|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là gì? Đặc điểm và nguyên nhân

15:56 | 04/06/2020
Chia sẻ
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng.
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là gì? Đặc điểm và nguyên nhân - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Fool)

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Khái niệm

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa trong tiếng Anh gọi là: Disputes related to contract for the sale of goods.

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng mà chủ yếu là liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ tự nguyện thỏa thuận.

Cũng có thể xảy ra tranh chấp phát sinh từ nội dung của hợp đồng, giải thích từ ngữ trong hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, thực hiện hợp đồng, sửa đổi, bổ sung chấm dứt hợp đồng.

Các đặc điểm của tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa có các đặc điểm sau:

- Có sự vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa;

- Có thiệt hại về tài sản của bên bị vi phạm;

- Có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại vật chất xảy ra;

- Có lỗi của bên vi phạm.

Ở Việt Nam, việc hòa giải tranh chấp hợp đồng được coi trọng. Các bên phải tự thương lượng, hòa giải với nhau khi phát sinh tranh chấp. Khi thương lượng, hòa giải bất thành, mới đưa ra tòa án hoặc trọng tài giải quyết. Ngay tại tòa án, các bên vẫn có thể tiếp tục hòa giải với nhau.

Ở Việt Nam, bình quân mỗi năm, số lượng tranh chấp kinh tế được giải quyết bằng phương thức hòa giải chiếm đến trên dưới 50% tổng số vụ việc mà tòa án đã phải giải quyết.

Nguyên nhân xảy ra tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa

a. Nguyên nhân chủ quan

Các nguyên nhân chủ quan được đề cập đến bao gồm:

- Do sự chủ quan của các bên trong việc thiết lập hợp đồng mua bán hàng hóa.

- Do ý chí chủ quan của các chủ thể trong hợp đồng (cố tình không thực hiện các giao kết trong hợp đồng dẫn tới bên bị vi phạm buộc phải khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền lợi).

- Đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì tranh chấp phát sinh ngoài những nguyên nhân trên còn do: năng lực của doanh nghiệp trong quan hệ thương mại quốc tế còn nhiều hạn chế; sự thiếu hiểu biết về pháp luật và tập quán thương mại quốc tế.

b. Nguyên nhân khách quan

Các nguyên nhân khách quan được đề cập gồm:

- Sự biến động của những yếu tố như giá cả, tỷ giá, cung cầu của mỗi quốc gia là khác nhau ở mỗi giai đoạn ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các bên và có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp.

- Các sự kiện bất khả kháng xảy ra ngẫu nhiên trong thực tế sau khi hai bên đã kí kết hợp đồng mà không thuộc trường hợp đồng miễn trách nhiệm.

- Đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, ngoài những nguyên nhân khách quan trên còn có thể kể đến các nguyên nhân sau:

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng liên quan đến ít nhất hai hệ thống pháp luật của hai quốc gia;

Ngoài ra, còn có thể liên quan đến tập quán quốc tế điều chỉnh các quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên kí kết lại không tìm hiểu kĩ lưỡng trước khi kĩ kết hợp đồng dẫn đến việc kí kết hợp đồng không đúng, không đầy đủ, dẫn đến cách hiểu không thống nhất làm phát sinh tranh chấp giữa các bên;

Sự thay đổi chính sách và pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế.

(Tài liệu tham khảo: Bàn về giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, ThS. Nguyễn Văn Việt, Tạp chí Công thương, 2017)

Tuyết Nhi