TPHCM sẽ bố trí tạm cư cho hơn 100 hộ dân Thủ Thiêm
Ngày 13/6, tiếp xúc cử tri quận 4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết sắp tới sẽ bố trí nơi ở đảm bảo điều kiện sinh hoạt, học tập cho hơn 100 hộ dân còn khiếu kiện tại dự án khu đô thị Thủ Thiêm.
Ông Tuyến cho biết trong thời gian chờ Chính phủ kết luận vụ việc khiếu kiện của người dân, Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo bố trí nơi tạm định cư đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho 106 trường hợp.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến |
“TPHCM không để người dân tiếp tục sống trong những căn nhà tạm bợ, ngập nước, không đảm bảo vệ sinh, mất an ninh trật tự”, ông Tuyến khẳng định.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Phùng Thị Giao Chi (phường 18, quận 4) cho biết trên địa bàn phường có gần 20 hộ ven kênh Tẻ nhận được thông báo di dời để làm đường Tôn Thất Thuyết. Người dân rất lo âu, vì cuộc sống khó khăn. Nhà ở không có giấy tờ hợp pháp, không đủ tiền mua nhà mới.
“Chính quyền cần lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người dân để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, tạo điều kiện cho người dân an cư lạc nghiệp”, bà Chi đề nghị.
Cử tri Cao Minh Đạt (phường 3) cho biết ông là một trong số hàng chục hộ dân sống dọc đường Tôn Thất Thuyết nhận được thông báo thu hồi đất của UBND quận 4 cùng một phiếu lấy ý kiến người dân rằng muốn ở chung cư hay nhận tiền.
“Chúng tôi mong chờ một cuộc họp với quận để có phương án bố trí dân như thế nào về chuyện ăn, ở, học tập, sinh hoạt,… sau khi giải tỏa nhưng hơn 1 năm rồi chưa thấy ai hỏi. Khi nhận được thông báo, các hộ tự tìm đất lo chỗ ở mới nhưng tiền tích góp không đủ vì giá đất quá cao”, ông Đạt cho hay
Người dân đang khiếu kiện ở Thủ Thiêm sống tạm bợ trong những căn nhà không đảm bảo điều kiện sinh hoạt |
Ông Trần Hoàng Quân, chủ tịch UBND quận 4 nói lãnh đạo quận rất chia sẻ với những hộ dân thuộc diện giải tỏa làm đường Hoàng Diệu và đường Tôn Thất Thuyết.
Ông Quân cho hay quy hoạch đường Hoàng Diệu, Tốn Thất Thuyết nối dài đã có từ lâu nhưng việc triển khai quy hoạch cần có lộ trình vì nguồn vốn đầu tư eo hẹp.
Cụ thể: HĐND TPHCM đã ghi vốn (1.500 tỷ đồng) để làm hồ điều tiết Khánh Hội, hiện nay cần thêm 1500 tỷ đồng thực hiện dự án làm chỉnh tranh đô thị giai đoạn 2018 -2020. Vì vậy, quy hoạch giao thông đành … để sau, bao giờ làm sẽ thông tin cho người dân.
“Những hộ trong khu quy hoạch, gặp khó khăn trong giao dịch nhà đất xin cứ thông tin cho quận. Quận sẽ làm việc với ngân hàng (NH). UBND quận từng cam kết với NH khu vực này, khu vực kia trong vòng 3 -5 năm không giải tỏa để NH mạnh dạn giao dịch với người dân”, ông Quân cho hay.
Chủ tịch UBND quận 4 cho hay toàn quận có 425 căn nhà ven kênh Tẻ phải giải tỏa. Nhà của các hộ hầu hết dưới kênh rạch, diện tích chỉ 25 - 30 m2, tiền bồi thường hỗ trợ di dời chỉ vài trăm triệu/hộ.
Đại biểu Quốc hội động viên người dân còn khiếu kiện ở Thủ Thiêm |
Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, quận và thành phố dự kiến làm hai chung cư tại phường 1 và phường 4 để tái định cư cho dân và giải quyết cho các hộ không đủ khả năng được thuê hoặc thuê mua. Hiện nay, UBND quận đang đàm phán giá với chủ đầu tư và sẽ họp dân để thống nhất chọn phương án.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, TPHCM có nhiều dự án chỉnh trang đô thị quy mô lớn với trên 20.000 hộ dân sống ven và trên kênh rạch cần giải tỏa.
Trong khi đó, diện tích đất thu hồi gần như là con số 0. Do đó, TPHCM phải dành những nguồn vốn khác, những khu đất khác để bố trí nơi ở cho các hộ bị giải tỏa nhà ven và trên kênh rạch.
“Phải đảm bảo cho người dân có nơi ở. Nguyên tắc của thành phố là không giải tỏa đẩy dân ra đường. Tùy hình thức pháp lý sẽ có nhiều hình thức khác nhau. Vừa qua, UBND TPHCM đã chuẩn bị quỹ nhà, đến nay có thể đáp ứng được 50% nhu cầu”, ông Tuyến cho hay.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, TPHCM đối mặt với nạn kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Hai huyện Củ Chi, Cần Giờ chiếm 1/2 diện tích TPHCM nhưng dân cư chiếm chưa đến 10%. Áp lực dân số khiến hạ tầng nội đô phát triển không kịp.
Nếu không quy hoạch thì sẽ không bao giờ có đường giao thong bởi diện tích đường của TPHCM hiện nay quá thấp, chỉ đạt 2,2 km đường trên 1 km2 đất đô thị.
“TPHCM rất cần mở rộng niều con đường nhưng vốn chưa có. Nhiều nơi 1 km đường phải đầu tư 800 – 1000 tỷ đồng, hầu hết là chi cho giải phóng mặt bằng. Chi phí xây lắp rất thấp. Nếu thả nổi không quy hoạch, người dân xây nhà thì tiền bồi thường còn lớn hơn. Chỉ có thể cố gắng không gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân như chưa có quyết định thu hồi đất thì cho xây dựng tạm”, ông Tuyến cho hay.