|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng tài sản của Vietjet tăng gần 900 tỷ đồng sau kiểm toán

20:27 | 10/04/2023
Chia sẻ
Theo báo cáo tài chính kiểm toán mới được công bố, tổng tài sản của Vietjet tại ngày 31/12/2022 là 68.037 tỷ đồng, tăng 890 tỷ so với báo cáo tự lập trước đó. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm gần 44% tổng tài sản.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, Vietjet có tổng tài sản hơn 68.000 tỷ đồng tại ngày cuối năm 2022, tương đương khoảng 3 tỷ USD. (Ảnh tư liệu: Song Ngọc).

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022. Theo quy định thông thường, hạn chót để nộp báo cáo này là ngày 31/3/2023. Tuy nhiên, Vietjet đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị cho hoãn công bố đến ngày hôm nay 10/4/2023.

Lý do mà Vietjet đưa ra là: Ngành hàng không phục hồi nhanh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của COVID-19 đã dẫn đến tình hình thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng tại các cảng hàng không và đối tác quốc tế của Vietjet.

Công ty đã cố gắng gửi thư xác nhận công nợ để phục vụ việc kiểm toán báo cáo tài chính 2022 nhưng đến ngày 31/3, Vietjet vẫn chưa nhận được đầy đủ thư phản hồi theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH PwC Việt Nam.

Đối thủ lớn nhất của Vietjet là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) cũng có văn bản đề nghị được hoãn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Đến hôm nay 10/4, Vietnam Airlines vẫn chưa thể công bố báo cáo này, cũng chưa đưa ra hạn chót mới cụ thể.

Những thay đổi giữa báo cáo trước và sau kiểm toán

Theo báo cáo tài chính kiểm toán vừa được công bố, tổng tài sản của Vietjet tại ngày cuối năm 2022 là 68.037 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 890 tỷ đồng so với báo cáo tự lập hồi tháng 1.

Khoản mục có biến động lớn nhất trên bảng cân đối kế toán của Vietjet là phải thu ngắn hạn, từ mức 26.929 tỷ đồng trước kiểm toán lên 29.730 tỷ đồng sau kiểm toán, tương ứng thêm hơn 2.800 tỷ. Biểu đồ bên dưới cho thấy phải thu ngắn hạn là loại tài sản lớn nhất của Vietjet tại ngày cuối năm 2022 cũng như 2021.

Phải thu ngắn hạn là khoản mục tài sản lớn nhất của Vietjet.

Trong khi giá trị phải thu ngắn hạn tăng thêm hơn 2.800 tỷ sau kiểm toán thì giá trị phải thu dài hạn lại giảm đi 883 tỷ đồng. Ngoài ra, các tài sản ngắn hạn khác và tài sản dài hạn khác cũng đi xuống tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng.

Bên phía nguồn vốn, nợ ngắn hạn giảm 405 tỷ nhưng nợ dài hạn và vốn chủ sở hữu tăng thêm 1.295 tỷ, như thể hiện trong bảng thống kê dưới đây. Do vậy, tổng nguồn vốn tăng thêm 890 tỷ đồng sau kiểm toán, giống như tổng tài sản.

Nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính của Vietjet thay đổi sau kiểm toán.

Trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, các khoản mục cũng có một số thay đổi như doanh thu thuần tăng từ 39.342 tỷ trước kiểm toán lên 40.142 tỷ sau kiểm toán, tương đương thêm 800 tỷ đồng. Lỗ gộp giảm từ 2.167 tỷ còn 1.993 tỷ, lỗ sau thuế từ 2.171 tỷ tăng lên 2.262 tỷ.

2022 là năm thua lỗ nặng nhất trong lịch sử của Vietjet. Giải trình của công ty cho biết kết quả kinh doanh năm vừa qua đi xuống do chí phí nhiên liệu bay lên cao, đạt bình quân 130 USD/thùng, làm tăng chi phí vận hành.

Bên cạnh đó, Vietjet còn tốn nhiều chi phí cho hoạt động đảm bảo kỹ thuật tàu bay trong năm 2022 sau giai đoạn phong tỏa vì COVID-19, đúng lúc giá các phụ tùng, thiết bị và động cơ tàu bay tăng đáng kể do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vietjet có lãi trong năm 2020 và 2021 nhưng báo lỗ vào năm 2022.

Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022 chỉ còn âm 2.293 tỷ đồng, khả quan hơn đáng kể so với mức âm 6.550 tỷ của năm trước. Các khoản phải trả tăng mạnh thêm 9.835 tỷ đồng, triệt tiêu tác động của đà tăng các khoản phải thu.

Trong năm vừa qua, Vietjet thu về 29.658 tỷ đồng từ đi vay, đồng thời chi ra 26.178 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, tương ứng với lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 3.480 tỷ. Năm 2021, dòng tiền tài chính dương 6.393 tỷ, một phần nhờ việc bán cổ phiếu quỹ trị giá 2.349 tỷ đồng.

Cổ phiếu VJC kết phiên 10/4 ở mức giá 102.300 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa 55.407 tỷ đồng.

Đức Quyền - Song Ngọc