|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tìm cách kéo giảm cước vận tải đường bộ

06:43 | 30/08/2016
Chia sẻ
Bộ GTVT vừa yêu cầu rà soát chi phí để kéo giảm cước vận tải đường bộ.
tim cach keo giam cuoc van tai duong bo

Cước vận tải đường bộ cao một phần do xe phải chạy rỗng đẩy chi phí đầu vào tăng cao - Ảnh: Ngô Vinh

Thiếu kết nối khiến tỷ lệ xe chạy rỗng cao, quy mô doanh nghiệp nhỏ trong khi vẫn phải đáp ứng các điều kiện về kinh doanh vận tải, các chi phí đầu vào chưa hợp lý... khiến cước vận tải đường bộ đang ở mức cao. Trước thực tế này, Bộ GTVT vừa yêu cầu rà soát chi phí để kéo giảm cước vận tải đường bộ.

Xe chạy rỗng làm tăng 30% chi phí

Báo cáo Bộ GTVT về việc rà soát các chi phí vận tải, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, các yếu tố hình thành cước vận tải đường bộ là: Nhiên liệu (35-50%), nhân công (15-20%), phí cầu đường (10-15%), vật tư, phụ tùng (khoảng 7-10%). Ngoài ra, những năm gần đây còn phát sinh thêm phí bảo trì đường bộ và một số tuyến đường tăng phí cầu đường do các dự án BOT. Muốn giảm được cước vận tải, phải giảm được các yếu tố “đầu vào” này.

"Các doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ để quản lý chặt nhiên liệu, lái xe, phương tiện hiệu quả hơn. Nhà nước cũng cần tính tới lộ trình giảm thuế nhập khẩu phương tiện kinh doanh vận tải để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí vận tải nói riêng, chi phí lưu thông hàng hóa nói chung”.

Ông Nguyễn Văn ThanhChủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Lý giải vì sao chi phí vận tải đường bộ ở Việt Nam cao, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN có nhiều nguyên nhân như: Các đơn vị vận tải chủ yếu không có mạng lưới kinh doanh rộng, không có công cụ hỗ trợ để tìm kiếm khách hàng dẫn đến phương tiện phải chạy rỗng một chiều làm tăng chi phí cho một đơn vị sản lượng vận tải. Theo khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, khoảng 70% số chuyến xe vận tải hàng hóa chạy rỗng một chiều làm chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ tăng thêm khoảng 30%.

Theo thống kê những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng xe tải cỡ nhỏ còn lớn hơn xe cỡ lớn. Điều này chứng tỏ hàng hóa vẫn được vận chuyển số lượng lớn bằng các xe tải nhỏ có chi phí cao hơn. Đặc biệt, đến nay, mặc dù các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ nhưng bộ máy quản lý vẫn phải đáp ứng theo quy định về điều kiện kinh doanh khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tính trên đầu phương tiện vận tải lớn. Bên cạnh đó, một lượng lớn cácphương tiện kinh doanh vận tải quá cũ, làm tăng chi phí vận tải do chi phí sửa chữa đột xuất, mức tiêu hao nhiên liệu tăng, thời gian vận tải bị kéo dài và tiềm ẩn rủi ro TNGT cao. Một nguyên nhân nữa là do việc bố trí các bến xe hàng, đầu mối gom và phân phối hàng hóa chưa được quan tâm. Thời gian xe chờ gom hàng kéo dài cũng ảnh hưởng đến khả năng quay vòng phương tiện.

Lý giải thêm nguyên nhân chi phí vận tải còn cao, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, vấn đề nằm ở việc năng suất vận tải hiện đang rất thấp. Sở dĩ có tình trạng này do hạ tầng giao thông, cơ chế quản lý chưa minh bạch dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh như: Chở hàng quá tải, xe dù, xe trá hình… ảnh hưởng đến việc khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao quy mô, năng lực quản trị. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp do chưa có sự quản trị tốt dẫn đến tăng chi phí đầu vào, từ đó tác động đến giá cước vận tải.

tim cach keo giam cuoc van tai duong bo

Phát triển sàn giao dịch vận tải hạn chế xe chạy rỗng là một trong những biện pháp làm giảm cước vận tải đường bộ - Ảnh: K.Linh

Giải pháp nào giảm chi phí?

