Thử thách mức đỉnh của 11 năm trước
Tuần 12-16/3: Ngân hàng 'dậy sóng', VN-Index chạm mốc 1.150 điểm | |
Nhận định thị trường chứng khoán 11/1: Thử thách tại ngưỡng 1.040 điểm |
Từ đầu năm đến nay, VN-Index chạy được hơn mười phần trăm so với cuối năm 2017 chỉ nhờ vào một vài cổ phiếu. Ảnh: THÀNH HOA |
Thị trường chứng khoán vận động theo tâm lý nhà đầu tư, mà tâm lý thì phụ thuộc vào thông tin vốn là thứ được nhìn nhận vô cùng khác nhau từ phân tích thực tế đến cảm nhận.
Tâm lý càng phức tạp, càng được mổ xẻ, càng nhiều thực thể chia rẽ, níu kéo, thị trường càng biến động. Điều mà nhà đầu tư Việt Nam cần nhất, hẳn nhiên là sự biến động. Lên cũng được, xuống cũng được, nhưng đừng đi ngang, đừng đứng ỳ một chỗ. Cổ phiếu nào mà không nhúc nhích độ vài tuần là thanh khoản sụt giảm dần, dòng tiền rút ra, rồi cứ thế nó mất hút vào dòng chảy lãng quên của nhà đầu tư.
Thứ Năm tuần trước ngày 8-3-2018, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% cho thép và 10% cho nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Tuần trước đó, khi Nhà Trắng loan tin rằng Tổng thống ký sắc lệnh vào tuần sau, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đỏ lửa mấy phiên liền, khiến VN-Index cũng “sụt sùi”. Cổ phiếu ngân hàng - nhóm mạnh nhất thị trường hiện nay - bập bềnh trên sóng. Thế nhưng vào ngày sắc lệnh được ký, Dow Jones lại tăng điểm mạnh mẽ, người ta bắt đầu nhìn nhận câu chuyện thuế khác đi.
Trên thực tế, VN-Index chịu tác động của chứng khoán thế giới chỉ là một phần. Cái phần thật là chỉ số đang tiệm cận mức 1.130 điểm, cửa ải cuối cùng để tiến về hướng 1.170 điểm, cái đỉnh mà VN-Index đã chạm đến vào tháng 3-2007, tức mười một năm về trước. Từ cơ quan quản lý đến nhà đầu tư và cả các chuyên gia kinh tế tuy không nói ra, nhưng đều có ý chờ đợi liệu chứng khoán có vượt qua mức đỉnh này.
Các nhà quản lý có lý do để mong: các chỉ số vĩ mô đang tốt lên từ năm ngoái, GDP quí 1 năm nay có thể cao ngay từ đầu năm, chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, nó phải lên mới đúng chứ! Các doanh nghiệp từ niêm yết đến chưa niêm yết cũng ngóng diễn biến sàn Hose: thị trường tăng trưởng, quy mô vốn hóa công ty to ra, sẽ có thêm những doanh nhân được mang danh tỉ phú đô la Mỹ. Đành rằng cái danh hiệu tỉ phú ấy mới chỉ tính dựa trên giá trị cổ phiếu mà họ sở hữu, chưa biến thành tiền thật, chưa rõ nợ nần công ty ra sao. Nói ngắn gọn, giá cổ phiếu là thật mà cũng là ảo một khi nó chưa trở thành tiền.
Khi tiền không còn chảy vào những mã đã “nóng”, những mã này có khả năng bị chốt lời và tiền bắt đầu đi vào những MidCap có nền tảng cơ bản tương đối tốt và chưa tăng giá, bất chấp vốn hóa của chúng không thể đưa đẩy VN-Index.
Còn nhớ trước Tết Âm lịch, VN-Index có phiên giảm gần 50 điểm, có phiên mất 65 điểm. Thế là người ta tính giá trị vốn hóa thị trường bốc hơi hàng tỉ đô la Mỹ. Cái sự bốc hơi ấy là ảo, có thật đâu. Vài ngày sau VN-Index tăng điểm, vốn hóa thị trường lại về mức cũ, không thấy ai nói chuyện hàng tỉ đô la Mỹ quay trở lại nữa.
Các công ty chứng khoán, các tổ chức, các quỹ và nhà đầu tư cá nhân “hóng” mức đỉnh của VN-Index với cường độ cao nhất. Thanh khoản thị trường nay không còn cao như hồi tháng 1-2018, đồng nghĩa với doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán đang biến động không như mong muốn. Một số quỹ đầu tư đâm lo, lo vì mức tăng giá trị tài sản ròng của quỹ không theo kịp VN-Index. Từ đầu năm đến nay, VN-Index chạy được hơn mười phần trăm so với cuối năm 2017 chỉ nhờ vào một vài cổ phiếu. Quỹ nào không có cổ phiếu “chạy” theo chỉ số, coi như thua. Khi quỹ đầu tư không thắng được thị trường, nhà đầu tư sẽ rút vốn, công ty quản lý quỹ sẽ không thu được phí. Để giữ chân nhà đầu tư, các nhà quản lý quỹ phải cơ cấu lại danh mục. Mua gì bán gì ở thời điểm mà tâm lý bị phân tâm làm nhiều hướng dễ bị “tên rơi đạn lạc” như cách diễn đạt đầy hình ảnh của một nhân viên môi giới.
Có thực mới vực được đạo. Để chinh phục đỉnh cũ, thị trường cần trước tiên là tiền. Trong khi những mã vốn hóa lớn như VCB, BID, CTG, MSN, BVH, VIC, GAS, PLX, VJC, VRE, HPG... đã căng hết tốc lực, những cổ phiếu có tầm ảnh hưởng sống còn với VN-Index như VNM, SAB lại không chịu bứt phá. Hai mã này nằm trong sự chi phối quá mạnh của khối ngoại. Bây giờ VNM, SAB lên hay xuống là do nước ngoài mua ròng hay bán ròng. Cả hai sẽ còn lình xình cho đến khi nào Nhà nước tỏ rõ thời điểm thoái bớt vốn còn lại ở đây, tức về dưới mức 36% để không còn quyền phủ quyết những vấn đề quan trọng tại doanh nghiệp.
Khi tiền không còn chảy vào những mã đã “nóng”, những mã này có khả năng bị chốt lời và tiền bắt đầu đi vào những MidCap có nền tảng cơ bản tương đối tốt và chưa tăng giá, bất chấp vốn hóa của chúng không thể đưa đẩy VN-Index. Nếu một tình trạng như vậy kéo dài qua tháng 3, rồi tháng 4 và mùa hè tới, thì khoảng “nghỉ ngơi” của thị trường có thể diễn ra cho đến tận mùa thu, thậm chí cuối thu, đầu đông.
Thực tế, nhà đầu tư, nhất là cá nhân, quan tâm hơn đến sự tăng trưởng giá trị danh mục riêng của họ. Thời gian qua, những nhà đầu tư giá trị, giải ngân vào các cổ phiếu tốt với P/E thấp, đã không nhiều người có được niềm vui vì hầu hết cổ phiếu dạng này không tăng giá. Các cổ phiếu đầu cơ cũng bị gạt sang một bên. Ngay cả trong nhóm ngân hàng, các mã EIB, STB, NVB, KLB, SHB, LPB đều chậm chạp. Một kịch bản mà dòng tiền thông minh bắt đầu tìm bến đậu ở những cổ phiếu tầm trung chưa tăng giá dường như đang được đại bộ phận chủ thể thị trường ủng hộ. Đó không phải là sự không hợp lý cho dù siêu đỉnh vẫn đang thách thức VN-Index.