|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu hút FDI năm 2017: Không khó để tăng thêm 10%

20:30 | 03/01/2017
Chia sẻ
GS-TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng với diễn biến môi trường đầu tư cải thiện tích cực, thu hút FDI năm nay sẽ không khó để tăng thêm 10%.
thu hut fdi nam 2017 khong kho de tang them 10
Dự báo thu hút FDI năm 2017 sẽ khởi sắc - Ảnh minh họa

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) vừa công bố tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả nước năm 2016. Theo đó, tổng vốn FDI đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 đạt hơn 24,3 tỉ USD, tăng 7,1% so với năm 2015. Trong đó, vốn FDI thực hiện năm 2016 ước tính đạt 15,8 tỉ USD, tăng 9% so với năm ngoái, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.

Đánh giá về tình hình thu hút FDI của cả nước năm 2016, trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới, GS-TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết năm 2016 được xem là một năm diễn ra khá tốt với việc thu hút FDI, chất lượng các dự án thực hiện đạt hiệu quả. Cụ thể, vốn FDI đăng ký trong năm 2016 đạt hơn 24 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với năm ngoái đạt 22,76 tỉ USD. Vốn thực hiện cũng tăng 9% so với năm 2015.

Nói về mức chênh giữa số vốn thực hiện và vốn đăng ký năm vừa qua, GS Nguyễn Mại cho biết trong năm 2016 mức chênh giữa vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện đã cải thiện đáng kể, ở mức 3,5 - 4 tỉ USD.

"Nhìn vào con số trên có thể thấy, năm vừa qua FDI đang ngày càng thực chất hơn, nhà đầu tư xin được giấy phép là làm ngay. Ví dụ như dự án của Samsung, tập đoàn này đăng ký, chỉ một năm sau là đi vào hoạt động ngay, nên không tạo ra khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện", GS Mại nhận xét.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Mại dự báo năm 2017 với triển vọng môi trường đầu tư được cải thiện và đánh giá cao, sẽ không khó để Việt Nam tăng thêm 10% vốn đăng ký và vốn thực hiện FDI.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng khẳng định nếu TPP không được thực thi thì cũng không ảnh hưởng nhiều tới tình hình thu hút FDI của Việt Nam, vì so với các nước trong khu vực hiện nay, Việt Nam đang có lợi thế về ổn định chính trị, ổn định kinh tế, và đặc biệt nổi lên như một điểm sáng về thu hút FDI.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng nhận định rằng Việt Nam đang có lợi thế để trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia. Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục là hai nước có vốn cam kết FDI vào Việt Nam nhiều hơn trong 2 - 3 năm tới.

Còn theo đánh giá của Công ty Quản lý đầu tư và tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL), trong năm 2017, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục dõi theo khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam năm 2017 có thể tăng 12% so với năm 2016.

Tuyết Nhung