Thủ tướng đồng ý cho TP.HCM giữ lại 67.000 tỷ sau cổ phần hóa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng các đại biểu tham dự buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23-6-2017 - Ảnh: Tự Trung
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 23-6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nêu đề xuất mong muốn Thủ tướng phê duyệt Đề án sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, TP.HCM đã cân đối nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác từ năm 2017 trở đi vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 67.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư công quan trọng, cấp bách.
Do đó, TP.HCM mong muốn Chính phủ cho giữ và sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phục vụ cho việc đầu tư, phát triển của thành phố.
Việc sử dụng nguồn thu này để cân đối vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của thành phố giai đoạn 2016-2020.
Đại diện SCIC dẫn nhiều căn cứ nói tiền thu từ cổ phần hóa chỉ chi đầu tư phát triển, không dùng cho chi thường xuyên.
Theo đó, tiền thu từ cổ phần hóa của TP.HCM cũng phải được quản lý tập trung về Quỹ Hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp, thuộc SCIC, sau đó mới được phân bổ lại dùng cho các dự án TP.HCM và cả nước.
Tuy nhiên, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất cho TP.HCM giữ lại số tiền này.
Cũng dịp này, TP.HCM cũng kiến nghị cho phép Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố (HFIC) chính thức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại toàn bộ các doanh nghiệp thuộc UBND TP.HCM.
Đối với danh sách các doanh nghiệp chuyển giao về HFIC, thành phố được chủ động thực hiện và báo cáo Thủ tướng để đảm bảo tiến độ và lộ trình cổ phần hóa.
Tại buổi tổng kết năm 4 năm thí điểm thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của HFIC hồi tháng 3-2017, lãnh đạo công ty cho biết hiện đã tiếp nhận 8 doanh nghiệp do TP.HCM chuyển giao, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty này tăng từ 3.671 tỷ đồng lên trên 8.000 tỷ.
HFIC có thể coi như một bản sao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thu nhỏ của TP.HCM.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chi, chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, lại cho rằng cần cân nhắc tiến trình thành lập cơ quan chuyên trách này.
Dù vậy, cuối buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã chấp thuận phương án trên và lưu ý một số dự án khác với tinh thần tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển.
TP.HCM đề nghị Thủ tướng chấp thuận bố trí 9.963 tỷ đồng từ nguồn vốn của SCIC cho 36 dự án chống ngập cấp bách của thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020.
Theo ông Chi, số tiền này có thể xem xét trên hai phương án, Thứ nhất, ông Chi nói, trích một phần trong 5.000 tỷ đồng thu được từ cổ phần hóa của Quỹ hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp mà SCIC đang tiếp quản.
Thứ 2 là trích từ khoản lợi nhuận 6.000 tỷ đồng của SCIC thu được các doanh nghiệp sản xuất mà SCIC đang đại diện vốn, chưa bao gồm các doanh nghiệp có giá trị, quy mô lớn.