Tiền ‘nóng’ đổ vào thị trường phái sinh, người trong cuộc nói gì
Nội công, ngoại kích, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam 'hóa rồng' 6 tháng đầu năm |
Thanh khoản tăng bằng lần, chỉ có 5% nhà đầu tư có thể “kiếm ăn”
Kể từ tháng 4/2018, khi thị trường chứng khoán cơ sở bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh. Dòng tiền “đổ” vào thị trường phái sinh ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Quý II/2018, khối lượng giao dịch phái sinh đạt gần 4,19 triệu hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hơn 417.784 tỷ đồng, gấp đôi so với quý I/2018. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch phái sinh đạt gần 5,54 triệu hợp đồng.
Trái với xu hướng mạnh mẽ của dòng tiền, số lượng nhà đầu tư có thể “kiếm ăn” trên thị trường này rất thấp. Gần đây, theo chia sẻ của một lãnh đạo trong ngành chứng khoán, chỉ có 5% nhà đầu tư có thể kiếm lời trên thị trường.
Trước xu hướng trên của thị trường chứng khoán phái sinh, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn các bên gồm chuyên gia, giám đốc kinh doanh CTCK và nhà đầu tư.
Dòng tiền đầu cơ mạnh, chỉ một lệnh lớn có thể làm sai lệch giao dịch
Theo chia sẻ của ông Đỗ Bảo Ngọc (Phó Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam), “Phái sinh là một công cụ phòng ngừa rủi ro, tuy nhiên thời gian gần đây, mục đích này chỉ xếp thứ hai.
Thị trường phái sinh là cơ hội sinh lời cho các nhà đầu cơ. Nhiều nhà đầu cơ đã chuyển giao dịch sang thị trường phái sinh. Đó là lý do vì sao giao dịch phái sinh tăng đột biến trong 2 tháng nay khi thị trường cơ sở có xu hướng suy giảm”.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam |
Thị trường phái sinh giúp nhà đầu cơ có thể sinh lời khi thị trường đi xuống vì họ có thể bán xuống khi có chênh lệch giá. Nhiều nhà đầu cơ giao dịch rất nhiều trong một ngày. Việc kiếm lời trong khoảng ngắn giúp nhà đầu tư phái sinh có lãi trong bối cảnh thị trường cơ sở đi xuống.
Khi nhiều người cùng tham gia sẽ làm biến động thị trường rất là lớn, biến động lớn như vậy sẽ có người được, người mất. Tuy nhiên, yếu tố biến động lớn này chỉ lại là sự hấp dẫn của hoạt động đầu cơ. Nhiều nhà đầu cơ sẵn sàng đối mặt rủi ro đó để kiếm lời nhiều hơn. Theo thống kê, có đến 70 – 90% nhà đầu cơ thua lỗ, chỉ một phần nhỏ có lãi. Vì vậy, công cụ này là một con dao hai lưỡi chứ không hoàn toàn có lợi.
Quy mô thị trường Việt Nam còn rất nhỏ, có những lệnh lớn có thể làm sai lệch các giao dịch, do đó, rủi ro cũng lớn, ông Bảo Ngọc cho biết.
Chưa có chế tài thực sự kiểm soát các đơn vị cung cấp dịch vụ phái sinh
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh, CTCP Chứng khoán VNDirect; Giám đốc Đầu tư Biên An Toàn |
Nhận định về giao dịch trên thị trường phái sinh Việt Nam, theo ông Huỳnh Minh Tuấn (Giám đốc Kinh doanh, CTCP Chứng khoán VNDirect), hiện đang có ba vấn đề chính:
Thứ nhất, những giao dịch lớn từ các “đội lái” có thể làm méo thị trường phái sinh. Do đó, đây không phải là cơ hội kiếm lời cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. “Theo thống kê của tôi, gần như chỉ có 5-7% số lượng nhà đầu tư có thể kiếm lời trên thị trường phái sinh. Tỷ lệ chiến thắng rất là thấp”, ông Tuấn chia sẻ.
Thứ hai, giá hợp đồng đang được chiết khấu mạnh, điều đó cũng khiến chi phí của các nhà đầu tư đang lớn lên.
Cuối cùng, cơ quan quản lý chưa thực sự có chế tài để kiểm soát những các đơn vị cung cấp hệ thống phái sinh này.
Ông Tuấn đưa ra ví dụ, có thể xảy ra hiện tượng chèn lệnh trước, chèn lệnh sau trong giao dịch, khi nhà đầu tư nhỏ lẻ gửi lệnh.
Phái sinh quá nhanh và quá nguy hiểm
Nhà đầu tư T. L. tại Hà Nội cho biết: “Tôi tham gia thị trường phái sinh được 6 tháng nay. Tuy nhiên, giai đoạn này lành ít dữ nhiều. Đặc biệt, khi thị trường phái sinh thanh khoản mạnh từ cuối tháng 6 đến nay, biến động trên thị trường này cũng trở nên mạnh hơn. Trong những phiên ATO, giá hợp đồng tương lai có thể chênh từ 10-20 điểm. Điều này rất rủi ro nếu nhà đầu tư nào giữ vị thế qua đêm.
Rủi ro trên thị trường phái trở nên lớn hơn với những phiên giao dịch biên độ rộng, đặc biệt trong các phiên ATO, ATC. Nguồn: MBS |
Một số phiên, biến động giao dịch kể từ 14h là rất lớn và có thể đảo ngược tình thế hoàn toàn. Vào phiên ATC, có những lệnh “khủng” lên đến cả nghìn hợp đồng, ước tính giá trị hàng trăm tỷ đồng khiến giá hợp đồng tương lai đảo ngược hoàn toàn từ tăng sang giảm hoặc giảm sang tăng, thậm chí có thể giảm sàn.
“Tôi nghi ngờ đó là lệnh từ “cá mập”! Gần đây, tôi chỉ tham gia giao dịch sau 9h30 và đóng vị thế chốt lãi lỗ trước 14h00”, nhà đầu tư T. L. cho biết thêm.
Nhà đầu tư này cho biết thêm, mặc dù có lợi thế hơn thị trường cơ sở là giao dịch T+0, tức là có thể chốt lãi lỗ trong phiên. Tuy nhiên, tỷ lệ ký quỹ 15% và biên độ giao động lớn lại là rủi ro lớn.
“Đặc biệt, với việc mua bán trong phiên, việc mua bán của nhà đầu tư khiến chi phí giao dịch tăng mạnh. Tôi thử nghiệm giao dịch một hợp đồng, thuế và phí lên đến gần 4 triệu đồng trong một tháng, trong khi đó số vốn bỏ ra là 16 triệu đồng. Đây là mức chi phí lớn”, nhà đàu tư T. L. chia sẻ.