Thực hư đất nền Hà Đông, Đông Anh tăng giá mạnh?
Bản tin thị trường bất động sản (BĐS) tháng 4 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, giá đất thổ cư tại một số khu vực ở Hà Nội đang tăng đáng kể. Đáng chú ý đó là đất thổ cư tại 2 khu vực Đông Anh và dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Tại Đông Anh, theo VNREA, giá đất thổ cư liên tục tăng trong thời gian gần đây. Tính đến tháng 4, các lô đất đẹp có mặt tiền đường lớn và có thể kinh doanh tăng mạnh nhất với mức tăng 60 – 70%; các lô đất trong làng có mức tăng thấp hơn, khoảng 15 – 20%.
Thực tế dất Đông Anh có nơi tăng đến 100% nhưng có nhiều nơi không hề biến động. Ảnh: TTXVN. |
VNREA cũng cho biết, một số khu vực phía Nam Hà Đông cũng có giá tăng đột biến, đặc biệt giá đất nền trong khu đô thị và đất thổ cư gần tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã tăng từ 10 - 15% so với quý IV/2016. Một số dự án tăng khoảng 1 - 2 triệu đồng/m2 so với giai đoạn đầu mở bán và dự báo mức giá vẫn có thể được điều chỉnh tăng ở đợt mở bán tiếp theo.
Thông tin giá đất một số khu vực tại Hà Nội tăng đã bắt đầu gây nóng như trên một số diễn đàn về đất đai trong một vài tuần trở lại đây. Thế nhưng thông tin tăng giá này có phản ánh đúng thực tế hay không vẫn còn là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn.
Trao đổi với PV, phần lớn giới kinh doanh địa ốc cho biết thực tế giá đất ở 2 khu vực trên có tăng nhưng mức tăng không mạnh như tin đồn và chỉ một số “điểm nóng” mới tăng giá.
Ông Nguyễn Văn Xuyên, môi giới nhà đất nhiều năm nay tại khu vực huyện Đông Anh cho biết, tại huyện Đông Anh, hiện giá đất chỉ tăng cao ở khu vực thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc. Còn các khu vực khác giá cả không biến động nhiều, nhiều nơi không hề có hiện tượng tăng.
Theo ông Xuyên, lý do đất khu vực thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc tăng giá thời gian qua là do giáp chân cầu Nhật Tân. Hiện nay, từ trung tâm huyện Đông Anh đi vào khu vực đường Bưởi, đường Hoàng Quốc Việt hay Hồ Tây chỉ mất từ 15 – 30 phút đi xe máy. Đặc biệt, khu vực “đất vàng” Hồ Tây với nhiều tiện ích nổi trội rất hấp dẫn người dân. Tuy nhiên, đất ở quận này hiện rất đắt đỏ, vì vậy, nhiều người không đủ khả năng mua đất ở Hồ Tây cũng như nội đô đã chuyển nhu cầu mua đất về quanh khu vực chân cầu Nhật Tân, vì nơi này dẫn thằng vào quận Tây Hồ và nội thành Hà Nội.
“Đất giáp mặt đường của thôn Ngọc Chi hiện nay cao nhất khoảng 30 triệu đồng/m2, tăng 50% so với mức 20 triêu đồng/m2 trước đó (tăng 10 triệu đồng). Còn khu vực trong làng, giá đất chỉ tăng nhẹ từ 1 – 2 triệu đồng/m2, nơi tăng giá cao nhất cũng chỉ tăng khoảng 3 triệu đồng/m2”, ông Xuyên nói.
Cũng theo ông Xuyên, giá đất cũng tăng khá rõ ràng tại khu vực hai bên dọc trục đường từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài do tuyến đường này dẫn thẳng lên cầu Nhật Tân để đi vào trung tâm thành phố Hà Nội, đồng thời khu vực này cũng được quy hoạch để xây dựng khu đô thị thông minh 4 tỷ USD do phía Nhật Bản hợp tác với một tập đoàn của Việt Nam làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, ông Xuyên cho hay, đất tại khu vực gần cầu Đông Trù – Đông Anh hiện cũng đang tăng giá nhẹ do nơi đây được quy hoạch xây dựng trung tâm triển lãm (chuyển từ Giảng Võ ra)…
“Người mua đất chủ yếu là để ở chứ không phải để đầu tư kinh doanh nên đây là nhu cầu thực chứ không phải “sốt ảo”. Ở thôn Vĩnh Ngọc, số người mua đất hiện tăng gấp đôi so với trước đây, các mảnh đất có diện tích khoảng 40 – 50 m2 bán rất chạy”, ông Xuyên đánh giá.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản và Dịch vụ địa chính Hà Nội (Hanoi Land), cho biết, hiện có nhiều lý do khiến giá đất ở khu vực Đông Anh tăng.
