|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trái cây Việt gặp khó ngay trên sân nhà

07:42 | 06/03/2017
Chia sẻ
Mặc dù đã giành được chỗ đứng trên các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand…

Trái cây ngoại ngập tràn trên các kệ

Theo Tổng cục Thống kê trong tháng 1/2017, rau quả ngoại nhập về thị trường trong nước đạt 110 triệu USD. Tại các siêu thị, mặt hàng trái cây ngoại nhập đang dần chiếm ưu thế trên các kệ hàng.

Tại siêu thị Aeon Mall, E-mart, Big C… các loại trái cây nhập khẩu như nho, cam, quýt, táo… đang dần chiếm ưu thế. Với mức giá bán ra chênh lệch cả hàng trăm ngàn đồng, trái cây ngoại vẫn được người tiêu dùng lựa chọn.

Trong khi đó, tại kênh truyền thống là các chợ và chợ đầu mối chuyên cung cấp rau quả cũng xuất hiện nhiều hơn các loại trái cây nhập từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand…

Theo các tiểu thương tại chợ nông sản Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM), trung bình có gần 10 loại trái cây có nguồn gốc ngoại nhập được tập kết tại đây rồi phân phối tại các sạp, chợ trong thành phố. Đa phần những loại trái cây ngoại nhập bán khá chạy nên được nhiều tiểu thương mua về để bán.

trai cay viet gap kho ngay tren san nha
Người tiêu dùng vẫn ưu ái các loại trái cây nhập khẩu hơn.

Giá đắt vẫn mua

Theo ghi nhận của phóng viên, các loại trái cây ngoại nhập thường có giá khá cao như táo Fuji Hàn Quốc 133.000 đồng/kg, táo Juliet Pháp 89.900 đồng/kg, táo Mỹ Jazz 99.000 đồng/kg, cam Navel Úc 44.900 đồng/kg, kiwi xanh Pháp 74.900 đồng/kg, nho đen không hạt Nam Phi 165.000 đồng/kg…

Mặc dù có mức giá chênh lệch hơn so với những loại trái cây nội nhưng phần đông người tiêu dùng vẫn có phần ưu ái những loại trái cây ngoại hơn.

Theo chị Ngọc Thư (Q.Tân Phú, TP.HCM): “Thường thì những loại trái cây có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài có thời gian bảo quản lâu hơn, trong khi đó lại không phải lo sợ nhiều về chất bảo quản vì quy trình kiểm soát của nước ngoài vẫn tốt hơn”.

Cũng có thói quen lựa chọn các loại trái cây ngoại nhập, chị Hòa (Q.Gò Vấp) cho biết: “Các loại cam, táo, nho… nhập khẩu thường có trái to, căng tròn, nhìn hấp dẫn mà giá cũng không có sự chênh lệch. Bên cạnh đó, các loại nho nhập từ Mỹ ngọt hơn so với nho nội địa hay cam Mỹ có tép to và nhiều nước hơn”.

Trung bình, mức giá của các loại trái cây ngoại nhập cao hơn trái cây nội địa từ 20-60% tùy loại, nhưng vì thói quen ưa hàng ngoại nên giá cao không ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Theo một nhân viên dịch vụ tại Trung tâm mua sắm Aeon Mall (Q.Tân Phú, TP.HCM): “Trung bình có khoảng 60% người mua khi đến đây có xu hướng chọn các loại trái cây như lê đỏ Mỹ, táo Pinata Mỹ, táo Jazz Mỹ, cam Navel Úc, nho đen không hạt Nam Phi… So với những loại trái cây nội địa thì trái cây ngoại nhập được xếp lên kệ thường xuyên hơn bởi lượng mua nhiều”.

Nhận định về tình hình tiêu thụ trái cây trong thời gian qua, ông Đoàn Diệp Bình, đại diện truyền thông Lotte Mart, cho rằng: “Mặc dù không áp đảo hoàn toàn, nhưng nhìn chung trái cây ngoại đang có những ưu thế nhất định trên thị trường. Một bộ phận người tiêu dùng trong nước có tâm lý chuộng trái cây ngoại, một phần do lo lắng về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của trái cây nội. Một lý do khác là trái cây ngoại có nhiều ưu điểm như lạ, mẫu mã đẹp… Nhìn chung, trái cây nhập khẩu luôn có giá cao hơn trái cây nội địa”.

Đức Hùng