TP.HCM tăng tốc triển khai Khu đô thị mới Thủ Thiêm
|
Để hoàn thiện hạ tầng kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm, UBND TP.HCM vừa giao liên danh Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (CC1) - Công ty CP Phát triển Đầu tư Thái Sơn - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 - nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Q.4 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Cùng với đó là dự án mở rộng, nâng cấp đường Tôn Đản (Q.4) cũng theo hình thức BT.
"Chạy đua" hoàn thiện hạ tầng
Trước đó, hồi giữa tháng 9/2016, UBND TP.HCM cũng đã giao liên danh Tổng công ty Thái Sơn - Công ty CP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD Group) nghiên cứu lập đề xuất hai dự án trên theo hình thức BT. Như vậy, hiện nay, dự án cầu Thủ Thiêm 3 và mở rộng, nâng cấp tuyến đường Tôn Đản có 2 liên danh cùng cạnh tranh.
Theo quy hoạch về hạ tầng cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sẽ có 5 cây cầu và 1 hầm chui nối những khu vực khác nhau của trung tâm thành phố với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hiện nay, cầu Thủ Thiêm 1 và hầm chui vượt sông Sài Gòn (nối Q.1 và Q.2) đã được xây dựng. Đầu năm 2015, cầu Thủ Thiêm 2 có tổng số vốn gần 3.100 tỷ đồng cũng đã được tổ chức khởi công.
Đối với hạ tầng nội khu, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo dự án đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng vừa có văn bản đồng ý phương án đầu tư xây dựng, đào hồ trung tâm có tràn trữ nước và các cửa van điều tiết nước trong khu.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng chấp thuận chủ trương điều chỉnh, bổ sung các công trình xây dựng 4 cầu kết nối khu dân cư phía bắc và đường trục Bắc - Nam với các khu chức năng khác trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (hiện khu dân cư này cùng trục Bắc - Nam, do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - CII triển khai).
Đồng thời, ông Phong cũng chấp thuận đề nghị của Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm và Sở Giao thông - Vận tải về đầu tư xây dựng tuyến song hành đường Mai Chí Thọ, đường song hành cầu Thủ Thiêm 3 và tầng hầm bên dưới các tuyến đường giao thông nội bộ nhằm kết nối thuận tiện giao thông (không sử dụng phần diện tích nối hầm vào mục đích kinh doanh).
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng chấp thuận đề xuất của Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm về giao Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh thực hiện trước một số công tác để chuẩn bị thi công các hạng mục công trình thuộc dự án Quảng trường Trung tâm và Công viên bờ sông, đồng thời triển khai công tác thi công hạng mục kè sông Sài Gòn song song với quá trình nghiên cứu lập dự án.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý phải khẩn trương hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân còn lại trong khu vực dự án để bàn giao mặt bằng thi công dự án 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhằm tiến tới thông xe vào quý I/2017.
Hỗ trợ nhà đầu tư phân khu chức năng
Để hỗ trợ nhà đầu tư các phân khu chức năng của Thủ Thiêm đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND TP.HCM vừa công bố quyết định điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu phức hợp thể thao, giải trí (khu 2C) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với quy mô diện tích toàn khu khoảng 31,49ha (gồm có đất dành cho công trình thể thao, thương mại...).
Được biết, hiện Tập đoàn Vingroup là nhà đầu tư được chính quyền TP.HCM lựa chọn thực hiện dự án Khu phức hợp thể thao, giải trí tại Khu chức năng số 2C thuộc một phần của Khu chức năng số 2 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo ước tính, tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng) là 6.777 tỷ đồng, sẽ do nhà đầu tư tự thu xếp nguồn vốn hợp pháp để thực hiện. Thời gian khai thác của dự án này là 50 năm, thời gian xây dựng công trình là 36 tháng.
Trong 8 khu chức năng của Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì Khu chức năng số 2 nằm ở phía nam của lõi trung tâm, là khu phức hợp mật độ cao với các chức năng thương mại, dân cư và thể thao, giải trí. Khu này cũng được chia nhỏ làm 3 khu: 2A, 2B, 2C và đều đã có nhà đầu tư.
Khu 2A còn có tên là Eco Smart City với diện tích 10ha, vốn đầu tư 2 tỷ USD, do Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và đối tác Nhật Bản (Mitsubishi và Toshiba) đầu tư. Khu 2B còn có tên là Empire City, có diện tích 14,5ha, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, do Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương đầu tư.
Được biết, với dự án Eco Smart City, dù Tập đoàn Lotte (công ty mẹ) tại Hàn Quốc đang xảy ra nhiều "sóng gió" nhưng tập đoàn này vẫn thể hiện mong muốn đầu tư dự án, hiện đang được các bộ, ngành Trung ương xem xét, phê duyệt.
Riêng đối với dự án Khu phức hợp Tháp Quan sát thuộc Khu chức năng 2B, TP.HCM cũng chấp thuận đề xuất của Sở Tài chính về điều chỉnh quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất tại khu này. Thêm nữa, giao Sở Tài nguyên - Môi trường chịu trách nhiệm khẩn trương tham mưu đề xuất về việc xin mua chỉ định 10ha đất trong khu đất 32ha tại P. Bình Khánh, Q.2 (ngoài Khu đô thị mới Thủ Thiêm) của Công ty TNHH MTV Sài Gòn Villas.
Được biết, trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã bày tỏ ý định tham gia các dự án nhà ở, thương mại, văn phòng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng thực tế cho thấy, gút mắc chủ yếu với nhà đầu tư là giá đất tại khu đô thị này khá cao, cộng với việc doanh nghiệp có ý định điều chỉnh quy hoạch (tăng mật độ xây dựng, tăng chiều cao công trình...) dẫn đến cả bên kêu gọi đầu tư (TP.HCM) và nhà đầu tư chưa tìm được tiếng nói chung.
Tuy nhiên, với ý định phát triển một khu đô thị kiểu mẫu, trung tâm hành chính mới, TP.HCM khá kỹ trong việc lựa chọn nhà đầu tư và không "vội vã” trước yêu cầu chưa hợp lý của nhà đầu tư.