|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng Giám đốc VIMC: 2023 là một năm rất khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, để có lãi đã là tốt rồi

14:26 | 20/04/2023
Chia sẻ
Tổng Giám đốc VIMC dự báo, 2023 là một năm rất khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội nên công ty không đặt mục tiêu gia tăng lợi nhuận lên hàng đầu mà thay bằng mở rộng thị phần và tăng doanh thu bên ngoài hoạt động cốt lõi. Theo đó, VIMC dự kiến thành lập thêm một công ty vận tải có vốn góp 1.200 tỷ đồng để phục vụ kinh doanh.

Sáng 20/4, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023. Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Năm 2023, VIMC đặt chỉ tiêu 13.354 tỷ đồng doanh thu giảm 13%, lợi nhuận trước thuế là 2.330 tỷ đồng giảm 24% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng Giám đốc VIMC cho rằng, trước khi xây dựng kế hoạch năm 2023 trình cổ đông, công ty đã cân nhắc rất nhiều. Vì cổ đông nào cũng mong muốn lợi nhuận năm nay cao hơn năm trước nhưng trong kinh doanh sẽ có lúc thăng lúc trầm, không phải giai đoạn nào cũng thuận lợi.

 Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng giám đốc VIMC. (Ảnh: Hoàng Dung).

“Tôi đánh giá, 2023 là một năm rất khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, để có lãi đã là tốt rồi. Năm nay, chúng tôi không đặt mục tiêu gia tăng lợi nhuận lên hàng đầu, song, có những mục tiêu cần phải kiên trì, làm bằng được như mở rộng thị phần, tăng doanh thu bên ngoài hoạt động cốt lõi”, ông Tĩnh nhấn mạnh.

Về sản lượng vận tải biển, công ty dự kiến đạt 17,7 triệu tấn, giảm 18% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng sẽ giảm ở các đơn vị như VIMC Shipping, Bisco, Vinaship do thị trường vận tải biển năm nay dự báo khó khăn, nhu cầu vận chuyển giảm, lượng tàu đóng mới xuất xưởng nhiều và một số đơn vị có kế hoạch bán tàu.

Đối với sản lượng khối cảng biển, VIMC lên kế hoạch 134,6 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ. Công ty cho biết, lượng tăng sẽ ở các cảng: cảng Hải Phòng (tăng 3,2 triệu tấn), cảng Quy Nhơn (tăng 1,4 triệu tấn) và khối cảng liên doanh (tăng 3,7 triệu tấn).

Theo ông Tĩnh, trong thời gian tới, công ty sẽ nhanh chóng mở rộng thị phần để tăng doanh thu. Vì "làm ăn bây giờ rất khó, để kiếm được một container về cảng là điều không dễ khi các cảng ngày càng nhiều. Trong khi đơn vị làm dịch vụ ngày càng gia tăng, cạnh tranh khốc liệt”, Tổng giám đốc VIMC nhấn mạnh.

Trong năm 2023, công ty mẹ VIMC dự kiến mua 1.000 vỏ container (500 container mới loại 40’HC và 500 container mới loại 20’HC) và đầu tư 2 tàu container 1700-2200 TEU để phục vụ hoạt động kinh doanh.

 Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC VIMC.

Về phương án phân phối lợi nhuận, công ty cho biết sẽ không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2022 do bù đắp lỗ luỹ kế của các năm trước và lỗ luỹ kế đến thời điểm 31/12/2022 là âm 217 tỷ đồng. Đồng thời, không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2021 do bù đắp lỗ luỹ kế và lỗ luỹ kế đến ngày 31/12/2021 là âm 870 tỷ đồng.

Dự kiến thoái vốn tại ba doanh nghiệp

Thông tin tại đại hội, lãnh đạo VIMC cho biết năm nay, công ty sẽ thoái vốn tại ba doanh nghiệp gồm: CTCP Vận tải Biển Hải Hải Âu (26,46% vốn); CTCP Hàng hải Sài Gòn (10,15% vốn); Công ty TNHH Vận tải Hàng công nghệ cao (56% vốn) với tổng giá trị dự kiến thu về là hơn 43 tỷ đồng.

