'Tiền ảo không thể sống thiếu tiền thật', Việt Nam cần sớm có khung pháp lý về bitcoin
Một số quán cà phê, nhà hàng ở Sài Gòn chấp nhận thanh toán Bitcoin | |
6 điều kiện để được phép tiến hành giao dịch tiền ảo do chính phủ Hàn Quốc đề ra |
Tiền ảo không thể sống được nếu như không có tiền thật nuôi dưỡng
Phát biểu tại buổi trò chuyện 'Bitcoin và làn sóng Blockchain', luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐQT BASICO cho rằng, Việt Nam hiện tại chưa có một bộ khung pháp lý rõ ràng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bitcoin.
Luật sư Đức cho biết, theo quy định luật pháp tài sản sở hữu có 3 loại là vật, tiền và tài sản. Theo ý kiến của ông, bitcoin không thuộc bất cứ hình thức nào theo luật mà có thể coi là một vật phẩm ảo hay ở Việt Nam có thể gọi là tiền ảo. Bản chất, bitcoin không phải là tiền, khái niệm tiền ảo khá đúng với Việt Nam nhưng có thể không đúng với thế giới.
Ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐQT BASICO (Ảnh: NDH) |
Hiện tại vẫn chưa có luật cụ thể nào quy chế về bitcoin, nó không phải phương tiện thanh toán, không phải giấy tờ, tài sản hợp pháp để thanh toán.
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng tiền ảo không thể sống được nếu như không có tiền thật nuôi dưỡng. Do đó việc chuyển tiền ảo từ người này sang người kia, từ nước này sang nước kia cần phải được kiểm soát. Các ngân hàng sẽ phải kiểm soát khi bitcoin được quy đổi sang lượng tiền lớn, rút ra nộp vào liên tục và các hoạt động đáng ngờ liên quan đến hoạt động bitcoin.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ khẳng định bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Cần khung pháp lý để tách những người làm bitcoin bài bản và đối tượng biến tướng
Dưới góc nhìn của người làm tài chính, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Chứng khoán Sài Gòn (Mã: SSI), Chủ tịch HĐQT PAN Group cho rằng, chưa thể coi bitcoin là tiền vì tiền phải cần các ngân hàng trung ương, các quốc gia công nhận và phải có tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, biến động đồng tiền còn phải ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, liên quan đến các đồng tiền khác.
Ông Nguyễn Duy Hưng (Ảnh: NDH) |
Ông Hưng cho rằng, đồng tiền dựa trên blockchain có thể thay thế các đồng tiền hiện tại nhưng tất cả chỉ là công nghệ được ứng dụng trong thanh toán. Hiện nay, phần lớn mọi người đang coi bitcoin là sản phẩm đầu cơ.
Và khi đã là sản phẩm đầu cơ, thì ai là người cầm cục than nóng cuối cùng người đó sẽ nhận rủi ro. Hoạt động đầu cơ quá lớn sẽ đẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi bong bóng này nổ.
Cùng với đó, ông cho rằng đồng tiền dựa trên công nghệ blockchain còn tạo sức hấp dẫn đối với một số quốc gia không minh bạch với chuyển tiền ẩn danh. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần đưa ra giải pháp để có thể biến ẩn danh thành có danh và quản lý việc chuyển tiền.
Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, Nhà nước cần sớm đưa ra giải pháp để giúp phân tách người làm ăn bài bản với người lợi dụng câu chuyện biến tướng thành bán hàng đa cấp, lừa đảo hay thực hiện việc chuyển tiền ẩn danh khó kiểm soát.
Các doanh nghiệp làm bitcoin cần bộ khung pháp lý để định hướng
Dưới góc độ là đơn vị kinh doanh bitcoin tại Việt Nam, đại diện Bitcoin.vn ông Dominik Weil cũng cho biết, vấn đề pháp lý hiện tại cũng rất được các công ty kinh doanh tiền ảo quan tâm.
Ông Dominik Weil từ Bitcoin.vn (Ảnh: NDH) |
Bitcoin.vn đã từng nỗ lực trong việc xin giấy phép kinh doanh sàn bitcoin nhưng ở Việt Nam lại chưa có mô hình phù hợp. Do đó công ty phải chuyển sang mô hình tư vấn đầu tư bitcoin, hay nói cách khác là hoạt động môi giới.
Hiện tại trên thế giới cũng mới chỉ có Nhật Bản và Philippines là có khung pháp lý rõ ràng cho sàn giao dịch bitcoin, tại Hàn Quốc cũng đang cân nhắc vấn đề này.
Đại diện Bitcoin.vn cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm hình thành một khung pháp lý rõ ràng để có thể dựa trên đó hoạt động thay vì làm việc một cách mò mẫm như hiện nay.