|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thương vụ thâu tóm Ắc quy Tia Sáng (TSB) và bệ phóng cho tham vọng làm pin xe điện của Hoá chất Đức Giang

08:15 | 03/04/2023
Chia sẻ
Chủ tịch của Hoá chất Đức Giang tiết lộ việc mua lại Tibaco nằm trong kế hoạch phát triển pin lithium cho xe điện. Đức Giang có thế mạnh về phốt pho, có thể cung cấp nguyên liệu để Tibaco sản xuất pin lithium phosphate cũng như ắc quy chì.

(Ảnh minh hoạ: Tibaco).

Thương vụ thâu tóm "bí mật" của Hoá chất Đức Giang

CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (Mã DGC) vừa công bố đã hoàn tất mua hơn 3,4 triệu cổ phần của CTCP Ắc quy Tia Sáng (Tibaco - Mã: TSB) qua đó, sở hữu 51% vốn của đơn vị này. Như vậy, kể từ ngày 21/3, Ắc quy Tia Sáng đã trở thành công ty con của Hoá chất Đức Giang. 

Ắc quy Tia sáng có tiền thân là Nhà máy Ắc quy Tam Bạc được thành lập năm 1960, chuyên sản xuất các sản phẩm ắc quy chì - axit.

Năm 2004, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá và đến đầu năm 2011, cổ phiếu TSB chính thức được niêm yết trên sàn HNX. Cuối năm 2022, doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 67 tỷ đồng và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) là cổ đông lớn nhất, sở hữu 51% lượng cổ phần.

Trong tháng 12/2022, Vinachem đã thông báo đấu giá toàn bộ hơn 3,4 triệu cổ phần nắm giữ tại Tibaco với giá khởi điểm là 39.200 đồng/cổ phiếu (gấp 4 lần giá đóng cửa của cổ phiếu TSB ngày 8/12). Kế hoạch thoái vốn này nằm trong đề án Tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017 – 2020 đã được phê duyệt vào năm 2018.

Ngày 3/1/2023, buổi đấu giá đã diễn ra và toàn bộ số cổ phiếu trên được bán cho hai cá nhân với mức giá bằng giá khởi điểm, tương ứng Vinachem thu về gần 135 tỷ đồng từ việc thoái vốn.

Hai cá nhân trúng đấu giá số cổ phần này gồm bà Bùi Thị Hà Thu, mua gần 3,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 45,9% vốn điều lệ (trở thành cổ đông lớn nhất của công ty) và bà Nguyễn Thị Thu Hà mua số còn lại, tương ứng 5,1% vốn điều lệ.

Trong đó, bà Bùi Thị Hà Thu là vợ của ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng Giám đốc Hoá chất Đức Giang.

Đến ngày 21/3, toàn bộ số cổ phiếu do hai cá nhân này sở hữu được chuyển nhượng cho Hoá chất Đức Giang theo hình thức thoả thuận qua sàn chứng khoán.

Tiết lộ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 tổ chức ngày 29/3, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Hoá chất Đức Giang cho biết, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch mua lại phần vốn của Vinachem tại Tibaco trong bí mật vì sợ các đối thủ sẽ tham gia và đẩy giá mua lên cao.

Như vậy, việc hai cá nhân trên tham gia đấu giá và chuyển nhượng cổ phiếu TSB cho Hoá chất Đức Giang có thể đã nằm trong kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp sản xuất ắc quy có trụ sở tại TP Hải Phòng.

Ngoài ra, ngày 1/2, ông Huyền và người thân cũng thực hiện mua thêm 595.900 cổ phiếu TSB, tương ứng 8,8% vốn điều lệ của Tibaco. Đến ngày 8/3, ông Huyền trở thành Chủ tịch HĐQT của Ắc quy Tia Sáng.

Tính đến thời điểm hiện tại nhóm cổ đông liên quan đến ông Đào Hữu Huyền (bao gồm người thân và Hoá chất Đức Giang) đang sở hữu gần 60% cổ phần tại Tibaco.

