|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tiền lệ Đạm Ninh Bình

07:47 | 13/07/2017
Chia sẻ
Có nhiều ý kiến đưa ra về việc Chính phủ không trả nợ thay cho dự án Đạm Ninh Bình đang ngập trong thua lỗ, cũng như tập đoàn Hóa chất (Vinachem) không được bán các tài sản khác hoặc điều chuyển các nguồn vốn khác để trả thay. Liệu có làm được không?
tien le dam ninh binh
Nếu chính phủ trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình e rằng các dự án thua lỗ khác sẽ xin được làm như vậy. Ảnh: TL

Trả nợ thay - một việc không thể khác

Lý do mà dư luận muốn Đạm Ninh Bình phải tự đứng lên trên đôi chân của mình, tái cấu trúc, bán, thậm chí thanh lý, phá sản để trả giá cho dự án thua lỗ ban đầu là vì không muốn tạo tiền lệ xấu cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thua lỗ rồi dùng tiền ngân sách trả thay.

Đạm Ninh Bình là một trong số 12 dự án thua lỗ nghiêm trọng của ngành công thương, nếu trả thay cho Đạm Ninh Bình rất có thể các dự án thua lỗ khác tiếp tục xin làm như vậy.

Song phải nhìn thẳng vào thực tế là Vinachem vẫn buộc phải gánh “cục nợ” Đạm Ninh Bình do chính mình gây ra mà trước mắt không thể đổ cho nơi nào khác. Việc Vinachem trả nợ cho Đạm Ninh Bình từ tháng 1-2014 đến nay bằng các nguồn tiền khác nhau của tập đoàn là đúng quy định về các khoản đầu tư này. Nếu Vinachem ngừng trả hoặc ngừng thu xếp vốn từ nguồn thu của các dự án và các nguồn thu hợp pháp khác, phó mặc cho Đạm Ninh Bình xoay xở mới là đi ngược lại quy định của Nhà nước về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Để hiểu được tại sao lại có chuyện đặng chẳng đừng như vậy, phải hiểu được đầy đủ dự án này được Vinachem đầu tư dưới hình thức nào và khoản vay của Vinachem từ Chính phủ cho dự án Đạm Ninh Bình thuộc dạng vay phải chịu những sự điều chỉnh bắt buộc ra sao.

Thứ nhất là Vinachem đầu tư vào dự án dưới hình thức công ty mẹ - công ty con. Theo đó, Vinachem bỏ 100% vốn công ty mẹ để thành lập Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư là 667 triệu đô la (khoảng hơn 13.000 tỉ đồng). Trong số này thì Vinachem có 100 triệu đô la. Phần còn lại, tập đoàn vay lại của Chính phủ từ nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Eximbank (Trung Quốc) 250 triệu đô la và vay các ngân hàng tại Việt Nam 312,6 triệu đô la nữa.

Cho dù Đạm Ninh Bình được thành lập với tư cách pháp nhân độc lập nhưng dự án này chính là khoản đầu tư lớn nhất của Vinachem. Vinachem đứng ra vay lại của Chính phủ nên phải có trách nhiệm huy động các nguồn tiền để trả cho Chính phủ trong trường hợp Đạm Ninh Bình không có khả năng trả được. Chỉ trường hợp Đạm Ninh Bình tự đi vay vốn, làm ăn thua lỗ thì Vinachem mới không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ nợ cho Đạm Ninh Bình.

Theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Vinachem được quyền huy động vốn để đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp miễn là phương án huy động vốn phải đảm bảo khả năng thanh toán nợ và người phê duyệt phương án phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra để đảm bảo nguồn vốn huy động được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Việc quản lý nợ phải thu và nợ phải trả phải được quản lý bằng quy chế chặt chẽ để sớm phát hiện tình trạng khó khăn, tìm cách giải quyết.

Vinachem không thể đẩy trách nhiệm cho ai. Bộ Tài chính trong văn bản báo cáo chi tiết cho Chính phủ về trách nhiệm trả nợ cũng khẳng định điều này. Nên đề xuất việc công ty mẹ dừng trả nợ cho dự án là điều không thể làm được.

Tương tự, Chính phủ cũng không thể không trả thay cho Vinachem trong trường hợp Vinachem thua lỗ, không trả được. Vì đây là dự án Chính phủ đi vay về cho vay lại. Bên cho vay không cần biết bất kỳ bên thứ ba nào, bên đó có khả năng trả hay không mà chỉ có thể yêu cầu Chính phủ là bên đứng ra vay phải trả. Nếu Chính phủ xin giãn nợ thì hệ số tín nhiệm quốc gia khi vay vốn sẽ bị đánh giá tiêu cực, ảnh hưởng đến việc vay vốn hoặc phát hành trái phiếu chính phủ sau này hết sức nặng nề.

