|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thủy sản Vĩnh Hoàn đang làm gì với collagen từ cá tra

15:45 | 04/06/2017
Chia sẻ
Doanh thu 2016 của Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn (mã VHC) chỉ đạt 95% kế hoạch. Một trong những lý do chính là doanh thu từ mảng collagen và gelatin (sản phẩm chiết xuất từ cá tra) chưa đạt mục tiêu. Mọi việc dường như khó hơn dự liệu của doanh nghiệp đầu tiên mở cửa thị trường sản xuất collagen ở Việt Nam.

28 tỷ đồng và 138 tỷ đồng

Đây là con số doanh thu thực hiện (28 tỷ đồng) và kế hoạch của năm 2016 trong mảng sản phẩm collagen của Vĩnh Hoàn.

Có nghĩa là, kỳ vọng có được những bứt phá nhanh chóng từ mảng collagen và gelatin của Vĩnh Hòa đã không thành. Năm 2015, doanh thu từ mảng này của Vĩnh Hoàn cũng mới đạt 26 tỷ đồng.

thuy san vinh hoan dang lam gi voi collagen tu ca tra

Vĩnh Hoàn là công ty duy nhất ở Việt Nam sản xuất collagen.

Nhưng, có vẻ các con số này không làm Vĩnh Hoàn nao núng. Năm 2017, một lần nữa, Vĩnh Hoàn lại đặt kỳ vọng vào sự bứt phá của sản phẩm mới này, với mục tiêu doanh thu 118 tỷ đồng, gấp 4,2 lần con số thực hiện của năm 2016.

Nhà máy sản xuất collagen và gelatin với công suất 2.000 tấn/năm do Vĩnh Hoàn sở hữu 90% vốn bắt đầu hoạt động từ năm 2015, sau hơn 1 năm xây dựng. Khi đó, Công ty công bố sẽ kinh doanh collagen trên cả 2 phương diện: bán nguyên liệu và bán sản phẩm với thế mạnh có vùng nguồn nguyên liệu cá đủ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu phế phẩm cho nhà máy.

Đây là điểm rất mới vì trước đó, chưa có doanh nghiệp trong nước nào chiết xuất được collagen, nhất lại là từ da cá tra. Nguyên liệu collagen dùng trong sản xuất collagen đều phải nhập khẩu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản có ý theo dõi hoạt động sản xuất mới của Vĩnh Hoàn để dự liệu cho kế hoạch kinh doanh mới. Bởi vậy, các số liệu doanh thu thấp khá xa so với kế hoạch của Vĩnh Hoàn khiến thị trường có vẻ ngần ngừ trước cơ hội từ sản phẩm mới này.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Phú Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn Collagen lại khá tự tin vào tham vọng đã tuyên bố.

Ông Đức cho biết, năm 2016, Công ty sản xuất được 150 tấn collagen và gelatin và đạt 500 tấn trong năm nay.

“Thị trường càng khó thì Vĩnh Hoàn lại càng có hứng thú phát triển, bởi dù sao, Công ty cũng là đơn vị duy nhất trên thị trường cung cấp mặt hàng này và chủ động, tận dụng được vùng nguyên liệu có sẵn”, ông Đức lý giải.

Cũng phải nói rõ, đây là mặt hàng khá khó khăn trong việc tuân thủ các điều kiện để đạt được các chứng nhận chất lượng quan trọng theo yêu cầu của từng thị trường và khách hàng. Vĩnh Hoàn phải mất 1 năm để hoàn thành các thủ tục và xuất vào châu Âu, 3 năm cho các công ty dược.

“Dù năm ngoái, con số đạt được và mục tiêu đưa ra không như kỳ vọng do không lường được những trắc trở trong các loại giấy tờ và tốn thời gian đợi đối tác thử nghiệm, nhưng chúng tôi tin, năm nay sẽ đạt được kế hoạch”, ông Đức cho biết.

Sau 500 kg sẽ là 50 tấn?

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn cũng lạc quan tương tự khi nhắc tới những đơn hàng mới.

Năm 2016, Vĩnh Hoàn chỉ mới khai thác một lượng khách hàng nhỏ trong danh sách khách hàng tiềm năng. Nên, việc sản xuất và tiêu thụ collagen và gelatin phải tính đường dài chứ không thể nhanh chóng như cá tra hay tôm.

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng thị trường gelatin và gelatin collagen này, với mức trung bình hàng năm 9,4%/năm và được dự báo sẽ đạt 11,15 tỷ USD vào năm 2025, có nhiều lý do để Vĩnh Hoàn đặt nhiều tham vọng lớn.

