Hồi cuối tháng 8, sau loạt bình luận của người đứng đầu Bộ Năng lượng Arab Saudi về sự “mất kết nối” giữa các yếu tố cơ bản và giá dầu thực tế, nhiều quan chức OPEC+ khác đã lên tiếng rằng tin giả đang tạo ra các luồng thông tin sai lệch trên thị trường.
Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn hôm 22/8 cùng Bloomberg, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, nhận xét: “Thị trường dầu mỏ giao sau và thị trường vật chất đang ngày càng trở nên mất kết nối hơn”.
Vị bộ trưởng nhấn mạnh: “Tình trạng biến động có hại gần đây đã làm xáo trộn các chức năng cơ bản của thị trường và làm suy yếu sự ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu”.
Theo ông, thị trường giao sau đã “rơi vào một vòng luẩn quẩn với tính thanh khoản rất mỏng và biến động cực mạnh”. Điều này làm suy yếu chức năng định giá của thị trường, đồng thời làm cho chi phí phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư vật chất trở nên lớn hơn.
Rắc rối nói trên có tác động tiêu cực đến hoạt động trơn tru và hiệu quả của thị trường dầu mỏ, hàng hoá năng lượng và các hàng hoá khác. Nó tạo ra các loại rủi ro và bất ổn mới, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói tiếp.
“Vòng luẩn quẩn này được khuếch đại bởi những câu chuyện không có căn cứ về hiện tượng nhu cầu bị phá huỷ (demand destruction), tin tức lặp đi lặp lại về sự trở lại của một lượng nguồn cung lớn và sự mơ hồ về tác động tiềm tàng của các kế hoạch cấm vận, giới hạn giá dầu”, ông bày tỏ.
Ba ngày sau, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Libya - ông Mohamed Oun, khẳng định tình trạng biến động mạnh gần đây trên thị trường năng lượng “phần lớn là kết quả của những tin tức và tin đồn thất thiệt về nhu cầu và nguồn cung dầu mỏ toàn cầu”.
Ông Oun cho rằng tin giả đã và đang phát đi “những tín hiệu sai lệch cho tất cả những người tham gia thị trường”.
Sau đó, Bloomberg tiếp tục đưa tin rằng các thành viên OPEC+ khác như Iraq, Algeria, Bahrain, Kuwait, Guinea Xích đạo và Venezuela, cũng đã đưa ra các tuyên bố tương tự.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã nhấn mạnh cam kết của OPEC+ về việc ổn định các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ, hàm ý về các đợt cắt giảm sản lượng khi cần thiết.
Ông nói: “Chúng tôi có thể đưa ra hướng dẫn về các đợt cắt giảm sản lượng bất cứ lúc nào và dưới các hình thức khác nhau, tương tự như những gì liên minh đã thể hiện nhiều lần trong hai năm 2020 và 2021.
Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ bắt tay vào xây dựng một thoả thuận sản lượng mới sau năm 2022… Chứng kiến tình trạng biến động giá khủng khiếp thời gian gần đây sẽ chỉ củng cố quyết tâm của chúng tôi”.
Kết quả là, tại cuộc họp hồi đầu tháng 9, OPEC+ đã nhất trí giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày trong tháng 10 tới - đánh dấu lần đầu tiên liên minh này hạ sản lượng trong năm nay.
Bất chấp việc OPEC+ cảnh báo về nạn tin giả gây hại cho thị trường, Standard Chartered lưu ý rằng “khi các bộ trưởng dầu mỏ nói về tình trạng biến động, đôi khi họ chỉ hàm ý về việc giá dầu đang giảm”.
Standard Chartered cho rằng việc OPEC+ bày tỏ sự quan ngại chủ yếu là để kéo giá dầu đi lên. Kể từ đầu tháng 6, giá dầu Brent đã tụt hơn 20% do nhà đầu tư lo ngại về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu và khả năng Iran bơm thêm dầu ra thị trường nếu thoả thuận hạt nhân được tái ký.
Từ quan điểm của Standard Chartered, khả năng nhu cầu đang suy yếu không hẳn là sai lầm, như lời các bộ trưởng OPEC+ đã tuyên bố.
Báo cáo của ngân hàng này cho thấy, mức độ biến động giá dầu Brent trong 30 ngày tính tới thời điểm hiện tại chỉ ở mức 44% - một con số “không phải là đặc biệt cao” và trên thực tế cũng chỉ cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4 điểm %.
Một trường hợp điển hình là nhu cầu xăng dầu của Mỹ - vốn chiếm khoảng 9% nhu cầu toàn cầu. Theo Standard Chartered, nhu cầu xăng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã suy yếu trong 5 tháng liên tiếp.
Chỉ số “bull - bear” của Standard Chartered dành cho thị trường dầu mỏ Mỹ đã giảm 10 trong 12 tuần qua. Điều này cho thấy “các yếu tố cơ bản rõ ràng đã yếu đi thấy rõ trong quý II và quý III so với quý I năm nay”.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu của Standard Chartered kết luận rằng các yếu tố cơ bản - chứ không phải tin giả - mới là động lực chính thúc đẩy giá dầu.
Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tin-gia-hay-cac-yeu-to-co-ban-dieu-gi-dang-thuc-day-gia-dau-2022918173112269.htm
In bài biếtBản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/