Thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi
Kiên trì nuôi lợn VietGAHP | |
Giá heo hơi hôm nay (12/12) nhảy lên 32.000 đồng/kg ở miền Bắc |
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Hội thảo sẽ lấy ý kiến các chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước, nhằm xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, xây dựng chiến lược chăn nuôi trong giai đoạn 2016 -2020.
Cũng theo ông Dương, ngành chăn nuôi thời gian qua có bước phát triển mạnh mẽ cả về con giống, thức ăn, sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, trong năm 2017, ngành chăn nuôi đã rơi vào tình trạng phát triển "nóng", dư thừa nguồn cung, làm cho người chăn nuôi thua lỗ nặng. Nguyên nhân chính là khâu tổ chức sản xuất yếu kém, đặc biệt khâu yếu nhất là kết nối người sản xuất với thị trường; chăn nuôi theo tâm lý đám đông...
Ảnh minh họa |
Do đó, ông Dương cho rằng: "Xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi là rất quan trọng. Nếu không tổ chức nhanh thì chúng ta sẽ lặp lại tình trạng giải cứu liên tục, hôm nay có thể là lợn, mai có thể là gà, bò. Liên kết chuỗi sẽ giúp chúng ta cải thiện dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy suất nguồn gốc, phân biệt rõ ràng những khâu yếu kém..., giải quyết vấn đề cung cầu."
Theo ông Dương, muốn ngành chăn nuôi phát triển được phải tiến tới xuất khẩu. Giá thành ít nhất phải bằng giá trong khu vực, an toàn dịch bệnh. Như hiện nay, giá lợn vẫn duy trì ở mức 40.000 đồng/kg thì không thể cạnh tranh được. Hội nhập thế giới không thể mong thịt lợn lên mức 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Thực tế, đã có rất nhiều chuỗi liên kết sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như: chăn nuôi bò sữa của Vinamilk, TH True Milk, chăn nuôi gà của Thái Dương, Anh Dũng… đã giúp nhiều nông dân làm giàu.
Về chính sách xây dựng chuỗi, ông Dương cho biết, phần thua thiệt vẫn đang đứng về phía người chăn nuôi, các doanh nghiệp ở thế an toàn. Do vậy, nếu có chính sách tốt hơn, mọi thành viên trong chuỗi đều được chia sẻ. Do vậy, việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi, đảm bảo lợi ích các bên là then chốt của giai đoạn tới.
Công ty TNHH Công Danh là một trong 2 doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn trên địa bàn tỉnh Nam Định. Được xây dựng trên diện tích 5.300 m2, công ty hiện đã đưa công suất nhà xưởng đạt 3000 - 5000 con lợn sữa/ngày và 300 con lợn choai/ngày. Hiện tại UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hỗ trợ doanh nghiệp triển khai mô hình liên kết chăn nuôi lợn sữa xuất khẩu.
Mục tiêu là xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát được chất lượng từ khâu con giống đến sản phẩm cuối cùng; đảm bảo lợi ích và tạo nguồn đầu ra ổn định cho người chăn nuôi; cung cấp nguồn dầu vào ổn định chất lượng cho doanh nghiệp sản xuất và sản phẩm đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.
Đại diện Công ty TNHH Công Danh cho rằng, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, cần phải thay đổi các tiếp cận mới theo hướng sản xuất công nghiệp, tập trung hạ giá thành, sử dụng con giống, thức ăn, áp dụng quản trị tốt và đẩy nhanh chăn nuôi hữu cơ theo hướng các sản phẩm đặc sản. Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh quy hoạch cơ cấu lại ngành phù hợp với lợi thế so sánh, gắn với nhu cầu thị trường và định hình được nhóm sản phẩm chăn nuôi đặc sản, đặc trưng địa phương. Đồng thời, xây dựng các vùng an toàn dịch, tổ chức chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến và kết nối thị trường theo các chuỗi liên kết khép kín.
Chia sẻ liên kết sản xuất bền vững, ông Hoàng Vũ Quang, Đại diện của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, Công ty bò sữa Mộc Châu có quỹ bảo hiểm vật nuôi và quỹ bảo hiểm giá sữa cho nông dân. Mỗi lít sữa được bán ra sẽ được trích lại một khoản nhỏ để bảo hiểm.
Hay Hợp tác xã Tân Thông Hội (Tp. Hồ Chí Minh) đã thay mặt các thành viên, đàm phán mua đầu tư đầu vào cho các thành viên, làm giá thành rẻ hơn. Họ cũng mua sữa từ các thành viên với giá cao hơn để bán lại cho các công ty sữa. Tạo ra các liên kết chia sẻ rủi ro, bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Quang, khi tham gia các vào chuỗi này, người dân buộc phải áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro cho cả nông dân và doanh nghiệp.