Thứ nhất, cho tới thời điểm này, Vĩnh Hoàn vẫn là công ty duy nhất ở Việt Nam sản xuất collagen chiết xuất từ nguồn cá tra do Công ty chủ động nguyên liệu. Việc này đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc nguyên liệu được tuân thủ tối đa. Một số doanh nghiệp khác đã bắt đầu tham gia vào thị trường này, nhưng không có nguyên liệu.

Thứ hai, so với sản phẩm collagen chiết xuất từ các loại da khác, như da bò, da heo… thì da cá biển có tính hấp thụ cao, khả năng sinh học tốt, rủi ro thấp trong lây truyền bệnh. Đặc biệt, sản phẩm này không có rào cản tôn giáo, nhất là khu vực có người theo đạo Hồi, nên thị trường rất rộng. Trong khi đó, Vĩnh Hoàn đang xuất khẩu 100% sản phẩm của mình.

Thứ ba, vùng nguyên liệu chính là cá tra thì Vĩnh Hoàn đứng đầu cả nước 6 năm nay. Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Vĩnh Hoàn vừa rồi, Công ty thông báo đã mở rộng các vùng nuôi tự chủ từ 55 - 60% lên gần 65%, nên chi phí nguyên liệu cũng được tiết giảm khá đáng kể so với năm trước.

Theo kế hoạch, Vĩnh Hoàn sẽ tiếp tục mở rộng vùng nuôi lên con số 240, với tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến cho năm 2017 khoảng 500 tỷ đồng.

“Công ty hiện có nguồn vay với lãi suất ổn định và nguồn lợi nhuận để lại khá lớn, nên chưa có kế hoạch huy động thêm vốn”, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm nói.

Đây là thế mạnh mà không phải doanh nghiệp nào trong nước cũng có được. Có lẽ vậy nên bà Tâm không ngần ngại chia sẻ: “Sau các đơn hàng 500 kg sẽ là những đơn hàng 50 tấn”.

Theo tính toán của bà Tâm, khi Vĩnh Hoàn sản xuất và tiêu thụ được 70% công suất nhà máy (khoảng 1.400 tấn), thì Công ty sẽ có lợi nhuận.

Hiện tại, nhà máy mới sản xuất được 30% công suất. Hầu hết các sản phẩm này xuất đến các công ty cung cấp nguyên vật liệu cho các hãng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... hoặc phân phối tới các nhà sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...

“Trước mắt, kết thúc quý I/2017, doanh thu từ collagen và gelatin đạt 700.000 USD. Doanh thu năm ngoái của mảng này khoảng 1 triệu USD và chúng tôi sẽ tăng lên 5 triệu USD năm nay”, bà Vi Tâm cho biết thêm.

Theo báo cáo thường niên của Vĩnh Hoàn năm 2016, dự án này sẽ hoàn vốn vào khoảng đầu năm 2019.

Nhiều thế mạnh, nhưng cũng phải nhắc tới sự xuất hiện của những đối thủ cạnh tranh lớn ngay tại thị trường trong nước.

Thị trường càng khó thì Vĩnh Hoàn lại càng có hứng thú phát triển, bởi Công ty là đơn vị duy nhất trên thị trường cung cấp mặt hàng collagen và tận dụng được vùng nguyên liệu có sẵn.

Tháng 5/2014, Công ty Meiji Amino Collagen, hiện đứng đầu thị trường sản phẩm bổ sung collagen tại Nhật, đã chọn Công ty Dược phẩm Thiên Thảo làm nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền.

Vào tháng 9/2014, Proto-Col, hãng sản xuất sản phẩm chăm sóc và chống lão hóa da của Anh cũng ký kết với đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền là Công ty BCP Field Marketing…

Trong khi đó, một số công ty dược phẩm của Việt Nam cũng đã thâm nhập vào lĩnh vực này, như Công ty Sao Thái Dương tự nghiên cứu và sản xuất bộ sản phẩm collagen Tây Thi, bao gồm kem, nước dưỡng da collagen và thực phẩm chức năng viên uống collagen.

Công ty Dược phẩm Danaphar thì chọn cách nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ, Pháp, Italy để cho ra một loạt sản phẩm như Collagen Cap, Collagen Nano, CollagenSol, Vieskin S. Chính vì phải nhập nguyên liệu, nên giá bán của Danaphar khá cao, ngang ngửa với hàng ngoại nhập.

Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn nhất tính đến nay vẫn là Công ty Thủy sản Bình An (Binhanfishco) với sản phẩm nước uống collagen, nhưng hiện theo công bố thông tin trên web của công ty này thì không thấy đề cập collagen.

Viễn cảnh mà Vĩnh Hoàn đang nhắm tới có lẽ không trải toàn hoa hồng.

Hoàng Phúc