|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thu nhập từ phí các ngân hàng tăng vọt trong nửa đầu năm

08:09 | 06/08/2021
Chia sẻ
Thu nhập từ phí của các ngân hàng đã tăng trưởng rất mạnh, trung bình khoảng 60% trong nửa đầu năm nhờ vào phí bán chéo bảo hiểm, phí thanh toán và phí từ thẻ.
Ngân hàng đa dạng hóa thu nhập vượt qua mùa dịch - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Đức Bùi.

Thu ngoài lãi các ngân hàng tăng mạnh trong đại dịch

Trong nửa đầu năm 2021, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng có gam màu “sáng” khi nhiều nhà băng đã gần chạm đích lợi nhuận cả năm, tăng trưởng ghi nhận bằng lần.

Bên cạnh việc thu nhập từ tín dụng được được hưởng lợi từ chi phí vốn thấp, các hoạt động ngoài lãi cũng có kết quả lạc quan, gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng.

Theo thống kê của Chứng khoán Maybank Kim Eng, thu nhập từ phí của các ngân hàng đã tăng trưởng rất mạnh, trung bình khoảng 60% trong nửa đầu năm nhờ vào phí bán chéo bảo hiểm (bancassurance), phí thanh toán và phí từ thẻ.

Các ngân hàng có sự đóng góp từ quan hệ đối tác banca độc quyền (bao gồm cả phí trả trước và phí hoa hồng) là những ngân hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất, bao gồm: Vietcombank, ACB, SHB, LienVietPostBank, MSB,…

Cụ thể, ở nhóm ngân hàng quốc doanh, thu ngoài lãi Vietcombank được đẩy mạnh nhờ mảng dịch vụ tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 3.600 tỷ đồng.

Tại BIDV và VietinBank, hoạt động dịch vụ cũng đã giúp hai ngân hàng này thu về lần lượt là 3.200 tỷ đồng và 2.640 tỷ đồng, tăng 39,2% và 22,1%. Ngoài ra, thu nhập từ các hoạt động kinh doanh khác của hai nhà băng này tuy chiếm tỷ lệ không quá lớn trong tổng thu nhập, song đều ghi nhận mức tăng trưởng bằng lần.

Ngân hàng đa dạng hóa thu nhập vượt qua mùa dịch - Ảnh 2.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Còn tại nhóm ngân hàng tư nhân, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MSB đã tăng 574% lên gần 2.200 tỷ đồng, mà theo giới phân tích cho rằng do ngân hàng đã ghi nhận một phần phí hợp tác bancassurance độc quyền từ Prudential.

Hay tại SeABank, thu hoa hồng môi giới bảo hiểm và phí dịch vụ khác cũng là hai động lực chính giúp lãi thuần từ mảng dịch vụ đạt 470 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối còn đem về cho ngân hàng này 94 tỷ đồng lãi thuần, cao gấp hơn 8 lần nửa đầu năm ngoái.

Tương tự, trong 6 tháng đầu năm, mảng dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của LienVietPostBank đã tăng trưởng lần lượt là 86% và 217%, đóng góp 390 tỷ đồng và 113 tỷ đồng vào tổng thu nhập hoạt động.

Hàng rào chống rủi ro mùa dịch

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tín dụng tăng trưởng chậm, việc đẩy mạnh thu từ các hoạt động ngoài lãi sẽ giảm bớt áp lực tăng trưởng tín dụng của các nhà băng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), tính tới ngày 21/6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,47% so với cuối năm 2020, mặc dù gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch năm 2019 (7,33% - NHNN).

Ngân hàng đa dạng hóa thu nhập vượt qua mùa dịch - Ảnh 3.

Tăng trưởng tín dụng tăng chậm lại kể từ cuối tháng 5, khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới trở lại. (Ảnh: SSI Research).

Bên cạnh đó, nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn, chưa được phản ánh đúng thực tế khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19.

Theo NHNN, tính đến ngày 31/5, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng, chiếm 3,49% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế (9,65 triệu tỷ đồng). Và thậm chí, con số này có thể vẫn chưa dừng lại.

Cùng với đó, việc giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng cũng là một trong những yếu tố tác động trực tiếp tới biên lãi ròng (NIM) của các nhà băng, qua đó ảnh hưởng tới lợi nhuận cả năm.

Những số liệu trên để cho thấy hoạt động tín dụng trong 6 tháng cuối năm sẽ không còn "đẹp" như nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ đi kèm với nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Đó là lý do khiến các ngân hàng đều hướng về giải pháp tăng thu từ các hoạt động khác để bù lại. Đây không phải là một chiến lược mới nhưng đang được các ngân hàng tận dụng triệt để trong bối cảnh hiện nay.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân mới đây, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp của Techcombank, cho biết việc giảm thu từ lãi, nhưng tăng được thu nhập ngoài lãi sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu ảnh hưởng từ việc hạ lãi suất cho vay. Do đó, Techcombank chưa có kế hoạch thay đổi mục tiêu kết quả kinh doanh trong năm nay.

Tương tự tại TPBank, Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng chia sẻ mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng nhìn chung, những nghiệp vụ chính về sinh lời, kể cả trên những kênh đầu tư, các mạng dịch vụ trên thị trường tiền tệ, tỷ giá... vẫn có những cơ hội tốt.

Vẫn còn nhiều dư địa để thu nhập ngoài lãi tiếp tục tăng trưởng

Xu hướng dịch chuyển nguồn thu từ hoạt động tín dụng sang các hoạt động phi tín dụng ngày một rõ ràng hơn trong các ngân hàng.

Theo thống kê của Chứng khoán ACB (ACBS), thu nhập ngoãi lãi của các ngân hàng đã tăng trưởng kép 25,6% trong 8 năm qua. Với góc nhìn lạc quan, đơn vị này cũng kỳ vọng rằng nguồn thu này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn.

Ngân hàng đa dạng hóa thu nhập vượt qua mùa dịch - Ảnh 4.

ACBS cho rằng sự phát triển của nền kinh tế sẽ đi kèm với sự tăng trưởng hoạt động thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, điều này sẽ thúc đẩy thu nhập dịch vụ của các ngân hàng từ các hoạt động tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế.

Mặc dù hiện tại nhiều ngân hàng đang miễn phí giao dịch trực tuyến để thay đổi hành vi người tiêu dùng nhưng trong tương lai, đây sẽ là nguồn thu tiềm năng lớn khi xu hướng thanh toán trực tuyến đang phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, cho rằng thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam vẫn còn nhiều dự địa để tăng trưởng, ACBS kỳ vọng thu nhập từ hoa hồng phân phối bảo hiểm sẽ ngày càng đóng góp lớn vào thu nhập từ dịch vụ.

"Ngoài ra, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, giúp thu nhập từ các hoạt động môi giới, tự doanh và bảo lãnh phát hành chứng khoán sẽ tăng trưởng khả quan trong những năm tới", theo nhóm phân tích.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các chuyên gia của ACBS cũng cho rằng lợi nhuận từ mua bán chứng khoán của một số ngân hàng nhiều khả năng sẽ sụt giảm do lợi suất trái phiếu chính phủ khó có thể tiếp tục giảm sâu như trong giai đoạn 2018 - 2020.

Lê Huy