|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thuế đường về 0%, thủ phủ trồng mía khóc ròng

15:04 | 24/01/2018
Chia sẻ
Giá đường xuống thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây đã kéo tụt giá thu mua mía nguyên liệu khiến nông dân trồng mía đứng ngồi không yên.
thue duong ve 0 thu phu trong mia khoc rong Giá cà phê hôm nay (24/1) quay đầu giảm, giá tiêu hôm nay biến động nhẹ

Được mùa mất giá

Gia Lai được coi là "thủ phủ" của ngành mía đường tại Tây Nguyên với diện tích canh tác mía nguyên liệu khoảng 40.000ha. Trong đó, những cánh đồng mía lớn tập trung tại các huyện: Phú Thiện, Đắk Pơ, Ayun Pa... Thời điểm hiện tại, hàng trăm hộ dân trồng mía tại đây bắt đầu bước vào vụ thu hoạch niên vụ 2017-2018. Niên vụ mía năm nay được người dân đánh giá năng suất, trữ lượng đường tốt hơn so với các năm trước.

Tuy nhiên, người dân chưa kịp vui mừng đã phải đối diện với điệp khúc "được mùa mất giá". Bởi thời điểm này, giá đường trong nước dao động ở mức 12.000 đồng/kg, thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây. Giá đường xuống thấp kéo theo giá thu mua mía nguyên liệu cũng giảm sút đáng kể khiến người trồng mía đứng ngồi không yên. Tại Gia Lai, giá thu mua mía nguyên liệu trên thị trường chỉ còn 800.000 đồng/tấn mía 10 trữ đường (10kg mía cho 1kg đường) giảm hơn 300.000 đồng so với niên vụ trước.

thue duong ve 0 thu phu trong mia khoc rong
Người dân bước vào vụ thu hoạch mía niên vụ 2017-2018.

Chưa hết, khi hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, những người trồng mía trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả ngành mía đường Việt Nam nói chung sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Cụ thể, theo lộ trình, sau năm 2018, thuế nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0% thay vì 30% như hiện nay.

PV đã tìm đến huyện Phú Thiện nơi có những cánh đồng mía bạt ngàn. Trò chuyện với PV, anh Nguyễn Văn Nhã (45 tuổi, chủ thu mua mía) than thở: "Tình hình đang rất khó khăn. Thực trạng này kéo dài có lẽ người dân bỏ trồng mía chuyển qua canh tác cây trồng khác. Bởi, một ha mía đầu tư công cán, chi phí các khoản dao động từ 35-40 triệu đồng, thu hoạch bình quân 80 tấn/ha. Nếu là trồng mía tơ sản lượng có thể cao hơn tức khoảng 100 tấn /ha, nói tóm lại là năm nay người dân trồng mía thất bát".

Theo anh Nhã, nếu như mọi năm, trừ tất cả chi phí hao hụt, người dân lãi được khoảng 30 triệu/ha. “Thế nhưng, niên vụ năm nay, giá cả èo uột thế này, sau khi trừ các chi phí phân tro, công sức chăm bón, người dân coi như trắng tay.

Loay hoay lời giải

Cách cánh đồng mía của nhà anh Nhã không xa là ruộng mía của gia đình ông Tống Văn Hiền, Trưởng thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện. Thời điểm hiện tại, ông Hiền cũng đang thuê nhân công tất bật thu gom mía. Thế nhưng, trên gương mặt người đàn ông này đầy nỗi âu lo.

Chia sẻ với PV, ông Hiền ngao ngán: “Năm nay, dù năng suất có cao hơn mọi năm thì với mức giá chỉ 600.000 – 800.000 đồng/tấn mía 10 trữ đường, chưa tính phí vận chuyển, bốc vác, phân bón... nông dân coi như không có lãi. Trường hợp ruộng mía đạt năng suất 100 – 120 tấn/ha thì tiền lời cũng chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Còn đối với những ruộng đạt dưới 65 tấn/ha và trồng truyền thống thì sẽ không có lời”.

Được biết, giá mía nguyên liệu do nhà máy thu mua quyết định và phụ thuộc vào trữ đường của mía. Ông Nguyễn Bá Chủ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai cho biết: “Giá mía công ty thu mua theo giá thị trường, đảm bảo để nông dân có lời tái sản xuất. Giá mía tính bằng 60 – 70% giá đường bán ra. Do đó, ở thời điểm hiện tại, do giá đường trên thị trường thấp nên giá mía bị kéo theo”.

thue duong ve 0 thu phu trong mia khoc rong
Giá mía giảm khiến người dân lo lắng.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Bá Chủ, nếu thực hiện đồng bộ cơ giới hóa trên các cánh đồng mía lớn từ khâu làm đất, trồng mới, chăm sóc, thu hoạch... thì người dân sẽ không tốn công sức mà năng suất luôn đạt cao từ 100 – 130 tấn mía/ha. Như vậy, năm đầu tiên, người trồng mía sẽ lãi khoảng 10 - 12 triệu đồng/ha, vụ thứ 2, 3 sẽ lãi 30 - 40 triệu đồng/ha.

Trao đổi với PV về thực trạng trên, một cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện chia sẻ: "Niên vụ 2017-2018, huyện đã định hướng cây trồng chủ lực trên địa bàn là trồng mía nguyên liệu. Tổng diện tích mía toàn huyện nâng lên gần 5.000ha, tăng hơn 1.000ha so với năm ngoái. Thời tiết mưa thuận gió hòa cũng khiến năng suất mía tăng hơn 5 tấn/ha so với mọi năm. Trong đó, những diện tích áp dụng trồng cánh đồng lớn đạt năng suất lên đến 120 tấn/ha.

Tuy nhiên, do giá đường giảm nên giá mía thu mua tại ruộng dao động chỉ khoảng 600.000 - 800.000 đồng/tấn mía 10 trữ đường, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Niên vụ này, mặc dù mía đạt năng suất nhưng giá thu mua quá thấp khiến người dân thất thu”.

Nói về những giải pháp để giảm thiểu rủi ro cho người trồng mía trên địa bàn, ông Mai Ngọc Quý, Phó phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện phân trần: "Khi hội nhập, giá đường sẽ tiếp tục giảm, đồng nghĩa với giá mía nguyên liệu cũng giảm. Do đó, nông dân trồng mía của tỉnh Gia Lai cần hướng đến sản xuất tập trung trên những cánh đồng lớn và áp dụng cơ giới hóa để tăng năng suất cây mía thì mới có lời.

Toàn bộ diện tích đất trồng mía của bà con đã được đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho nên bà con cứ yên tâm gộp đất để trồng mía theo hình thức cánh đồng lớn, cho năng suất cao mà không lo bị mất đất nữa”.

Hồ Nam