TPP 11 thảo luận gạch tên Mỹ khỏi hiệp định
Các nhà đàm phán sẽ tập trung tại thị trấn nghỉ mát trên núi Hakone, phía Tây Nam Tokyo, trong 3 ngày bắt đầu từ thứ 4.
Tháng 5, các bộ trưởng của 11 nước còn lại từng gặp mặt tại Việt Nam. Sau cuộc họp, bộ trưởng Kinh tế và Tài khoá Nhật Nobuteru Ishihara nói rằng ông có thể "xác nhận cam kết của 11 nước" sớm để hiệp định có hiệu lực.
Các bộ trưởng Thương mại tham dự họp báo trong Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Châu Á Thái Bình Dương (APEC MRT 23) tại Hà Nội ngày 21/5 |
Cuộc họp sẽ tìm hiểu sâu hơn về các chi tiết cần sửa đổi trong thỏa thuận hiện tại và ít nhất 6 quốc gia chiếm 85% tổng GDP trở lên phải phê chuẩn thỏa thuận. Riêng Mỹ chiếm 60% tổng GDP của "phiên bản" gốc TPP 12.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hơn là các nước có nên mở lại thỏa thuận về thuế và các quy định thương mại. Nhiều quốc gia muốn rút ngắn khoảng thời gian bảo vệ dữ liệu phát triển thuốc. Là nước có ngành công nghiệp dược phẩm mạnh, Mỹ từng kêu gọi một giai đoạn độc quyền lâu hơn, và nhóm cuối cùng thống nhất phương án 8 năm.
Thời gian được giữ công nghệ càng dài, các nhà phát triển dược phẩm mới càng kiếm được nhiều tiền nhưng các thị trường mới nổi phải chờ đợi lâu hơn để tiếp cận được với những phiên bản chung rẻ hơn. Nhật Bản đồng ý rút ngắn thời gian.
Bộ trưởng Kinh tế và Tài khoá Nhật Nobuteru Ishihara |
Trong khi đó, Nhật Bản và Úc muốn giữ nguyên các quy định về thuế quan để không phải mất thời gian đàm phán lại. Ngược lại, Malaysia và Việt Nam muốn đàm phán lại vì Mỹ rời TPP đồng nghĩa với việc mất đi một thị trường mở lớn.
Tokyo muốn đạt được một thoả thuận chung giữa 11 quốc gia vào cuối năm nay nên muốn giảm thiểu những thay đổi. Tuy nhiên, để hòa giải được những lợi ích mâu thuẫn trong nhóm trong một khoảng thời gian ngắn như vậy sẽ là một thách thức không hề nhỏ.