng và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết 5 nhà: Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học và Ngân hàng; khuyến khích thành lập hợp tác xã kiểu mới và các tổ hợp tác; hỗ trợ khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn; hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên phát triển chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường quản lý, sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; có biện pháp quản lý chặt chẽ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, nông thôn...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, nghiên cứu, thực hiện và đề xuất các giải pháp sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dạy nghề, gắn cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và tình trạng bạo lực gia đình.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp, biện pháp và lộ trình cụ thể để tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh của y tế cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa; phối hợp với chính quyền địa phương và chỉ đạo ngành y tế tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động y tế tư nhân, bảo đảm an toàn cho người bệnh; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; khẩn trương rà soát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các Đề án về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; cụ thể hóa kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng; cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ dài hạn trong Chương trình công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ khẩn trương triển khai, hoàn thành các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường nắm thông tin, tình hình, kịp thời đề xuất các cuộc thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội; chú trọng các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, lãng phí như đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ...; đặc biệt tập trung thanh tra, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm, gây thất thoát, thua lỗ lớn.