TP HCM: Lên đề án huy động 20.000 tỷ đồng trong dân để phát triển giao thông
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến. |
Không có vốn sẽ dẫn đến khiếu nại, phạt tiền
Báo cáo tại đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) cho biết, trong năm 2017 TP có kế hoạch giải ngân hơn 26.000 tỷ đồng. Số liệu thống kê cho thấy đến hết tháng 7 TP đã giải ngân được khoảng 13.000 tỷ, đạt 50,5%.
Trong số này, vốn ODA do Trung ương cấp đạt 72%, vốn ngân sách Trung ương đạt 22%, vốn ngân sách TP đạt 51%.
Cũng theo Sở KH&ĐT, hiện nhu cầu vốn ODA cho các dự án trên địa bàn vào khoảng 7.700 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn được phân bổ về chỉ đạt 50%.
Đại diện sở cho rằng, với nguồn vốn như trên TP rất khó triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các dự án đang thi công để kịp đưa vào sử dụng, thậm chí điều này còn ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài và gây ra khiếu nại, phạt tiền… vì chậm thanh toán.
Để giải quyết tình trạng trên, Sở KH&ĐT cho biết đã tham mưu UBND TP kiến nghị Trung ương bổ sung vốn từ nguồn ODA hơn 3.600 tỷ đồng. Số tiền này dự tính sẽ dùng xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn hai.
Tuy vậy, trong một phiên họp mới đây Bộ KH&ĐT cho rằng hiện tuyến metro số 1 chưa hoàn thành điều chỉnh dự án nên không thể bổ sung vốn.
Lý do là công trình này đã tăng vốn từ 17.400 tỷ lên 47.300 tỷ nhưng chưa được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Đề cập đến vấn đề này sau đó, ông Tuyến cho rằng sở dĩ công trình tăng vốn là vì phát sinh thêm nhiều hạng mục mới. Để giải quyết vướng mắc, hiện TP đã giao chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội.
Ông cũng nhắc lại rằng TP đang phải ứng vốn để thanh toán cho các nhà thầu, vì vậy những đơn vị liên quan cần hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý, đồng thời đẩy nhanh tiến độ làm việc với bộ, ngành liên quan để có vốn.
Tuyến metro số 1 vẫn đang thi công khi điều chỉnh quy hoạch tổng thể chưa được duyêt. |
Giải ngân không xong sẽ xem xét trách nhiệm chủ tịch quận, huyện
Cũng tại cuộc họp này, nhiều quận cho biết tiến độ giải ngân hiện chưa đạt 50%, mà lý do là gặp phải những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là những quận có tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đi qua.
Chỉ đạo giải quyết, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu nhanh chóng thông qua đơn giá bồi thường cho người dân.
Ông nhấn mạnh rằng metro là công trình lớn, rất quan trọng của TP nên các đơn vị phải nỗ lực hoàn thành, chính vì vậy cần điều chỉnh những điểm chưa hợp lý trong định giá, bồi thường.
Thậm chí ông Tuyến tỏ ý không hài lòng vì các nơi cứ đùn đẩy qua lại việc duyệt đơn giá.
“Quyết thì không quyết, nhưng trình lên cũng không trình. Có vướng mắc gì thì phải báo cáo sớm để tìm giải pháp” – ông nói.
Nhắc đến Sở Tài chính – đơn vị đứng đầu hội đồng thẩm định giá, ông Tuyến yêu cầu nơi này rà soát nhân sự, trường hợp thiếu sẽ bổ sung, còn yếu phải thay thế.
Ngoài ra ông yêu cầu Sở Nội vụ sớm có ý kiến về phân cấp, ủy quyền cho địa phương trong vấn đề này để giảm áp lực cho TP.
Theo ông, cần xem lại cách làm của những nơi đã được phân cấp nhưng không thực hiện, đồng thời cũng “động viên” các địa phương phải mạnh dạn nhận trách nhiệm mới.
Vị Phó chủ tịch TP yêu cầu các quận, huyện phải giải ngân 100% vào cuối năm, và nơi nào không thực hiện được thì trách nhiệm thuộc về thủ trưởng sở ngành, chủ tịch quận huyện.
Ông Tuyến thừa nhận rằng hiện nay TP đang rất thiếu vốn, trong khi nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, do đó TP đang xây dựng đề án nhằm huy động 20.000 tỷ đồng trong dân để đầu tư vào lĩnh vực này.