Tiêu thụ than nội địa sẽ không đạt kế hoạch năm, vì sao?
Tiêu thụ than nội địa sẽ không đạt kế hoạch năm 2017. (Ảnh: Reuters) |
Tiêu thụ than nội địa khó đạt kế hoạch năm nay vì chính sách của Chính phủ và thời tiết
TKV cho biết đã sản xuất được 29,3 triệu tấn than nguyên khai trong 10 tháng đầu năm 2017, tương đương 81,5% kế hoạch năm nay. Sản lượng than tiêu thụ đạt 26,9 triệu tấn, tương đương 74,7% kế hoạch năm với doanh thu bằng 82% kế hoạch năm.
Trong cùng kỳ, Tổng Công ty Đông Bắc đã sản xuất được 4,3 triệu tấn than nguyên khai, tương đương 86% kế hoạch năm 2017. Sản lượng than tiêu thụ đạt 5,6 triệu tấn, cũng tương đương 86% kế hoạch năm với doanh thu bằng 83,9% kế hoạch năm.
Dự kiến cả năm 2017, TKV chỉ tiêu thụ được 33,5 triệu tấn, giảm 2,5 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm; trong khi Tổng Công ty Đông Bắc dự kiến tiêu thụ 6,3 triệu tấn, tương đương 97% kế hoạch năm.
Thông tin trên được hai công ty đưa ra trong buổi làm việc mới đây giữa Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng và Đoàn công tác của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ninh về cơ chế chính sách định hướng phát triển bên vững ngành than.
Cả hai công ty cho biết tiêu thụ than không đạt kế hoạch năm vì từ đầu năm 2017, chính sách của Nhà nước đối với ngành than có sự thay đổi, đại diện của TKV cho biết.
Cụ thể, Chính phủ cho phép các nhà máy nhiệt điện chạy than chủ động trong việc lựa chọn nhà cung cấp. Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm thu xếp nguồn than để cung cấp cho nhà máy theo quy định. Nói cách khác, TKV hay Tổng Công ty Đông Bắc chỉ đóng vai trò là một trong những kênh cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện.
Một nguyên nhân khách quan khác khiến việc tiêu thụ than bị chậm là, diễn biến thời tiết, đặc biệt là quý III rất phức tạp, mưa bão xảy ra trên diện rộng gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Các nhà máy điện chạy than huy động công suất thấp do EVN huy động tối đa thủy điện và nhiệt điện khí.
Đề cập đến việc giải quyết vấn đề tồn kho than, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ xây dựng cơ chế điều hành giá than theo thị trường gắn với đảm bảo an ninh năng lượng, điều hành xuất khẩu than theo chương trình dài hạn đối với các chủng loại than trong nước không dùng hoặc tiêu thụ không hết, cải cách thủ tục cấp phép khai thác.
Nhu cầu tiêu thụ than những năm tới vẫn tăng
Cũng trong buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, sản xuất than hiện chủ yếu cung ứng cho nhiệt điện, nên trong những năm tới, nhu cầu sử dụng than vẫn tăng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết xu thế sử dụng năng lượng tái tạo sẽ ngày càng phát triển, đòi hỏi ngành than phải có chiến lược phát triển bền vững, đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ, thực hiện tăng năng suất, giảm giá thành, đảm bảo an toàn trong sản xuất...
Xét trên thế giới, Thứ trưởng cho biết than cung cấp cho sản xuất điện chiếm 60- 80%. Ở nước ta trên 80% sản lượng than trong nước cung cấp cho điện. Xu hướng tỷ trọng sản xuất điện năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… ngày càng gia tăng. Mặt khác, do quan ngại ảnh hưởng về môi trường nên nhiều nước thay đổi mạnh về chính sách phát triển năng lượng.
Tuy nhiên, đối với châu Á và các nước khu vực ASEAN, xu hướng phát triển nhiệt điện than vẫn tồn tại, bên cạnh nhà máy điện khí và khai thác tối ưu tiềm năng thủy điện và năng lượng tái tạo.