Để kéo giảm cước vận tải đường bộ, theo bà Phan Thị Thu Hiền, trước tiên cần rà soát giảm khoản mục đầu vào. Cần nghiên cứu giảm một số loại chi phí như: Một số loại phí, thuế nhập khẩu cho phương tiện, chi phí nhiên liệu... chưa hợp lý.

“Hiện thị trường kinh doanh vận tải bằng xe ô tô rất manh mún với trên 70% đơn vị kinh doanh vận tải là nhỏ lẻ, dưới 5 xe, trình độ quản lý và tính liên kết thị trường yếu. Vì vậy, cần minh bạch thị trường vận tải và nâng cao hiệu quả quản lý của các doanh nghiệp vận tải ô tô để giảm giá thành vận tải. Để làm được điều này cần có sự định hướng, ban hành quy định về phân hạng doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải có quy mô phương tiện lớn, cơ cấu tổ chức bài bản, có thương hiệu”, bà Hiền nói và cho biết, cần đẩy mạnh phát triển các sàn giao dịch vận tải để tạo thị trường kết nối giữa người vận chuyển và người có nhu cầu vận chuyển, hạn chế các chuyến xe rỗng. Sàn giao dịch vận tải phải kết nối tất cả các phương thức vận tải để khai thác hợp lý vận tải đa phương thức.

“Tới đây cần xây dựng hệ thống bến xe hàng, các đầu mối thu gom và phân phối hàng hóa có quy mô tại các đô thị lớn, các trung tâm sản xuất hoặc tiêu thụ hàng hóa”, bà Hiền cho biết.

Bàn về giải pháp giảm chi phí vận tải, ông Tạ Công Thuận, Giám đốc Sàn giao dịch vận tải hàng hóa đầu tiên tại Việt Nam - Vinatrucking cho biết: “Thực tế hoạt động của sàn giao dịch vận tải cho thấy lợi ích rất rõ. “Nếu giao dịch qua sàn và đảm bảo có cả hàng chiều đi lẫn chiều về, có thể giảm tới 30% chi phí. Chẳng hạn, một chuyến xe container 40 fit chiều Lạng Sơn vào Bình Thuận nếu giao dịch qua sàn, có cả hàng chiều đi lẫn chiều về, chi phí một chuyến hành chỉ khoảng 40 triệu đồng. Trong khi nếu chỉ có hàng một chiều, mức giá thường đến 60 triệu đồng/chuyến”, ông Thuận nói và cho biết thêm, việc kết nối được các phương thức vận tải cũng được coi là giải pháp quan trọng.

“Một chuyến hàng về cảng nếu có ngay phương tiện vận chuyển chờ nhận hàng đưa về nội địa thay vì phải điều xe từ chân hàng đến cảng để vận chuyển sẽ giảm bớt được rất nhiều chi phí, cả về thời gian lẫn tiền bạc”, ông Thuận giải thích thêm.

Đề xuất giải pháp giảm chi phí vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, cốt lõi là làm sao nâng cao được năng suất vận tải, hệ số quãng đường, hệ số trọng tải. Vì thế, cần phát huy, nâng cao hiệu quả của các sàn giao dịch vận tải, nâng tốc độ xe chạy để tăng khả năng quay vòng phương tiện và tạo cơ chế để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, không để tình trạng xe chở quá tải, xe khách chạy dù, trá hình xe tuyến cố định như hiện nay.

Ngoài ra, theo ông Thanh, các doanh nghiệp phải tự thay đổi, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để đảm bảo ATGT, không để xảy ra tai nạn gây phát sinh chi phí, giảm chi phí cho bộ máy doanh nghiệp.

Theo Ngọc Anh - Đình Quang

Báo Giao thông