|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Việt Nam đang nỗ lực đàm phán EVFTA hậu Brexit

16:25 | 29/09/2016
Chia sẻ
Ông Khánh tin tưởng khả năng đàm phán FTA với EU sẽ có hiệu lực trước khi câu chuyện Brexit thực sự diễn ra.

Tại Diễn đàn Kinh doanh 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu vấn đề về việc Anh rời EU và tương lai của việc đàm phán đi vào hiệu lực Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Ông Khánh cho biết đến giờ phút này, FTA vẫn chưa có thời điểm bắt đầu đàm phán. Hiện Anh vẫn là một phần của EU và chưa có quyết định chính thức về việc rời khỏi cộng đồng này. Do đó, sẽ là thiếu tế nhị cho Việt Nam nếu đặt vấn đề bàn về Brexit với các nước EU.

Vì vậy, đến giờ phút này, Việt Nam vẫn tiếp tục theo lộ trình dự kiến có hiệu lực năm 2018, vẫn nỗ lực theo hiệp định đàn phán EVFTA. Ông Khánh tin tưởng khả năng FTA sẽ có hiệu lực trước khi câu chuyện Brexit thực sự diễn ra. "Nếu có Brexit thì sao, chúng tôi sẽ tính toán nội bộ câu chuyện này", Thứ trưởng nói.

Về vấn đề TPP, Quốc hội Mỹ cần thông qua thì TPP mới có hiệu lực. Nếu Mỹ không thông qua TPP, 11 nước còn lại có thông qua cũng không còn hiệu lực. Cho đến giờ phút này, Chính phủ của Tổng thống Obama đang nỗ lực đưa vấn đề TPP vào phiên họp cuối cùng của Quốc hội trong tháng 11 sắp tới. Ông Khánh đặt kỳ vọng TPP sẽ được thông qua.

Thứ trưởng Bộ Công thương tái khẳng định không có TPP, Chính phủ vẫn phải phát triển theo đúng con đường mà mình đã chọn. Khi tham gia đàm phán TPP, ông Khánh đã thấy các quy định trong TPP đồng chiều với định hướng phát triển của Việt Nam, phù hợp chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, phù hợp tiêu chuẩn vì người lao động, bảo vệ môi trường...

Tham gia TPP là hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, thực hiện các cam kết phát triển nhưng không hi sinh môi trường, áp dụng các chuẩn mực minh bạch trong đầu tư công. "Nếu không có TPP, Việt Nam vẫn tiếp tục các chủ trương đó, tiếp tục con đường đó", ông Khánh nói.

Hiệp định EVFTA chính thức kết thúc đàm phán vào cuối năm 2015 sau 3 năm khởi động. Bên thống nhất sẽ nỗ lực hoàn tất quá trình phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để Hiệp định có hiệu lực ngay từ đầu năm 2018.

Các nội dung chính của Hiệp định gồm: Thương mại hàng hóa (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), Quy tắc xuất xứ, Hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại dịch vụ (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), Đầu tư, Phòng vệ thương mại, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhà nước, Mua sắm của Chính phủ, Sở hữu trí tuệ (gồm cả chỉ dẫn địa lý), Phát triển bền vững, Hợp tác và xây dựng năng lực, Pháp lý-thể chế. Hiệp định cũng bao gồm cách tiếp cận mới, tiến bộ hơn về bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư.

Về xuất nhập khẩu, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần.

Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam.

Khổng Chiêm