TP HCM nêu 13 kiến nghị với Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ
Sáng nay (12-1), Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị báo cáo 1 năm triển khai thực hiện Kết luận 21-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ; Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Giao quyền mạnh mẽ hơn cho TPHCM
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những báo cáo đầy đủ của TPHCM về kinh tế - xã hội, việc thực hiện các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá cao những kiến nghị, đề xuất những vướng mắc của TPHCM với Trung ương, với một tinh thần cùng bàn, cùng xốc tới, cùng tiến bước mạnh mẽ đưa TP phát triển.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2018, dù trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, đặc biệt tình hình khiếu kiện kéo dài, xử lý một số vi phạm trong quá trình triển khai nhiệm vụ trước đây nhưng TPHCM vẫn có những nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được nhiều kết quả nổi bật ở các chỉ tiêu quan trọng.
“Những bước đi trong những năm qua là tiến bộ nhiều mặt ở TPHCM”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét.
Cụ thể, TPHCM đạt mức tăng trưởng 8,3%, thu ngân sách được giao ở mức cao nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. “TPHCM là thành phố đông dân nhất nước, là một trong những thành phố đông dân ở châu Á, nhưng TPHCM đã có nhiều cố gắng giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, cũng như những vụ việc kéo dài nhiều năm được TPHCM tập trung chỉ đạo giải quyết. Kết quả đạt được rất đáng mừng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét.
Kết quả đạt được là do TPHCM đã triển khai các biện pháp sáng tạo, giải pháp đặc thù tạo nguồn phát triển kinh tế, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, TPHCM đã tập trung triển khai các biện pháp để thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Cùng đó, một số nghị quyết quan trọng của Trung ương, của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề về cơ chế chính sách chưa rõ, làm cho TPHCM gặp trở ngại khó khăn. Chính vì vậy, cuộc họp này, các cơ quan Trung ương thảo luận, cùng TPHCM tháo gỡ, tạo điều kiện cho TPHCM phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước giao cho TPHCM.
“Mỗi ngành một việc và cùng đóng góp tháo gỡ, giải quyết từng bước chắc chắn, chặt chẽ và thuận lợi hơn, để TPHCM phát triển, đặc biệt tạo cơ chế giao quyền mạnh mẽ hơn cho TPHCM ở một số vấn đề”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở.
Toàn cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm gỡ vướng mắc để TPHCM tiến bước mạnh mẽ. Ảnh: VIỆT DŨNG. |
Người đứng đầu Chính phủ cũng dẫn chứng, dù TPHCM chiếm 0,6% diện tích cả nước nhưng đã đóng góp GDP khoảng 27% cả nước. Do đó, việc xắn tay cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện TPHCM tiến bước là rất quan trọng, đảm bảo TPHCM phát triển không chỉ so sánh với các thành phố lớn ở khu vực Đông Nam Á mà còn so sánh với nhiều thành phố khác ở châu Á. Muốn như vậy thì trên dưới một lòng cùng nhau hợp tác, hỗ trợ, phát triển.
4 tác dụng lớn từ cơ chế đặc thù
Tại hội nghị Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu báo cáo tóm tắt kết quả quan trọng bước đầu sau 1 năm thực hiện Kết luận 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội. Sau hơn 1 năm thực hiện, nhiều nội dung, đề án liên quan đã được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.
Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP và các sở - ngành xây dựng 23 nội dung, đề án. Hiện nay, HĐND TP đã ban hành nhiều nghị quyết để triển khai các nội dung, đề án thực hiện Nghị quyết 54. Đồng thời, Ban cán sự đảng UBND TP tiếp tục chỉ đạo UBND TP xây dựng, lấy ý kiến các cơ quan hoàn thiện 10 nội dung, đề án trình HĐND TP trong năm 2019.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu báo cáo tóm tắt kết quả quan trọng bước đầu sau 1 năm thực hiện Kết luận 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội. Ảnh: VIỆT DŨNG. |
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá các hoạt động thông tin tuyên truyền được tổ chức với nhiều hình thức hiệu quả, tạo ấn tượng và lan tỏa rộng trong xã hội. “Việc tổ chức thực hiện các nội dung đề án theo Nghị quyết 54 của Quốc hội đã có 4 tác dụng lớn”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét.
Đó là sự nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của TP trong quyết định phân bổ ngân sách TP, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nhóm A sử dụng ngân sách TP, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp… Điều này rất có ý nghĩa vì đã tạo điều kiện cho thành phố giải quyết nhanh, sát thực hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn.
