\"Tiếp tục rà soát hàng cá nóc tồn kho để xuất khẩu đúng quy định\"
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát, thống kê cụ thể các doanh nghiệp có hàng cá nóc tồn kho sản xuất trong thời gian thí điểm, số lượng tồn kho của từng doanh nghiệp... Trên cơ sở kết quả rà soát, thống kê, quy định pháp luật hiện hành, xem xét, quyết định cho phép doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu hết lượng hàng tồn kho này đảm bảo đúng quy định.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Y tế, Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cá nóc để xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu cá nóc.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ đã nêu trên phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ về cách nhận biết cá nóc, tác hại của cá nóc, độc tố cá nóc và không để xảy ra các vụ ngộ độc cá nóc.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), trong tháng 9 năm nay, nhu cầu tiêu thụ cá nóc trên thị trường giảm sút đã khiến giá cá nóc giảm mạnh, người nuôi tại Trà Vinh đang thua lỗ nặng.
Mặc dù trước đó, các ngành chức năng ở Trà Vinh đã liên tục khuyến cáo không nên mở rộng diện tích nuôi cá nóc vì loại thủy sản này chỉ tiêu thụ nội địa, cung sẽ vượt cầu, giá cả sẽ xuống thấp dẫn đến thua lỗ.
Đến giữa tháng 9, giá cá nóc thương phẩm loại I chỉ còn 26.000-27.000 đồng/kg, giảm mạnh so với đầu năm còn giá 35.000-40.000 đồng/kg. Trong khi giá thành nuôi 30.000-35.000 đồng/kg, tính ra người nuôi thua lỗ 5.000-8.000 đồng.
Nguyên nhân do đầu vụ ảnh hưởng của nước mặn, nguồn nước nuôi bị ô nhiễm không đảm bảo, phải đóng các cống ngăn mặn làm thiếu nước, người nuôi thả giống trễ vụ và đến nay thu hoạch ồ ạt trong khi sức mua kém khiến người nuôi lâm vào cảnh thua lỗ nặng.
Trước đó, báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), đánh giá Đề án cá nóc trong giai đoạn 2013-2015 là không thành công. Cụ thể, mục tiêu đề ra là xuất khẩu 6.300 đến 6.720 tấn cá sang Hàn Quốc trong cả giai đoạn, nhưng các doanh nghiệp chỉ thực hiện được 112,6 tấn, một con số rất thấp.
Nguyên nhân là do sản lượng khai thác không ổn định, tỷ lệ đáp ứng yêu cầu về loài, kích cỡ, chất lượng rất thấp. Bên cạnh đó, việc hợp tác giữ cơ sở chế biến, xuất khẩu cá nóc trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu của Hàn Quốc không hiệu quả. Phần lớn là do không thực hiện cam kết về việc bao tiêu do chất lượng sản phẩm không đáp ứng được như kỳ vọng
Phía sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh này có lượng tàu khai thác hải sản lớn nhất nước nên sản lượng cá nóc khá nhiều, hơn 100 tấn/tháng. Tuy nhiên, cá nóc vướng vào lưới ngư dân lại rất nhiều chủng loại, trong khi Hàn Quốc chỉ mua có 3 loại, họ lại yêu cầu phải đạt từ 200 g/con trở lên mới mua, trong khi đó ở Kiên Giang có tới 95% là cỡ nhỏ nên sản lượng đạt yêu cầu xuất khẩu khá thấp.
Cũng theo Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, giá thu mua cá nóc xuất khẩu chỉ ở mức 22.000-25.000 đồng/kg.