|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tín hiệu thuận cho kế hoạch IPO Vinalines

14:25 | 03/06/2018
Chia sẻ
Những đánh giá thuận chiều của Bộ Tài chính đối với phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của “ông lớn” ngành hàng hải.
tin hieu thuan cho ke hoach ipo vinalines Vinalines 'chốt' phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng trong tháng 8
tin hieu thuan cho ke hoach ipo vinalines Vinalines mua tàu 661 tỉ, sau 10 năm xin bán 89,6 tỉ cắt lỗ
tin hieu thuan cho ke hoach ipo vinalines

Thuận chiều

Bộ Tài chính đã dành sự đánh giá “phù hợp” đối với hầu hết nội dung quan trọng nhất trong phương án cổ phần hóa (CPH) Vinalines được xây dựng theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Bộ Tài chính là một trong 4 bộ, ngành đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến về phương án CPH Vinalines trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (3 bộ còn lại là Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội).

Tại Công văn số 5824/BTC-TCDN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đánh giá phương án CPH Vinalines được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4/2018 là phù hợp với quy định hiện hành. Bộ này cho rằng, quy mô vốn điều lệ của Vinalines sau CPH là 14.046 tỷ đồng, cao hơn giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán tại thời điểm tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp (11.946,058 tỷ đồng).

Theo đó, Tổng công ty phải thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, với tổng giá trị cần phát hành thêm là 2.100 tỷ đồng. Tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn tại công ty cổ phần là 65%, tương ứng giá trị cổ phần theo mệnh giá 10.000 đồng là 9.129,937 tỷ đồng, thấp hơn giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. Để đảm bảo tỷ lệ vốn nhà nước tại công ty cổ phần đạt 65% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng, việc bán bớt vốn là cần thiết.

“Việc Bộ GTVT lựa chọn hình thức CPH là kết hợp bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ là phù hợp với quy mô vốn điều lệ và tỷ lệ vốn nhà nước tại công ty cổ phần đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Hiếu cho biết.

Phương án CPH Vinalines được Bộ GTVT trình Chính phủ vào tháng 4/2018 được hiệu chỉnh sau khi Chính phủ có văn bản yêu cầu hoàn chỉnh phương án CPH Tổng công ty theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, thay vì Nghị định số 59 về chuyển DNNN thành công ty cổ phần (phương án tháng 12/2017).

Điểm nhấn quan trọng nhất trong phương án này là Bộ GTVT xác định, Nhà nước sẽ nắm 65% vốn điều lệ, tương đương 912.993.770 cổ phần tại Vinalines. Số cổ phần còn lại sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược là 207.896.970 cổ phần, tương đương 14,8% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên là 2.293.900 cổ phần, tương đương 0,16% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn 0,04% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, Vinalines muốn đem bán đấu giá công khai 280.921.160 (tương đương 20% vốn điều lệ) qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Lượng cổ phần bán đấu giá này tăng gấp 5 lần so phương án tháng 12/2017 (20%/4,84%), dẫn tới tỷ lệ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược giảm tương ứng từ 30% xuống còn 14,8%. Mặc dù vậy, nếu thắng đấu giá toàn bộ lượng cổ phần chào bán ra công chúng, nhà đầu tư chiến lược vẫn có thể sở hữu khoảng 34,8% vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển lớn nhất tại Việt Nam.

Bước chạy nước rút

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược phát triển và Truyền thông cho biết, ngoài Bộ Tài chính, đến thời điểm này, 3 bộ, ngành còn lại cũng đã gửi ý kiến của mình tới Văn phòng Chính phủ. “Về cơ bản, các bộ, ngành đều đánh giá phương án CPH của Vinalines là phù hợp với quy định hiện hành, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và có tính khả thi cao”, ông Hải cho biết.

Tính đến ngày 31/12/2017, khối vận tải biển do Vinalines sở hữu cổ phần bao gồm 10 doanh nghiệp với tổng giá trị đầu tư là 1.520 tỷ đồng. Đội tàu toàn Tổng công ty là 91 chiếc, trọng tải 1,85 triệu DWT. Khối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng biển của Vinalines là 15 đơn vị với tổng vốn đầu tư của Vinalines là 6.861 tỷ đồng.

Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH trước tháng 6/2018, Vinalines sẽ không bị lỡ kế hoạch chuyển đổi hoạt động hoạt động đã đề ra là IPO vào tháng 8/2018 và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trước tháng 10/2018. Đây đều là những đường găng tiến độ mà Vinalines không thể lùi, bởi theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, trong vòng 4 tháng kể từ ngày quyết định phê duyệt phương án CPH, doanh nghiệp phải hoàn thành việc bán cổ phần.

Bên cạnh đó, tại Điều 15, Thông tư 127/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Bộ Tài chính quy định thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp CPH của cơ quan có thẩm quyền đảm bảo cách thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp tối đa không quá 6 tháng đối với trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản và không quá 9 tháng đối với trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu và các phương pháp khác.

Theo đại diện Vinalines, để không vi phạm quy định về thời hạn chuyển đổi, trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH, Tổng công ty đang triển khai các công việc liên quan đến IPO và lựa chọn nhà đầu tư. Vinalines sẽ tiếp tục lựa chọn Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn cung cấp dịch vụ tư vấn trình tự thủ tục IPO; xây dựng hồ sơ đăng ký đấu giá cổ phần tại HNX; các bản thuyết trình cho các buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư trước các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Mặc dù vận tải biển chưa thoát khỏi suy thoái, nhưng Vinalines nắm trong tay cổ phần của nhiều công ty kinh doanh có lợi nhuận cao trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ hàng hải. Kết quả kinh doanh của các công ty con này được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Vinalines, góp phần giảm lỗ của mảng vận tải biển.

Bên cạnh việc quyết định giữ quyền chi phối tại Công ty mẹ, Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép Vinalines nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng. Vinalines sẽ được tiếp tục duy trì nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, đồng thời thoái vốn tối đa tại các doanh nghiệp vận tải biển.

“Các cảng biển với giá trị tiềm năng trong cả ngắn hạn và dài hạn sẽ làm tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư khi CPH Công ty mẹ”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines khẳng định.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Minh