Liên quan đến việc ủy quyền của Chủ tịch UBND TP cho Chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc các sở làm cho các quyết định được thực hiện gần cơ sở hơn, nhanh hơn, vì vậy có hiệu quả thực tế cao hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi cùng các đại biểu TPHCM tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG. |
“TPHCM có quy mô dân số gấp 6 lần mức bình quân cả nước nên khối lượng công việc, văn bản đến Chủ tịch UBND là quá lớn. Việc ủy quyền cho cấp dưới thực hiện sẽ giúp các quyết định gần dân hơn, giải quyết công việc của người dân được hiệu quả hơn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Mặc khác, khi TP chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước mà thành phố đã khuyến khích, tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc sáng tạo, hiệu quả hơn. Đồng thời, việc ban hành mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt đã tạo điều kiện quan trọng để thành phố thu hút đội ngũ này cho phát triển thành phố.
Tuy vậy, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, quá trình triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội vẫn còn hạn chế, một số nội dung, đề án thực hiện chậm so với kế hoạch. Nguyên do một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động, quyết liệt trong triển khai thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội trong giai đoạn 2019 - 2020, tạo động lực để thúc đẩy TP phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019.
Khởi đầu tốt đẹp giúp TPHCM hoàn thành nhiệm vụ
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nhấn mạnh TP sẽ kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tiếp tục thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU (năm 2017) của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Cùng đó, TP sẽ tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước và chất lượng hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. Hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ; xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền.
Tiếp tục thực hiện Quy định số 1374-QĐ/TU ngày 1 tháng 12 năm 2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền đi đôi với giám sát quyền lực bằng các quy định, quy chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; đề cao trách nhiệm giải trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng sẽ lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2019 “Năm đột phá thực hiện cải cách hành chính và Nghị quyết số 54 của Quốc hội”, Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI”. Trong đó, cải cách hành chính là khâu đột phá, gắn với phân công trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. ừng phường - xã, quận - huyện, sở - ngành và UBND TP phải có phương pháp phù hợp để ghi nhận khách quan sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan công quyền này, hàng quý phải công bố được kết quả hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
“Trong năm 2019, TPHCM cũng sẽ nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại trực tiếp của cán bộ lãnh đạo, của người đứng đầu trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự. Đặc biệt, TP tập trung giải quyết, tạo đột phá trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, trọng tâm là giải quyết căn bản 12 vụ việc khiếu nại kéo dài”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Ngoài ra, TP sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiệntiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài chính, tài sản công, các dự án đầu tư công, giải ngân đầu tư công của các sở - ngành, quận - huyện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG. |
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, trong năm 2018, TP đã quyết liệt rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai bằng việc thu hồi hàng loạt dự án. Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, TP cũng yêu cầu phải đảm bảo tỷ lệ giải ngân đến cuối năm phải đạt 90%. Nơi nào không đạt tỷ lệ này thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Song, người đứng đầu Thành ủy TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP thực hiện thí điểm quy trình rút gọn trong công tác bồi thường, tái định cư, giao đất theo quy trình mới. Điều này nhằm khắc phục sự chậm trễ trong bồi thường, bàn giao mặt bằng, thúc đẩy tiến độ dự án đầu tư công; đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh đến phong trào thi đua sáng tạo, nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân, tạo thành phong trào sâu rộng góp phần tích cực xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng phân tích, đội ngũ cán bộ đương nhiệm và quy hoạch các chức danh theo quy định của TP khá đông, nhưng chỉ tiêu đào tạo được phân bổ cho TP chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM kiến nghị Ban Bí thư cho phép TPHCM được thí điểm chủ động đào tạo lý luận chính trị trình độ cao cấp tại Học viện Cán bộ TPHCM. Đồng thời, chấp thuận mở rộng đối tượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị đến cán bộ đương nhiệm bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND phường - xã - thị trấn; phóng viên, biên tập viên; cán bộ thuộc khối nội chính (thẩm phán TAND TP, kiểm sát viên VKSND TP, đội trưởng, đội phó thuộc Công an TP...). Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ, buổi làm việc này là khởi đầu tốt đẹp, sẽ hỗ trợ tích cực đối với TPHCM trong việc hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2019 và hết nhiệm kỳ. |
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, đã nêu 13 nhóm nội dung đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gỡ vướng cho TPHCM. Cụ thể:
* UBND TPHCM đề xuất Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ về 3 nội dung:
- Kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương, Thủ tướng Chính phủ xem xét, xác định số lượng công chức năm 2015 của TPHCM được HĐND TP thông qua là 13.049 người (năm 2015 Bộ Nội vụ chỉ giao 8.450 biên chế hành chính) cho phù hợp với tình hình thực tiễn về quy mô dân số, năng suất lao động và tính chất đặc thù của một đô thị đặc biệt. TPHCM thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, đến năm 2021 giảm ít nhất 10% so với năm 2015.
