|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiết kiệm gần 2.500 tỷ đồng ngân sách nhờ thẩm định dự án năm 2016

20:49 | 18/05/2017
Chia sẻ
Sau khi thẩm định thiết kế các dự án và công trình trong năm 2016, Bộ Xây dựng cắt giảm được 2.480 tỷ đồng, trong đó có 895 tỷ đồng tiền đầu tư dự án (từ ngân sách nhà nước) và 1.585 tỷ đồng tiền dự toán cho các công trình.
giam duoc gan 2500 ty dong ngan sach nho tham dinh du an nam 2016
Tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thiết kế do Bộ Xây dựng thẩm định khoảng 17,5%, do các địa phương thẩm định khoảng 26,4%... Ảnh minh họa.

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 113/2015/QH13 về hoạt động giám sát chuyên đề cho biết, Bộ Xây dựng đặc biệt tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng và xử lý nghiêm các sai phạm.

Kết quả cho thấy, năm 2016, Bộ Xây dựng và các địa phương đã thẩm định thiết kế 1.204 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tổng mức đầu tư trước khi thẩm định là 49.631 tỷ đồng; sau khi thẩm định, con số này còn 48.736 tỷ đồng. Như vậy, giá trị cắt giảm tổng mức đầu tư là 895 tỷ đồng (tương đương với 1,8%).

Việc thẩm định thiết kế, dự toán cũng được thực hiện với 4.587 công trình. Tổng giá trị dự toán trước thẩm định khoảng 31.562 tỷ đồng, giá trị cắt giảm sau khi thẩm định là 1.585 tỷ đồng (tương đương 5,02%). Tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thiết kế do Bộ thẩm định khoảng 17,5%, do các địa phương thẩm định khoảng 26,4%...

Trong năm 2016, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng kiểm tra chất lượng 359 công trình cấp I và cấp đặc biệt. Còn quý I/2017, Bộ đã tổ chức kiểm tra 78 công trình, các công trình kiểm tra và được nghiệm thu cơ bản đảm bảo chất lượng, tuân thủ quy định hiện hành...

Bộ triển khai được 92 đoàn thanh tra (đạt 110% kế hoạch); ban hành 88 Kết luận thanh tra, 34 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Quý I/2017, Bộ cũng triển khai 37/90 đoàn thanh tra theo kế hoạch năm 2017 và1 đoàn thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo.

Kết quả thanh tra phát hiện nhiều vi phạm trong các lĩnh vực như chậm ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; quản lý cấp giấy phép xây dựng thiếu chặt chẽ dẫn đến xây dựng sai phép; kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện năng lực về tài chính, huy động vốn của người mua không đúng quy định; xây dựng vượt tầng theo quy hoạch…

Ngoài kiến nghị sửa đổi và hoàn thiện cơ chế, Bộ Xây dựng còn đề nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền 4.663 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 6,2 tỷ đồng.

Báo cáo nhấn mạnh, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành việc lập, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng; công tác thẩm định thiết kế dự án, dự toán xây dựng, kiểm tra việc nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác đã góp phần nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát trong đầu tư xây dựng...

Tuy nhiên, một số công trình xây dựng chất lượng còn thấp, chủ yếu là công trình có quy mô nhỏ hoặc công trình vốn ngoài nhà nước do tư nhân quản lý. Nguyên nhân do việc kiểm tra về quản lý chất lượng công trình tại một số địa phương còn hạn chế; năng lực quản lý dự án của một số chủ đầu tư còn yếu; một số quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật hiện hành không còn phù hợp; thiếu chế tài, hướng dẫn về cưỡng chế thực hiện kết luận thanh tra...

Linh Lê