|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tổng cục Thủy sản: Giá tôm khả năng tiếp tục phục hồi trong các tháng tới

17:18 | 10/07/2018
Chia sẻ
Sau nhiều tháng ảm đạm, giá tôm hiện đang có dấu hiệu phục hồi. Tổng cục Thủy sản dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ được cải thiện trong thời gian tới, khi Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và một số quốc gia khác đã qua thời điểm thu hoạch rộ. 
gia tom se tiep tuc phuc hoi trong cac thang toi Giá tôm thẻ chân trắng có dấu hiệu phục hồi
gia tom se tiep tuc phuc hoi trong cac thang toi Giá tôm ở Bến Tre xuống thấp khiến nông dân lo lắng

Theo Trung tâm Thông tin Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), 6 tháng đầu năm, thị trường tôm sú tương đối ổn định.

Tôm sú ướp đá nguyên liệu loại 30 con/kg có giá 170.000-190.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 140.000-150.000 đồng/kg , khá ổn định kể từ đầu năm. Giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh nhưng hiện đang có dấu hiệu cải thiện.

Giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, giá tôm giảm khoảng 20-30% tùy cỡ. Cụ thể, giá tôm chân trắng cỡ 60-70 con/kg giảm 20.000 đồng/kg so với tháng 3, xuống còn 110.000-120.000 đồng/kg; cỡ 100-110 con/kg cũng giảm 15.000-20.000 đồng/kg, xuống còn 85.000-90.000 đồng/kg.

gia tom se tiep tuc phuc hoi trong cac thang toi
Giá tôm khả năng tiếp tục phục hồi trong các tháng tới.

Sang tháng 5, giá tôm không cải thiện mà tiếp tục giảm tại các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu…

Tại Sóc Trăng, tôm chân trắng loại 100 con/kg khoảng 70.000-80.000 đồng/kg, tôm chân trắng loại 60 con/kg có giá rất thấp, xấp xỉ 100.000 đồng/kg. Thậm chí, giá tôm chân trắng tại Bến Tre còn được nhận định là thấp nhất trong vòng 5 năm qua (giảm hơn 30.000 đồng/kg so với năm 2017).

Trước tình trạng giá tôm nguyên liệu giảm sâu gây tâm lý hoang mang cho người nuôi, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn kiến nghị các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu tôm lên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Vũ Văn Tám.

VASEP kiến nghị Chính Phủ có biện pháp tăng cường kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất tôm Ấn Độ và Ecuador qua Cảng Hải Phòng để vào Trung Quốc nhằm hạn chế tối đa tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động này. Đề xuất này đồng thời nhằm kéo các khách hàng Trung Quốc quay lại mua tôm Việt Nam.

VASEP cho hay, qua tìm hiểu các nguồn thông tin không chính thức, hiện nay Trung Quốc đang chuyển qua mua nhiều hơn tôm Ấn Độ và Ecuador mà theo họ là có cỡ tôm lớn và giá rẻ.

Nguyên nhân giá tôm giảm được cho chủ yếu là do tồn kho ở các thị trường còn lớn trong khi nhu cầu tiêu thụ không được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, nguồn cung tôm lớn do các nước được mùa cũng gây sức ép đối với giá tôm. Việc các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador được mùa khiến nguồn cung thế giới tăng 15%. Ngoài ra, Trung Quốc chuyển hướng tiêu thụ tôm cỡ nhỏ nhiều hơn cũng là nguyên nhân khiến giá tôm trên thế giới giảm.

Theo tính toán của VASEP, xuất khẩu tôm trong quý II chững lại do giá tôm giảm. Sau khi tăng trưởng 20,2% trong quý I, đến quý II, xuất tôm ước đạt 868,7 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, đến tháng 6, giá tôm chân trắng có dấu hiệu phục hồi. Tôm cỡ 100 con/kg tăng từ 70.000 đồng lên 80.000 đồng/kg. Với mức giá này, các hộ nuôi tôm có lãi 5.000-10.000 đồng/kg. Tôm nguyên liệu tăng giá giúp các hộ nuôi tôm có lãi sau nhiều tháng thua lỗ. Tại Bạc Liêu, giá tôm chân trắng loại 100 con/kg đã tăng 10.000 đồng/kg (đạt 80.000 đồng/kg); loại 20 con/kg có giá 194.000-196.000 đồng/kg; loại 60 con/kg giá 105.000-106.000 đồng/kg.

Tổng cục Thủy sản dự báo giá tôm nguyên liệu khả năng cải thiện trong thời gian tới, khi Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và một số quốc gia khác đã qua thời điểm thu hoạch rộ. Nhu cầu tăng lên từ các thị trường nhập khẩu sẽ khiến giá tôm dự kiến tăng vào khoảng tháng 8 năm nay. Bên cạnh đó, việc người dân hạn chế thả nuôi, làm giảm nguồn cung, cũng khiến giá tôm nguyên liệu có thể tăng trong các quý tiếp theo.

Trong bối cảnh giá tôm như hiện nay, để giữ vững nguồn cung và thích ứng với thị trường, các hộ nuôi được khuyến cáo không nên bỏ ao, mà duy trì thả nuôi (tôm chân trắng, tôm sú) với mật độ thưa hơn giúp giảm thiểu rủi ro, kéo dài thời gian nuôi, chờ đến khi giá tôm hồi phục. Người nuôi tôm cần áp dụng công nghệ mới, nuôi theo chuẩn quốc tế, tập trung sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị (từ vật tư đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm) để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản xuất.

Đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ tết quan trọng cuối năm 2018. Vì vậy, dự báo giá tôm sẽ tăng trở lại thời gian tới. Doanh nghiệp được khuyến cáo tập trung phát triển mặt hàng giá trị gia tăng, chất lượng cao để xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp vì các sản phẩm này bán được giá cao hơn và thị trường tiêu thụ ổn định hơn.

Xem thêm

Đức Quỳnh