TP HCM ra đề án quản lý ba công viên tại quận 1
Ảnh: Người lao động |
Theo đó, công viên Bạch Đằng thuộc khu bờ Tây sông Sài Gòn, từ cầu Thủ Thiêm 2 (dự kiến) đến hết khu vực cột cờ Thủ Ngữ, diện tích khoảng 28,05 ha. Đây là khu công viên đa chức năng có vị trí chiến lược và mang tầm cỡ cấp thành phố, gồm 3 chức năng chính là công viên, bến cảng du lịch và hạ tầng giao thông bộ (giao thông cơ giới, giao thông đường bộ, giao thông thủy, thương mại ngầm).
Mới đây Tiền Phong đưa tin, vào năm 2013, thành phố đã giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) lập quy hoạch, đầu tư chỉnh trang, cải tạo, khai thác và quản lý khu công viên Bến Bạch Đằng. Đến tháng 9/2016, UBND quận 1 chính thức tiếp nhận việc quản lý tại đây. Tuy nhiên đến nay, dự án chỉnh trang này vẫn chưa khiến bộ mặt công viên được khởi sắc.
Quận 1 đang làm đề xuất xin ý kiến các sở, ban ngành để duy tu, sửa chữa công viên theo hướng mở rộng diện tích, sơn lại rào chắn, lắp hệ thống chiếu sáng, xây nhà vệ sinh cộng cộng...
Theo quy hoạch khu trung tâm thành phố (930 ha), công viên Bạch Đằng nằm trong dải quy hoạch bờ tây sông Sài Gòn kéo dài từ cầu Sài Gòn qua Tân Cảng - Ba Son - bến Bạch Đằng - cột cờ Thủ Ngữ - cảng quận 4 đến chân cầu Tân Thuận. Đây là dải công viên cảnh quan đối ứng với Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở bờ sông Sài Gòn.
Còn theo Đề án quản lý công viên 23 tháng 9, công viên có diện tích khoảng 9,46 ha, chiều rộng khoảng 90 m (tính từ lộ giới), tổng chiều dài khoảng 1.100 m. Khu vực giới hạn bởi Quảng trường Quách Thị Trang và các đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi.
Đây là khu công viên cây xanh, văn hóa, quảng trường (không gian công cộng để tổ chức các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội). Phần công trình ngầm có 4 tầng, 2 tầng để xe 4 bánh và 2 tầng thương mại dịch vụ. Không gian ngầm công viên 23 tháng 9 được kết nối với không gian ngầm nhà ga Trung tâm Bến Thành dưới Quảng trường Quách Thị Trang và tầng hầm các công trình cao tầng (bằng hành lang kết nối).
Công viên 30 tháng 4 có nhà ga ngầm của tuyến đường sắt số 4. (Ảnh: Foody) |
Công viên 30 tháng 4 nằm giữa đường Alexandre De Rhodes, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hàn Thuyên, Phạm Ngọc Thạch; hai đường Pasteur và Lê Duẩn cắt ngang qua công viên. Đây là khu công viên cây xanh, văn hóa, quảng trường (không gian công cộng để tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội) và là khu vực có nhà ga ngầm của tuyến đường sắt số 4.
Ngoài ra, Văn phòng UBND TP cũng cho biết, thành phố đã chấp thuận cho quận 5 tiến hành cải tạo, chỉnh trang công viên Văn Lang bằng nguồn vốn xã hội hóa.