- Kiến nghị Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chấm dứt thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước (HFIC). Đồng thời cho phép UBND TP thí điểm việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp TPHCM.
- Về dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương), UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ - ngành chủ trì, phối hợp TPHCM sớm hoàn thành các thủ tục thẩm định, trình phê duyệt tổng mức đầu tư dự án và ưu tiên bố trí vốn giải ngân cho dự án.
* UBND TPHCM đề xuất Chính phủ 10 nhóm nội dung khác, gồm: - Kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương ban hành nghị định về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM theo khoản 2, Điều 8, Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Trong đó, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì làm việc với TPHCM cùng các bộ ngành liên quan rà soát lại các lĩnh vực có thể phân cấp, tổng hợp, cùng thành phố xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ, nhằm đảm bảo quy định phân cấp mang tính tổng thể.
- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định cơ chế phối hợp giữa TPHCM và các bộ ngành trong việc rà soát sắp xếp lại và xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố.
Trước mắt, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, UBND TP kiểm tra, rà soát nhà đất của các cơ quan, đơn vị đang quản lý sử dụng trên địa bàn TPHCM để thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo nghị định của Chính phủ.
- Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định (thay thế Nghị định số 24 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và Nghị định 37 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện) để TPHCM sớm thực hiện đồng bộ, thống nhất với Nghị quyết 18 của Trung ương (về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả).
- Trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư kiến nghị xem xét, điều chỉnh điều kiện bố trí vốn khởi công mới cho các dự án; kiến nghị phần vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công hằng năm được phép giải ngân theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài.
- Về lĩnh vực tài chính - ngân sách kiến nghị sớm ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; về định giá tài sản trong tố tụng hình sự; kiến nghị bãi bỏ quy định về khung giá đất tối thiểu, tối đa (để TPHCM xây dựng bảng giá đất tiệm cận với giá chuyển nhượng trên thị trường tránh thất thu thuế); kiến nghị sớm ban hành nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô công...
- Về lĩnh vực xây dựng, cho phép UBND TPHCM được chỉ định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; chỉ đạo các bộ ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể, thống nhất xác định danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở; cho phép thành lập thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị (sở sáp nhập từ lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng và Quản lý trật tự đô thị).
- Lĩnh vực giao thông kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TPHCM và cho phép TPHCM tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; cho phép chuyển đổi công năng, quy hoạch toàn bộ 1.800m cầu cảng tại khu cảng Sài Gòn - Khánh Hội thành cảng hành khách phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các tuyến du lịch.
- Lĩnh vực Du lịch kiến nghị xem xét miễn visa cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha) và mở rộng diện thị thực miễn visa cho một số thị trường quốc tế khác; tăng thời hạn lưu trú ở Việt Nam đối với khách đến từ các nước Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Hàn Quốc, Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha… (từ 15 lên 21 hoặc 30 ngày); miễn visa đối với khách quốc tế tái nhập cảnh vào Việt Nam trong thời hạn 30 ngày.
- Về xác định ranh khu đất khoảng 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt phạm vi, ranh giới, diện tích khu vực 4,39 ha để TPHCM triển khai các chính sách bồi thường, hỗ trợ cho 321 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng, nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất của người dân khi triển khai thực hiện.
- Kiến nghị một số nội dung đối với các dự án cụ thể ngoài quy định theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Cụ thể, dự án 1.330 căn hộ tại Khu dân cư 38,4 ha phường Bình Khánh (quận 2) cho phép TPHCM không mua lại quỹ nhà, chủ đầu tư tiếp tục phát triển dự án nhà ở thương mại và TPHCM sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường để thu tiền sử dụng đất. Dự án “Khu phức hợp thông minh” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đề xuất cho phép TPHC giảm quy mô dự án (từ 10 lô đất, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,11 tỷ USD giảm còn 6 lô đất, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu USD) vì các lô còn lại đang vướng giải phóng mặt bằng.