Thực tế phũ phàng của Bitcoin
Khó lòng dùng Bitcoin để thanh toán cho những giao dịch thông thường. (Ảnh: Mai Lương) |
Hiện nay một giao dịch bằng Bitcoin phải mất từ 10 phút đến 6 giờ hay hơn nữa để hoàn tất. Có nghĩa giả dụ có một tiệm bán kem chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, bạn đến mua một cốc kem, bấm nút trả tiền thì có thể cả tiếng sau chủ tiệm mới được thông báo tiền bạn trả đã về ví của họ. Lúc đó ắt kem đã chảy tan từ lâu. Thử tưởng tượng đi mua hàng mà phải chờ như thế thì còn gì là chức năng thanh toán của một đồng tiền?
Còn vì sao như thế thì tạm thời chấp nhận cách giải thích: cứ 10 phút thì mọi sổ sách giao dịch Bitcoin mới được gom vào một block rồi các nơi dùng những máy tính mạnh nhất tranh nhau quyền xác thực block đó, ai giành được quyền này đầu tiên sẽ được thưởng Bitcoin (gọi là đào Bitcoin) và hưởng một tỷ lệ phần trăm trên giá trị giao dịch.
Khi giao dịch Bitcoin ngày càng nhiều, dung lượng mỗi block bị hạn chế tối đa 1MB, các thợ đào lại được quyền chọn giao dịch nào để ưu tiên đưa vào block để xử lý thì nút thắt cổ chai ắt sẽ diễn ra. Các giao dịch giá trị lớn, nơi thợ đào còn được hưởng một tỷ lệ hoa hồng phí xử lý cao hơn mới được ưu tiên nên có thể chỉ mất tối đa 10 phút; các giao dịch giá trị nhỏ, cứ treo lơ lửng như vậy nên cả ngày sau mới được xác thực.
Một trong những điều làm nên Bitcoin là không ai có thể sửa đổi các giao dịch đã diễn ra một khi đã được xác thực, nó loại trừ chuyện có 1 đồng mà cứ xách đi mua hàng khắp nơi. Nhưng trong khoảng thời gian chưa xác thực, nếu người bán vội vàng giao hàng thì người mua thoải mái tiêu đi tiêu lại món tiền đó cả chục lần không ai biết. Vì thế mua bán thực bằng đồng Bitcoin đa phần đều phải chờ xác thực rồi thì giao dịch mới có giá trị.
Không thể hiểu nổi một loại đồng tiền mà để được giao dịch nhanh, bạn phải nói với nơi bán tiền cho bạn để nơi này nâng tỷ lệ hoa hồng phí giao dịch lên mới mong được ghé mắt.
Đây là vấn đề rất lớn nên cộng đồng Bitcoin phải tìm mọi cách giải quyết. Theo Bloomberg, các thợ đào thì đòi tăng dung lượng mỗi block lên, hiện nay là 1MB (nên mỗi giây chỉ có thể chấp nhận tối đa 7 giao dịch) tăng lên thành 8MB để giải quyết điểm nghẽn. Nhóm hình thành lên Bitcoin từ ngày đầu lại muốn tách các giao dịch ra nhiều loại, có nghĩa tạo ra nhiều sổ cái chứ không phải chỉ một sổ như hiện nay. Tháng 8 năm nay một nhóm thợ đào thống nhất với nhau tách ra, hình thành loại tiền mới gọi là Bitcoin Cash, trong đó mỗi block có dung lượng 8MB, tạo nên một mầm mống gây chia rẽ. Như vậy khả năng xảy ra bất đồng, lộn xộn trong cộng đồng Bitcoin là rất lớn, ngay cả trong tương lai gần, như Bloomberg tiên đoán, tháng 11 này sẽ có một cuộc chia tách khác.
Điều thứ hai cũng gây nhiều bất ngờ là mức điện tiêu thụ khổng lồ chỉ để ghi nhận các giao dịch, hay gọi cách khác là đào Bitcoin. Đã có người tính, trả bằng Bitcoin so với quẹt thẻ tín dụng, mức năng lượng tiêu thụ nhiều gấp 3.000 lần. Còn theo Digital Trends, một giao dịch Bitcoin tốn đến 163 KWh, tức bằng lượng điện một gia đình Mỹ xài trong 5,5 ngày! Toàn bộ lượng điện dân đào Bitcoin đang xài bằng lượng điện của cả một nước nhỏ. Chính vì thế 60% hoạt động đào Bitcoin đang diễn ra ở Trung Quốc, ở những vùng dân đào có thể tận dụng thủy điện nhỏ giá rẻ. Một dự báo cho rằng đến năm 2020 mạng lưới Bitcoin sẽ cần một lượng điện bằng tổng sản lượng điện của Đan Mạch. Với kịch bản lạc quan nhất thì đến năm đó, để đào một Bitcoin cần tốn đến 5.500 kWh và cho dù chỉ một nửa lượng điện này được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch thì một Bitcoin như thế cũng sản sinh ra 4 tấn dioxide carbon rồi.
Tiêu Bitcoin phải chờ lâu như thế nhưng trong thực tế đâu có bao nhiêu điểm chấp nhận thanh toán hàng hóa hay dịch vụ bằng Bitcoin - chủ yếu rao lên chỉ để quảng bá tên tuổi. Phóng viên nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã làm các bài phóng sự, kiểu tôi tiêu Bitcoin như thế nào, đều kết luận gần như thế. Hiện nay, theo thống kê của blockchain.info, mỗi ngày có chừng 225.000 giao dịch Bitcoin nhưng chủ yếu là của dân đầu cơ mua bán Bitcoin với nhau hay chuyển đổi từ các loại tiền thật sang Bitcoin và ngược lại chứ ít có chuyện dùng Bitcoin để mua hàng hóa hay dịch vụ thật sự.
Một điểm cũng có thể làm nhiều người ngạc nhiên là tổng số tiền Bitcoin tối đa được tạo ra là 21 triệu Bitcoin (dự đoán là vào năm 2140) cho nên không thể nào nó sẽ là đồng tiền được sử dụng rộng rãi. Bitcoin thực chất là một dãy con số và chữ cái như một địa chỉ (ví dụ 1DTAXPKS1Sz7a5hL2Skp8bykwGaEL5JyrZ). Bạn sở hữu một Bitcoin có nghĩa bạn nắm trong tay một mật mã gắn với địa chỉ này, cho phép bạn truy cập vào cuốn sổ cái “blockchain” để xác định trị giá của nó. Bạn trả tiền cho một người hay một nơi nào đó có nghĩa bạn báo cho “blockchain” bạn sẽ chuyển giao bao nhiêu... Mất dãy số này coi như mất tiền luôn, không cách gì lấy lại được.
So với lý thuyết thì thực tế chung quanh đồng tiền Bitcoin phũ phàng hơn nhiều. Chính vì vậy, cuộc tranh luận về tương lai đồng tiền này vẫn chưa ngã ngũ. Chỉ đáng ngại một điều, giới đầu cơ, giới lừa đảo cứ chăm chăm vào sự quan tâm của công chúng vào Bitcoin để dụ dỗ người nhẹ dạ. Chẳng lạ gì quảng cáo về mua bán Bitcoin trên hệ thống quảng cáo của Google cứ tràn ngập máy tính của người chẳng may gõ tìm thông tin về đồng tiền chỉ tồn tại trên không gian ảo này.
'Bong bóng tiền ảo' Bitcoin có nguy cơ xì vỡ? Triển vọng tăng giá hấp dẫn của Bitcoin thu hút một số lượng lớn nhà đầu tư mới, song cũng làm dấy lên quan ngại ... |