|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng trưởng tín dụng mới hơn 7%, có nên bơm vốn bằng mọi cách?

16:37 | 01/11/2023
Chia sẻ
Dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã ở trong các nước cao nhất thế giới, theo các chuyên gia việc bơm vốn bằng mọi cách để đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa hẳn là phương án tối ưu nhất, nó có thể gây ra nhiều hệ lụy.

Linh hoạt hỗ trợ thanh khoản, cho phép cơ cấu lại nợ, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi được ban hành, hàng chục hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức,... cho thấy nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế của ngành ngân hàng là rất lớn. 

"Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng chậm cập nhật đến ngày 27/10 đã tăng 7,1% so với cuối năm ngoái", thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng công bố trong cuộc họp Quốc hội sáng 1/11.

So với mức kế hoạch đặt ra vào đầu năm là 14% thì tới thời điểm hiện tại khi hơn 2/3 chặng đường đã qua, mức thực hiện chỉ đạt một nửa. 

 

Tín dụng tăng quá chậm là thực tế đã được ghi nhận ngay từ đầu năm 2023, có cải thiện đôi chút vào quý III nhưng lại chậm lại trong tháng đầu quý IV.

Các nhà phân tích của HSBC cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm tín dụng và thương mại, đây là một khó khăn đối với tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng giảm kể từ tháng 11/2022 và vẫn chưa có dấu hiệu chạm đáy.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại, giới chuyên gia phân tích cho rằng mục tiêu 14% năm nay là khó khả thi. Tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chỉ đạt khoảng 12%, do thị trường bất động sản trầm lắng, xuất khẩu giảm tốc, hoạt động sản xuất gặp khó khăn…

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý IV/2023 do NHNN thực hiện cho biết tỷ lệ các TCTD nhận định, nhu cầu vay vốn của khách hàng “cải thiện” trong quý III/2023 đã thấp hơn so với quý II trước đó, cũng như thấp hơn với kỳ vọng của kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,4% trong quý III/2023 và tăng 12,5% trong năm 2023.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng mặc dù lãi suất có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều so với kỳ vọng. Điều này khiến các ngân hàng rơi vào tình trạng dư thừa vốn.

"Tăng trưởng tín dụng năm nay rất khó để đạt mục tiêu 13 - 15%, tối đa chỉ có thể đạt khoảng 9 - 10%", ông dự báo.

Tín dụng/GDP đã ở mức cảnh báo, không nên bơm vốn bằng mọi cách

 

 

Để kích cầu tín dụng, ngày 22/10, Thủ tướng đã ban hành công điện yêu cầu NHNN tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế, bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động. Trong đó yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Tuy nhiên theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, việc cắt giảm lãi suất để đẩy tín dụng vào nền kinh tế chỉ hiệu quả khi tổng cầu của nền kinh tế đủ mạnh để hấp thụ được sự mở rộng của hoạt động sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp có thể thấy được sự mở rộng kinh doanh là khả thi về góc độ thị trường.

Bơm vốn bằng mọi cách để đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa hẳn là phương án tối ưu nhất. Nó có thể gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là về rủi ro gia tăng nợ xấu do áp lực phải giải ngân vốn bằng mọi cách, áp lực phải hạ chuẩn tín dụng để đưa vốn ra thị trường.

Đồng quan điểm, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, chia sẻ tại hội nghị mới đây  cho rằng tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác.

Bên cạnh đó, hiện dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã ở trong các nước cao nhất thế giới và đã được Ngân hàng Thế giới cảnh báo. 

Theo thống kê, năm 2015, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam là 89,7% thì năm 2016 là 97,6%, năm 2017 là 103,5%, năm 2018 là 102,9%, năm 2019 là 110,2%, năm 2020 là 114,3%, năm 2021 là 113,2%, năm 2022 là hơn 125%. 

 Nguồn: NHNN.

Nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB cũng đã khuyến nghị Việt Nam không nên để mức tín dụng trên GDP ở mức quá cao do điều này có thể ảnh hưởng tới các chỉ số an toàn về kinh tế vĩ mô, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn và cũng như khiến nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng.

"Nhấn mạnh vào tăng trưởng tín dụng, nguồn vốn ngân hàng sẽ dẫn đến tâm lý coi tín dụng là chìa khoá của tăng trưởng và là giải pháp cho mọi vấn đề của nền kinh tế. Nó cũng dẫn đến tâm lý phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng và làm trì hoãn các nỗ lực nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu và các kênh huy động vốn khác", ông Lê Duy Bình từng nhận định.

Diệp Bình