Giai đoạn, có thông tin thoái vốn của Vinachem với mức giá đấu giá khởi điểm gấp nhiều lần thị giá, cổ phiếu TSB đã có nhiều phiên tăng trần liên tiếp và thanh khoản có sự cải thiẹn so với thời gian trước đó. Kết thúc phiên sáng ngày 30/3, thị giá TSB đang dừng ở mức 38.000 đồng/cổ phiếu. (Nguồn: Tradingview).

Kết quả kinh doanh đi ngang nhiều năm

Trước thời điểm thoái vốn, Tibaco cùng với CTCP Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco – Mã: PAC) là hai công ty con về sản xuất ắc quy của Vinachem (CTCP Pin Ắc quy Vĩnh Phú (Vibaco) là công ty liên kết).

Năm 2022, doanh thu của Tibaco đạt gần 183 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ở mức 3,4 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2021. 

Theo thống kê từ khi lên sàn đến nay, hoạt động kinh doanh của Tibaco không có sự nổi bật khi doanh thu đi ngang khoảng từ 180 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, doanh thu của Pinaco cho thấy có sự tăng trưởng.

Về mặt lợi nhuận, giai đoạn 2019 – 2021, lợi nhuận sau thuế Tibaco đi ngang ở mức 4,5 tỷ đồng, sang năm 2022, lợi nhuận công ty có sự sụt giảm do sự gia tăng về mặt chi phí.

Bên cạnh đó, 5 năm gần đây, biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp cũng khá thấp, chỉ khoảng hơn 2%, các chi phí còn chiếm tỷ lệ khá cao khi so với doanh thu. Trong khi đó, cùng giai đoạn, Pinaco có biên lợi nhuận gộp tương đương Tibaco nhưng biên lợi nhuận ròng lại cao hơn hai lần.

(Nguồn: Đ.N. tổng hợp).   

(Nguồn: Đ.N. tổng hợp).   

 (Nguồn: Đ.N. tổng hợp).   

 (Nguồn: Đ.N. tổng hợp).   

Cuối năm 2022, Tibaco đang có gần 103 tỷ đồng tổng tài sản, không thay đổi đáng kể so với đầu năm. Tài sản chủ yếu của doanh nghiệp là hàng tồn kho gần 58 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng cũng chiếm tỷ trọng lớn với 19 tỷ đồng (chiếm 18,5% cơ cấu tài sản) và công ty phải trích lập dự phòng gần 5 tỷ đồng nợ khó đòi cho khoản này.

Doanh nghiệp có gần 24 tỷ đồng nợ phải trả tại cuối năm 2022, dư nợ vay tài chính chiếm 42% cơ cấu nợ với 10 tỷ đồng (hầu hết là nợ vay ngắn hạn). Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp ở mức 79 tỷ đồng, gồm 7 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

 (Nguồn: Đ.N. tổng hợp).     

Xét về một số chỉ tiêu hiệu suất hoạt động, Tibaco có số ngày hàng tồn kho khá cao (khoảng hơn 120 ngày), mặc dù những năm gần đây đã có sự cải thiện với thời gian trước.

Số ngày thu tiền bình quân của doanh nghiệp cũng cao hơn đáng kể so với số ngày thanh toán bình quân. Giai đoạn 2021 - 2022, số ngày thu tiền bình quân là 36 ngày, gấp 3 lần thời gian phải thanh toán bình quân (12 ngày).

Điều này có thể tác động đến khả năng thanh toán trong ngắn hạn của doanh nghiệp, đặc biệt là khi Tibaco cũng không duy trì tỷ lệ tiền mặt cao trong cơ cấu tài sản. Bên cạnh đó, việc khách hàng chậm trả cũng lý giải một phần việc công ty phải khoản trích lập dự phòng nợ khó đòi cao.

(Nguồn: Đ.N. tổng hợp).    

 Cơ sở nào cho tham vọng làm pin xe điện?