Đề xuất của Bộ Tài chính xử lý trường hợp của Vinachem - Đạm Ninh Bình cũng rất đúng đắn. Chính phủ sẽ không đặt vấn đề giãn, hoãn nợ với phía Trung Quốc (chứ không tuyên bố không trả nợ thay) và yêu cầu Vinachem tập trung mọi nguồn lực để trả nợ nước ngoài. Vì các phân tích tài chính dựa vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp này và của cả Đạm Ninh Bình được ngân hàng BIDV lập đều cho thấy các bên vẫn duy trì được khả năng trả nợ dù làm ăn thua lỗ.

Làm gì với hàng loạt dự án có nguy cơ như Đạm Ninh Bình

Muốn biết liệu có chấm dứt được tình trạng xếp hàng chờ Chính phủ trả nợ thay như dự án của Vinachem thì phải nhìn vào cách Chính phủ xử lý dự án này thế nào.Box phải

Việc ỷ lại vào Chính phủ trả nợ thay do đã có quá nhiều tiền lệ xấu như trường hợp xi măng Hạ Long, dự án bột giấy Phương Nam hay tập đoàn Vinashin. Do vậy, để buộc Vinachem thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trả nợ, Bộ Tài chính đã có đầy đủ căn cứ để khẳng định nơi này không thể “đổ nợ” cho ngân sách là xong.

Thứ nhất là ngay khi Vinachem đề nghị khoanh nợ gốc, nơi này chỉ nêu khó khăn và đề xuất mà không đề cập đến các giải pháp về sản xuất và kinh doanh để đảm bảo năng lực trả nợ cho dự án ở tương lai. Thứ hai, Vinachem cũng không báo cáo đầy đủ về tình hình tài chính của công ty mẹ và Đạm Ninh Bình. Kết quả cho thấy, dù khó khăn, Đạm Ninh Bình vẫn có khả năng duy trì sản xuất để trả một phần nợ ngắn hạn cho Vinachem và các ngân hàng.

Phía công ty mẹ, chỉ tiêu thanh toán hiện thời năm 2016 là 1,16 (lớn hơn 1) đồng nghĩa với trong ngắn hạn tập đoàn vẫn có thể đảm bảo trả nợ đến hạn. Ngoài ra, Vinachem đề xuất khoanh nợ vay nước ngoài nhưng vẫn có kế hoạch trả nợ vay các ngân hàng trong nước như VDB (Ngân hàng Phát triển Việt Nam) và VietinBank...

Vướng mắc của Vinachem là do nơi này vẫn đang tham gia góp vốn đầu tư vào 40 đơn vị và tiếp tục đầu tư mới, dài hạn đối với dự án muối mỏ kali tại Lào (năm 2016 với số vốn lên đến 1.200 tỉ đồng) mà chưa rõ hiệu quả. Nếu thoái vốn tại các dự án và làm rõ hiệu quả đầu tư dự án tại Lào đến đâu thì sẽ có hướng ra xử lý nợ cho dự án Đạm Ninh Bình.

Như vậy có thể nói Đạm Ninh Bình không phải là tất cả các vấn đề của Vinachem. Ở tập đoàn hóa chất, vấn đề đầu tư vào sản xuất kinh doanh, việc sử dụng dòng tiền dàn trải, kém hiệu quả khiến nợ chồng nợ, mất khả năng kiểm soát tài chính mới là nguy cơ hiện hữu.

Không dùng ngân sách cứu các dự án thua lỗ là quan điểm chỉ đạo chung. Vấn đề lớn nhất là phải nhân dịp này rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư mà các DNNN vay lại vốn vay của Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh, xem xét phương án sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến hiệu quả, dòng tiền trả nợ ra sao. Qua đó mới nhìn ra bức tranh tổng thể về tình hình vay nợ của DNNN mà hai năm qua chưa có báo cáo tổng thể chính thức.

Đồng thời, Chính phủ cần có những biện pháp cương quyết yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty chấm dứt đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, bất chấp các văn bản, quy định của Chính phủ từ năm 2008 đến nay. Như việc Vinachem rót vốn vào 40 dự án đầu tư mà không có báo cáo về hiệu quả. Hoặc như trường hợp Chính phủ yêu cầu tập đoàn Dầu khí (PVN) thoái vốn khỏi dự án Xơ sợi Dầu khí từ 56% xuống còn 36% nhưng tập đoàn này không chấp hành mà giữ đến 54% để bị thua lỗ.

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đã có quy định về việc người quyết định dự án đầu tư, xây dựng... phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật nếu quyết định không đúng thẩm quyền hoặc dự án được đầu tư, xây dựng không sử dụng được hoặc sử dụng không hiệu quả. Đã đến lúc phải cụ thể hóa điều khoản này bằng các hình thức xử lý thật nghiêm để các quyết định đầu tư của họ không còn là gánh nặng ngân sách.

Ngọc Lan