Thu về hàng nghìn tỷ đồng nhờ thoái vốn, VRG 'rục rịch' cổ phần hóa
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa công bố báo cáo tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu đến 31/12/2016.
Tại báo cáo này, VRG cho biết, kể từ khi bản đề án tái cơ cấu được phê duyệt, tập đoàn này chỉ đầu tư vào ngành, nghề kinh doanh chính cùng các ngành, nghề liên quan.
Năm qua, VRG thu bộn tiền từ công tác tái cơ cấu doanh nghiệp. (Nguồn: Dân trí). |
Trình phương án cổ phần hóa công ty mẹ vào quý II
Trong năm 2016, VRG đã sáp nhập Công ty tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam vào công ty mẹ; đồng thời thoái 100% vốn góp của công ty mẹ tại 24 doanh nghiệp.
VRG cũng đã thực hiện đầu tư thêm vốn để giữ quyền chi phối tại Công ty CP cao su Bến Thành từ 9% lên 48%; đầu tư thêm vốn để chuyển Công ty CP cao su Nghệ An thành công ty con (hiện VRG đang nắm giữ 91% vốn điều lệ công ty này).
Theo đề án tái cơ cấu được duyệt, VRG không thực hiện cổ phần hóa các đơn vị thành viên trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 15 năm 2014 của Chính phủ về việc đẩy mạnh cổ phần hóa, tập đoàn này đã trình cổ phần hóa 5 công ty cao su, gồm: Bình Long, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bà Rịa, Tân Biên trong năm 2015 và đã được Chính phủ chấp thuận.
Đến nay, VRG đã hoàn thành việc cổ phần hóa đối với Công ty TNHH MTV cao su Tân Biên và Bà Rịa vào ngày 11/3/2016. Tổng thu từ công tác cổ phần hóa đạt 40,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp với VGR cũng đã đồng ý về nguyên tắc cổ phần công ty mẹ, trước mắt Nhà nước giữ 75% vốn điều lệ. Đồng thời, sẽ cổ phần hóa 20 đơn vị thành viên và 4 đơn vị sự nghiệp. Theo lộ trình, phương án cổ phần hóa được phê duyệt trong thời gian từ quý IV/2016 đến quý I/2017, tổ chức thực hiện phương án cổ phần hóa vào quý I/2017.
Đến nay, VRG đã cơ bản hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên là các Công ty TNHH TMV để trình Ban chỉ đạo cổ phần hóa phê duyệt. Phương án cổ phần hóa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện để trình duyệt và triển khai thực hiện trong quý II/2017.
Lãi hàng trăm tỷ đồng nhờ thoái vốn
Về công tác thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VRG thoái vốn ở 24 đơn vị. Tính đến 30/12/2016, đã thực hiện thoái vốn tại các đơn vị ngoài ngành chính, thu về 2.252,7 tỷ đồng, lãi gần 288 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, công ty mẹ VRG đã thoái được toàn bộ vốn tại 8 đơn vị là SHB, SHS, Công ty TNHH Hạ tầng BOT Đồng Tháp, Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng VRG, Công ty CP Đầu tư xây dưng và Phát triển năng lượng Vinaconex, Công ty CP Xi măng Fico, Công ty CP Kho vận và Dịch vụ hàng hóa, Công ty CP Xây dựng - Địa ốc cao su.
Đồng thời, đã thoái được một phần vốn tại 3 đơn vị: SG VRG, Quỹ đầu tư Việt Nam và Du lịch Móng Cái (công ty mua lại cổ phiếu quỹ).
Tổng giá trị thu hồi từ công tác thoái vốn của công ty mẹ đạt 1.541,2 tỷ đồng, lãi 110,7 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016, công ty mẹ VRG đã thực hiện thoái vốn tại 4 công ty với giá trị thu hồi đạt 287 tỷ đồng và gần 71 tỷ đồng.
Ngoài ra, các công ty thành viên của VRG cũng đã thoái vốn được 2 công ty là Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng VRG, Công ty TNHH Hạ tầng BOT Đồng Tháp và đang hoàn thiện thủ tục thoái vốn 4 công ty thủy điện thu về 711 tỷ đồng, lãi 177 tỷ đồng.
Năm 2017, VRG ước tính thu về 1.461,5 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại Intourco, Thủy lợi 4, Công ty CP Cơ khí cao su, Công ty CP Xây dựng và Tư vấn đầu tư, Công ty CP Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Bình Phước (BOT), và Công ty CP Sài Gòn VRG, Công ty CP Thép tấm miền Nam, và Quỹ đầu tư Việt Nam.