Tại buổi họp ĐHĐCĐ ngày 29/3, Chủ tịch HĐQT Hoá chất Đức Giang cho biết với sự tham gia của công ty, doanh số của Tibaco có thể kỳ vọng chạm được mức 1.000 tỷ đồng/năm. 

Bên cạnh đó, việc sở hữu Tibaco sẽ giúp Hoá chất Đức Giang thực hiện mục tiêu chiến lược là sản xuất pin Lithium, sản phẩm quan trọng trong ngành xe điện, được đánh giá có nhiều tiềm năng trong tương lai. 

Việc nghiên cứu sản xuất pin lithium đã được Đức Giang thực hiện từ cách đây hai năm. Thời gian đầu, doanh nghiệp này từng có sự hợp tác với Vinfast để nghiên cứu, song theo chia sẻ của ông Huyền, Vinfast không có ý định nghiên cứu sâu và tự sản xuất nên sự hợp tác đã không còn.

Ở thời điểm hiện tại, Chủ tịch Hoá chất Đức Giang cho biết, công ty đã nghiên cứu và thử nghiệm pin lithium phosphate. Phía Đức Giang sẽ cung cấp các hợp chất liên quan đến phốt pho cho Tibaco và dự kiến trong quý II năm nay sẽ thực hiện sản xuất những viên pin lithium đầu tiên.

Theo nhận định của ông Huyền, thị trường này rất tiềm năng, có một số doanh nghiệp Trung Quốc đã sang Việt Nam khảo sát để thành lập công ty sản xuất pin lithium xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường Mỹ, châu Âu. Do đó, Đức Giang đã có thế mạnh về chất gốc nên sẽ quyết tâm thực hiện kế hoạch này.

Ngoài ra, Tibaco vẫn sẽ tiếp tục sản xuất ắc quy chì và Đức Giang có thể cung cấp axit sunfuric, do đó việc mua lại Tibaco vẫn có sự bổ trợ cho hoạt động kinh doanh cũng như chiến lược của Tập đoàn.

 McKinsey dự báo nhu cầu pin Li-ion năm 2030 là 4,7 TWh, các thiết bị di động sẽ chiếm phần lớn nhu cầu. (Nguồn: McKinsey). 

Theo một báo cáo của McKinsey, nhu cầu về pin Li-ion (Lithium ion) dự kiến sẽ tăng vọt trong thời gian tới, theo đó, nhu cầu sẽ tăng từ 700 GWh ở năm 2022 lên 4,7 TWh vào năm 2030. Các thiết bị di động như xe điện được dự báo sẽ chiếm phần lớn nhu cầu với khoảng 4,3 TWh trong năm 2030.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể chiếm đến 45% tổng nhu cầu pin Li-ion của thế giới năm 2025 và con số này là 40% trong năm 2030. Tuy nhiên, McKinsey nhận định tốc độ tăng trưởng ​cao nhất sẽ ở khu vực EU và Mỹ do những thay đổi về quy định trong thời gian gần đây (EU đã thông qua quy định cấm bán xe chạy xăng, dầu từ năm 2035).

Với nhu cầu pin Li-ion ngày càng tăng, McKinsey dự đoán doanh thu của toàn bộ chuỗi giá trị ở lĩnh vực này sẽ tăng gấp 5 lần, từ khoảng 85 tỷ USD năm 2022 lên hơn 400 tỷ USD vào năm 2030   

Đồng thời, đơn vị này cho rằng, từ nay đến năm 2030, thế giới sẽ cần xây dựng từ 120 đến 150 nhà máy sản xuất pin để có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

 McKinsey dự báo doanh thu của chuỗi giá trị pin Li-ion năm 2030 sẽ chạm mốc 400 tỷ USD, gấp gần 5 lần năm 2022. Trung Quốc vẫn là quốc gia được dự báo có nhu cầu cao nhất. (Nguồn: McKinsey).  

Đăng Nguyên