 Nguồn: Tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Ngoài ra, công ty dự kiến góp vốn thành lập CTCP Container VIMC với tổng giá trị vốn góp khoảng 1.235 tỷ đồng bằng tài sản là giá trị phần vốn tại VIMC Đình Vũ, 2 tàu container, lô vỏ container trị giá 1.041 tỷ đồng và bằng tiền mặt là 20% giá trị đầu tư 2 tàu container mới trị giá 40 triệu USD.

Còn Cảng Sài Gòn và Dự án Mép Hạ, VIMC sẽ bổ sung thêm vốn với số tiền lần lượt là 69 tỷ đồng, 113 tỷ đồng.

Thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2025

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông công ty đã thông qua đề án "Cơ cấu lại VIMC giai đoạn 2021 - 2025". Công ty cho biết sẽ tiếp tục hoạt động trong ba lĩnh vực chính gồm cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics.

Về lĩnh vực vận tải biển, công ty sẽ thực hiện thanh lý 24 tàu với tổng trọng tải khoảng 617.000 tấn (DWT); đầu tư 4 tàu container từ 1.700 - 2.200 Teus và 8 tàu hàng khô trọng tải đến 60.000 tấn (DWT).

Dự kiến đến năm 2025, đội tàu của VIMC có tổng số 40 tàu, tổng trọng tải khoảng 1,2 triệu tấn. Trong đó, đội tàu container đạt trọng tải khoảng 200.000 tấn DWT (13.000 - 16.000 TEU), tương đương 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam.

 ĐHĐCĐ thường niên 2023 của VIMC. (Ảnh: Hoàng Dung).

Đối với lĩnh vực cảng biển, công ty sẽ phát triển hệ thống cảng cho tàu trọng tải lớn; nghiên cứu đầu tư các cơ sở hạ tầng cảng biển tại các vị trí mới; nâng cấp, mở rộng đầu tư với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu và đầu tư chiều sâu nhằm tăng năng lực khai thác và cạnh tranh.

Trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải, VIMC dự kiến hợp tác với các đối tác để đầu tư, triển khai các dự án ICD, Depot, trung tâm phân phối, trung tâm logistics tại các khu vực Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TPHCM.

Đồng thời, công ty sẽ sắp xếp, thoái vốn, chuyển đổi, thành lập mới các doanh nghiệp như: Chấm dứt hoạt động đối với 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc, thoái giảm vốn hoặc phát hành thêm cổ phiếu để giảm tỷ lệ vốn góp của VIMC tại 7 doanh nghiệp thành viên...

Sau thoái vốn, giảm vốn và thành lập, sắp xếp lại doanh nghiệp, số lượng các doanh nghiệp có vốn góp của VIMC giảm từ 35 đầu mối (34 doanh nghiệp và 1 khoản đầu tư, không tính các doanh nghiệp đang thực hiện giải thể, phá sản) xuống còn 27 doanh nghiệp. Trong đó, công ty con giảm từ 19 xuống còn 14 doanh nghiệp, công ty liên kết và các khoản đầu tư khác giảm từ 16 xuống còn 13 doanh nghiệp. Số lượng các đơn vị hợp tác phát triển của VIMC giảm từ 7 đơn vị xuống còn 3 đơn vị.

Hoàng Dung

Giá vàng tăng nóng, chuyên gia cảnh báo rủi ro kép khi mua vàng giá cao
Giới chuyên gia cho rằng việc mua vàng thời điểm này “cực kỳ rủi ro” vì nhà nước sẽ có nhiều biện pháp kéo giá vàng trong nước gần hơn với thế giới. Vì thế, lúc đó, ai mua giá cao sẽ chịu thiệt hại kép từ chênh lệch mua - bán (khoảng 2 triệu đồng/lượng) và việc NHNN có biện pháp can thiệp để hạ nhiệt giá.