Thứ nhất, khu vực Đông Anh đang hoàn thiện hạ tầng giao thông cũng như các công trình tiện ích xã hội, thương mại dịch vụ, công viên vui chơi giải trí…, trong đó, công trình giao thông quan trọng nhất phải kể đến đó là cầu Nhật Tân.
Thứ hai là thông tin về việc sẽ triển khai 3 dự án tại đây thời gian tới: Dự án Công viên Văn hóa, Du lịch, Vui chơi giải trí Kim Quy; Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của UBND thành phố và Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới.
Thứ ba, mới đấy nhất, thông tin về việc dự án khu đô thị thông minh quanh trục Nhật Tân – Nội Bài với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD sẽ được triển khai, do đối tác Nhật Bản kết hợp với Tập đoàn BRG làm chủ đầu tư đã khiến thị trường nhà đất khu vực Đông Anh những ngày gần đây “nóng” hơn.
“Thời gian qua công ty chúng tôi làm quy hoạch về đất Đông Anh, tôi nhận thấy giá đất tại đây đã tăng lên một mặt bằng mới. Thế nhưng nói là tăng tới 60 – 70% như báo chí đưa tin thì không chính xác. Thực tế, những khu vực ngay mặt đường lớn như khu vực mặt đường tại thông Ngọc Chi (xã Vĩnh Ngọc), sát đường gom cầu Nhật Tân, giá đất có khi tăng tới 70 – 100%. Nhiều lô đất mặt đường tại đây hiện giá lên tới trên dưới 80 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, những khu vực tăng giá đột biến như thế này rất ít, còn lại nhiều nơi khác giá đất lại không tăng hoặc tăng không đáng kể. Chẳng hạn, giá đất tại thị trấn Đông Anh và phía xung quanh đó, hoặc giá đất tại xã Nam Hồng... hiện biến động không đáng kể. Nhiều khu vực tại đây giá vẫn dưới 10 triệu đồng/m2”, ông Tùng cho biết.
Với đất thổ cư tại khu vực Hà Đông và dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, ông Tùng cho rằng giá đất cũng đang có dấu hiệu tăng, tuy nhiên khu vực này hiện không “nóng sốt” như khu vực Đông Anh, bởi quỹ đất thổ cư còn trống ở Hà Đông hiện không còn nhiều như ở Đông Anh.
Sở dĩ giá đất Hà Đông tăng, theo ông Tùng, là nhờ “ăn theo” tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và thông tin quy hoạch xây trung tâm thương mại Aeon Mall ở quận này.
Các nhà đầu tư ngày càng đổ về Hà Đông vì hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện. Ảnh: Báo Xây Dựng. |
“Hiện tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã “hiện hữu”, đoàn tàu cũng đã xuất hiện. Thực tế tại khu vực này vài năm qua xuất hiện rất nhiều khu đô thị, dự án chung cư mới, song thiếu các tiện ích về vui chơi, giải trí, mua sắm nên chưa thực sự hấp dẫn nhiều người. Việc xây một trung tâm thương mại tầm cỡ như Aeon Mall sẽ làm cho nhu cầu nhà đất ở và kinh doanh, buôn bán tại khu vực này tăng lên và đẩy giá tăng theo. Tuy nhiên theo tôi, tất cả những yếu tố trên cũng chỉ giúp giá đất tại đây tăng nhẹ. Bởi khu vực này trước đó giá đất thổ cư cũng đã khá cao vì các dự án chung cư, khu đô thị liên tục được triển khai nhiều năm qua”, ông Tùng nhận định.
Trao đổi với PV, đại diện Tập đoàn Nam Cường, đơn vị đã và đang triển khai một số dự án tại khu vực quận Hà Đông, nhận định, trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị phía Tây Thủ đô, bởi khu vực này hiện đang thiếu trung tâm vui chơi, giải trí quy mô. Cư dân Hà Đông, huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai sẽ không phải đi vào tận trung tâm thành phố mới có thể mua sắm và giải trí. Đây cũng là nhân tố khiến nhu cầu và giá đất khu vực Hà Đông tăng lên.
Theo vị này, các nhà đầu tư ngày càng đổ về Hà Đông vì hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện. Những tuyến đường huyết mạch nối Hà Đông với các khu vực trọng điểm của Hà Nội như Quang Trung – Nguyễn Trãi, Tố Hữu – Lê Văn Lương, Đại lộ Thăng Long, hầm chui Thanh Xuân và hầm chui Khuất Duy Tiến – Trần Duy Hưng, đặc biệt tuyến đường sắt đô thị Hà Đông – Cát Linh... đã tăng thêm sức hấp dẫn cho đất nền cũng như chung cư khu vực này.